Theo ABC News, Thủ đô Damascus của Syria ngày 15-7 chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt nhất kể từ khi xung đột bùng nổ ở nước này 16 tháng trước.
ABC News dẫn nguồn tin từ người dân địa phương cho biết, xung đột ở Damascus “ác liệt nhất tại thủ đô kể từ khi xung đột vũ trang nổ ra do những lực lượng đòi lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad khởi xướng”.
Các nguồn tin từ lực lượng thân phe nổi dậy cho biết, có ít nhất 55 người thiệt mạng trong cuộc giao tranh mới nhất này.
Cuối tuần trước, một cuộc "tắm máu" diễn ra ngày 12-7 gần thành phố Hama ở tỉnh ly khai cùng tên. Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng theo số liệu các bên cung cấp cho thấy, số người thương vong trong khoảng 100 đến 200 người.
Nhiều hãng tin nước ngoài dẫn lời một nhà hoạt động đối lập nói, đa số những người thiệt mạng không phải dân thường mà là chiến binh lực lượng nổi loạn Syria.
Người đứng đầu sứ mệnh quan sát của Liên Hợp Quốc ở Syria, Tướng Robert Mood, cũng xác nhận, chính quyền Syria sử dụng vũ khí hạng nặng trong xung đột này.
Ngay lập tức, trụ sở ICRC tại Syria ra tuyên bố, cảnh báo mức độ nghiêm trọng của xung đột vũ trang đã ngang với “một cuộc nội chiến”.
Trước đó, ICRC công bố tình trạng nội chiến ở một số vùng của Syria, bao gồm ba trọng điểm Homs, Hama và Idlib.
Người phát ngôn ICRC Hicham Hassan nói: “Không xảy ra xung đột mang tính quốc tế ở Syria. Không phải mọi vùng đều bị ảnh hưởng, nhưng cũng không còn giới hạn trong ba vùng trọng điểm nữa mà đã lan sang một số vùng khác”.
Nga “tố” Mỹ
Đài tiếng nói nước Nga ngày 16-7 cho biết, Mỹ, Pháp và Anh tiếp tục kêu gọi Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết về Syria trên cơ sở Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, cho phép can thiệp quân sự vào xung đột ở Syria.
Trong khi đó, Moscow một lần nữa cảnh báo phương Tây đang cố gắng tìm cách chấm dứt sứ mệnh của Phái bộ quan sát viên của Liên Hợp Quốc tại Syria, làm cơ sở cho việc lặp lại kịch bản Libya.
Theo kế hoạch, sứ mệnh của Phái bộ sẽ kết thúc ngày 21-7 tới, tuy nhiên, Nga luôn ủng hộ việc mở rộng hơn nữa hoạt động của phái đoàn này.
Người đại diện của Nga tại Liên Hợp Quốc - ông Alexander Pankin - khẳng định, sẵn sàng thỏa hiệp khi thảo luận về nghị quyết gia hạn nhiệm vụ quan sát viên ở Syria.
Dự kiến, trong tuần này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tập trung thảo luận vấn đề này, bên cạnh hai dự thảo nghị quyết về Syria. Một dự án do Nga đề xuất, dự án khác là của Anh, Đức, Mỹ và Pháp.
Trong một diễn biến đáng chú ý, đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn nguồn tin cho thấy quân đội Syria bắt đầu sử dụng vũ khí hoá học từ các kho dự trữ.
Wall Street Journal trích dẫn nguồn từ các quan chức Mỹ, cho biết, Damascus đang cân nhắc việc sử dụng loại vũ khí hóa học để chống lại quân đội của phe đối lập.
Theo Wall Street Journal, quân đội của Tổng thống Bashar al – Assad cũng đang rốt ráo tìm địa điểm che giấu vũ khí hủy diệt này tránh để lọt vào tay kẻ thù trong nước, cũng như ngăn chặn sự nhòm ngó của các nước phương Tây.
Theo giới phân tích, một khi Syria bước vào cuộc nội chiến, nguy cơ phổ biến vũ khí hóa học sẽ gia tăng không chỉ trong phạm vi quốc gia Trung Đông này.
Tùng Dương tổng hợp