Suy thoái nhìn từ vụ Trịnh Xuân Thanh

TP - “Người không “chạy” về cơ bản thường có đủ phẩm chất, năng lực và đặc biệt là họ có lòng tự trọng. Còn người ra sức “chạy” thể hiện họ thiếu rất nhiều thứ để bù đắp những mặt thiếu, khoảng trống”, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương, trao đổi về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng và những việc cần làm ngay.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: MC.

Đề cập các vụ đại án nổi cộm được đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, vấn đề này không phải đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII mới đặt ra mà thực chất từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Theo ông Hà, các vụ đại án chính là biểu hiện rõ nét của tham nhũng, suy thoái rất nặng.

Suy thoái nhìn từ vụ Trịnh Xuân Thanh

Trong đó, vụ việc Trịnh Xuân Thanh chính là tiêu điểm, tổng hợp của rất nhiều biểu hiện về sự suy thoái với đủ thứ “chạy”: Hết chạy thành tích, chạy thi đua, chạy khen thưởng, rồi chạy danh hiệu. Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ đây là biểu hiện suy thoái, làm đẹp hồ sơ, ẩn khuyết điểm để nhận các huân chương và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Ông Hà phân tích, sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra những khuyết điểm, “lỗ đầm đìa”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, thì chủ tịch “chạy” đường chủ tịch, tổng giám đốc “chạy” đường tổng giám đốc. Thế là chạy tội, không kiểm điểm gì cả. Êm ả rồi thì chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, quy hoạch. Cuối cùng về giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Tất cả những biểu hiện “chạy” này là biểu hiện của sự suy thoái.

“Người không chạy về cơ bản thường có đủ phẩm chất, năng lực và đặc biệt là họ có lòng tự trọng. Còn người ra sức “chạy” thể hiện họ thiếu rất nhiều thứ để bù đắp những mặt thiếu, khoảng trống”, ông Nguyễn Đức Hà nói.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, trong tất cả khuyết điểm mà Nghị quyết Trung ương 4 nêu ra, nguyên nhân sâu xa, trực tiếp nhất chính là cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, để cho chủ nghĩa cá nhân phát triển. Đây là vấn đề đặt ra, tới đây phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý chặt chẽ hơn.

“Chỉ cần một thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng về ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về xử lý vụ việc tiêu cực Trịnh Xuân Thanh mà báo chí nêu đã tác động cả đất nước. Đây là một quan điểm rất lớn của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, phải kết hợp giữa xây và chống, nhưng phải lấy xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài và lấy chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”, ông Hà nói.

Nể nang, né tránh cũng là suy thoái

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hà, điểm mới nhất của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chính là việc trung ương đã nhận diện rõ, chỉ mặt, đặt tên một cách khá cụ thể. Ông Hà cho rằng, chuyện “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống không phải tất cả các đảng viên đều nhận thức được.

“Nhiều đảng viên xem như vấn đề suy thoái ở đâu chứ không phải mình, thậm chí ở cơ quan thì chắc là người khác. Trung ương bảo là Trung ương không suy thoái chắc chỉ dưới tỉnh; tỉnh bảo tỉnh không suy thoái chắc chỉ có huyện; huyện thì bảo làm gì mà suy chắc chỉ có xã; xã bảo chắc dưới thôn, bản, tổ dân phố. Nhưng xuống tổ dân phố thì lại cho rằng, chắc chỉ suy thoái ở trên. Có nghĩa là không ai nhận diện ra được suy thoái. Nhưng lần này, Trung ương chỉ ra rất rõ những biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, ngay như việc nể nang, né tránh thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh cũng là suy thoái, thiếu tinh thần trách nhiệm cũng là suy thoái; dễ làm khó bỏ cũng là suy thoái, chứ chưa nói đến tham ô, tham nhũng.

“Nghị quyết Trung ương 4 được xem như là tấm gương để các đảng viên soi vào, thẳng thắn nhìn nhận, xem bản thân có “dính” biểu hiện nào không. Nếu “dính” thì nặng hay nhẹ để tự điều chỉnh, tự sửa chữa. Đây chính là mục đích lớn nhất của Nghị quyết Trung ương 4, chứ đâu phải ra nghị quyết này để “chém”, để kỷ luật, thanh trừng ai...”, ông Hà nhìn nhận.