Trải nghiệm làm thợ lò
Thấm thoắt cũng hơn 5 năm kể từ ngày tôi nhận quyết định làm phóng viên thường trú của báo Tiền Phong tại Quảng Ninh. Những ngày đầu vô cùng khó khăn, đường không biết, mối quan hệ cũng không. Tôi vẫn miệt mài rong ruổi lên các bản làng, ra đảo tiền tiêu và gần đây nhất là chui xuống “âm phủ”.
Đấy là câu nói vui của công nhân vùng mỏ "ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ". Khi quá trình khai thác than lộ thiên đang dần đóng cửa vì vấn đề môi trường thì lòng đất chính là sự lựa chọn không thể tốt hơn cho ngành than. Với những công nghệ mới, máy móc hiện đại và sức lao động của công nhân mỏ, quá trình khai thác hầm lò đang dần đi sâu vào lòng đất. Có những mỏ than đã đi xuống quá độ sâu 300m so với mặt đất.
“Chưa được chui xuống độ sâu hơn 300m lần nào là một thiệt thòi vô cùng lớn đối với phóng viên vùng mỏ” - anh Trần Mạnh Cường, nguyên Giám đốc công ty than Hà Lầm nói với tôi khi biết tôi chỉ mới chui các lò chợ sâu vài chục mét.
Sau một thời gian “ém sức” để được chui lò, vào một ngày cuối tuần, anh Cường gọi thông báo sáng thứ 2 đầu tuần đích thân anh sẽ dẫn tôi chui lò. Nhận được tin, tôi hồi hộp như ngày mới biết yêu vậy, phần có hơi sợ nhưng phần là hào hứng, tò mò vì qua lời kể thì xuống độ sâu như vậy cực kỳ nguy hiểm. Những người huyết áp không ổn định không nên đi và những người có vấn đề về hô hấp cũng không nên nghĩ đến việc chui lò.
Đích thân chọn cho tôi một bộ đồ bảo hộ vừa khít, anh Cường cầm hộp cấp cứu mỏ như cái bi-đông đựng nước đưa cho tôi và dặn dò - "Không được để cái này rời khỏi người, khi xảy ra sự cố, nó là cứu tinh của thợ mỏ".
Có mặt từ sáng sớm, anh Cường dẫn tôi vào khu mỏ cũng là lúc công nhân vừa tan ca 3. Từ xa, gặp công nhân nào anh cũng nhớ tên. Lúc thì nhắc việc ngày mai, lúc thì hỏi han việc gia đình. Dù trải qua một đêm làm việc vất vả dưới lòng đất nhưng gương mặt của công nhân nào cũng rạng rỡ. Anh Cường giải thích: “Vui vì họ vừa hoàn thành tốt công việc, phần nữa sau khi làm việc họ được tắm rửa trước khi ra về nên tinh thần càng phấn chấn. Nhưng điều quan trọng nhất là họ làm việc dưới “âm phủ” nên không có cảm giác mệt”.
Xuống “âm phủ” có gì hay?
Trang phục chỉnh tề, theo chân một nhóm người gồm các kỹ sư mỏ đi cùng Giám đốc Cường để xếp hàng vào thang máy. Nói là thang máy nhưng nhìn qua như một cái khung sắt cỡ to, bên trong còn có cả đường ray. Bước vào bên trong, tiếng ù ù của chiếc máy tời từ từ thả thang xuống lòng đất. Nhìn qua khe hở hàng rào sắt tôi thấy phía dưới là một hố đen sâu thăm thẳm. Hơi rùng mình, ánh sáng phía trên bắt đầu nhạt dần và tắt hẳn, chỉ còn ánh điện mờ treo phía trên đầu.
Sau khoảng 10 phút đi thang máy, nhóm chúng tôi đặt chân xuống độ âm 300m. Một quang cảnh khác xa với tưởng tượng. Một đường hầm lớn thắp điện sáng trưng. Bên dưới đường ray chằng chịt, chốc chốc lại có những ngã rẽ khác nhau xa tít tắp. Hệ thống đường hầm đều được gia cố bằng bê tông cao cả chục mét, hệ thống điện, hệ thống ống dẫn khí được lắp đặt gọn gàng 2 bên nhìn hoành tráng như những đường hầm trong phim viễn tưởng.
Được sắp xếp lên một đoàn tàu mini, cứ 4 người ngồi một toa, chúng tôi di chuyển sâu vào trong đường hầm. Càng đi, không khí ngột ngạt hơn và bụi than bắt đầu vương vào da thịt. Đi chừng 20 phút, chúng tôi tiếp tục đổi sang mono-ray để tiếp tục di chuyển vào sâu hơn nữa. Mono-ray cũng gần như cáp treo chỉ là nhỏ hơn, chỉ ngồi được 2 người mỗi cabin và được treo trên đường ray ngược.
Đi thêm chừng 20 phút, đoàn chúng tôi bắt đầu xuống đi bộ. Không còn đường hầm sạch sẽ, không còn ánh điện sáng trưng mà là một đường hầm rộng chừng 5 mét, dưới chân cơ man là than vừa được khai thác lên. Lúc vừa đi được vài chục mét, tôi hơi choáng vì không nhìn thấy gì. Chiếc đèn trên đầu gần như vô tác dụng, màu đen của than đã hút hết ánh sáng xung quanh. Tôi cố nhìn bóng người phía trước để bám theo.
Mồ hôi dần tứa ra nhòe hết mắt nhưng không dám đưa tay lên lau, vì toàn thân bám đầy bụi than. Chiếc khẩu trang chuyên dụng bắt đầu phát huy tác dụng ngăn chặn bụi. Đoàn người đi chậm lại để chờ tôi. Tôi nghe loáng thoáng một anh bên cạnh nói - "Mới xuống lần đầu chưa quen nên có hơi vất vả, một lúc quen mắt sẽ đỡ hơn. Cố lên chú!".
Đi bộ chừng 15 phút chúng tôi đến khu vực lò chợ. Một nhóm công nhân đang điều khiển mũi khoan. Không khí ở đây đặc quánh, xung quanh là các cột thủy lực chống lò to hơn vòng tay người ôm. Không gian bắt đầu hẹp dần, phải cúi khom người, có những đoạn phải bò xuống để qua được phía bên kia. Anh Cường dừng lại nói với tôi - “Đã đến khu vực làm việc, em cứ tác nghiệp để anh kiểm tra, chỉ đạo anh em vì đường lò đang gặp phải đá chặn lối".
Chiếc máy ảnh Canon tôi mang theo không thể hoạt động vì không đủ ánh sáng. Nó cứ tịt tịt tè tè lấy nét nhưng không thể chụp. Tôi quay ra mượn thêm 3 cái đèn pin của nhóm thợ lò đang ngồi nghỉ. Nhưng ở một không gian vừa hẹp, vừa toàn ánh than đen nhánh, 4 cái đèn cũng chỉ để tôi cố chụp được vài kiểu ảnh mờ toẹt.
Thấy tôi loay hoay, anh Cường đang đọc bản vẽ quay sang cười với một khuôn mặt đen nhẻm - “Em thử để chế độ chụp đen trắng xem sao, anh quên dặn là phải có máy ảnh chuyên dụng mới tác nghiệp dưới này được”. Đúng như mẹo của anh, chiếc máy ảnh bắt đầu “hợp tác” khi chuyển sang chế độ chụp đen trắng.
Tôi cũng không biết đã lang thang dưới đường hầm bao lâu, đến lúc nhóm kỹ sư ra hiệu quay lên mặt đất tôi bắt đầu thấy đói. Hai chân bủn rủn đi theo nhóm người rời khỏi lò chợ. Lúc về, anh Cường yêu cầu đi theo đường hầm khác để anh kiểm tra nốt băng tải vận chuyển than. Đôi chân thoăn thoắt dẫn đường, vị giám đốc thuộc từng khúc cua, từng tủ điện đóng hai bên đường hầm. Anh tâm sự, mỗi tuần anh xuống lò ít nhất 2 lần. Hôm nay chỉ đi được 1 góc hệ thống hầm lò của Hà Lầm và không phải ở độ âm 300 mét mà là 345 mét.
Qua lời kể, tôi mới biết anh Trần Mạnh Cường xuất thân từ một người thợ lò. Sau nhiều năm phấn đấu mới có được vị trí ngày hôm nay cho nên từng ngóc ngách của hệ thống đường hầm anh đều nắm rõ. Anh hứa với tôi lần sau sẽ dẫn tôi xuống độ sâu... 375 vì công ty đã khai thác đến đấy. Anh nở một nụ cười và dặn - “Lần sau xuống, nhớ đầu tư bộ máy ảnh xịn xịn tí đỡ mất công”.