Sức mạnh của sự thật

TP - Chính phủ Mỹ vừa giải mật Hồ sơ Lầu Năm Góc, tập tài liệu nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ năm 1971, một phần tập tài liệu này đã được công bố, với nỗ lực của Daniel Ellsberg đưa ra ánh sáng những bí mật và dối trá của chính quyền Mỹ.

Mỹ công bố tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam

Daniel Ellsberg từng được mệnh danh Người đàn ông nguy hiểm nhất nước Mỹ, là cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, một nhà phân tích quân sự, người đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị năm 1971 khi cho công bố một phần của Hồ sơ Lầu Năm Góc.

Trong tập tài liệu do Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện ấy, người ta nói đến những màn kịch mà chính phủ dựng lên trong thời gian diễn ra cuộc chiến Việt Nam.

Cắn rứt lương tâm...

Ellsberg đã tuồn những tài liệu thuộc hàng tối mật ấy cho tờ nhật báo New York Times. Những bài báo dựa trên số tài liệu này được công bố sau đó trên New York Times đã làm giảm đáng kể sự ủng hộ của công chúng đối với chính phủ Mỹ trong việc can dự vào Việt Nam. Sau đó, cộng thêm sự kiện Watergate, Richard M. Nixon trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ phải từ chức.

Hồ sơ Lầu Năm Góc chủ yếu kết tội chính phủ với đa số ghế thuộc đảng Dân chủ của tổng thống Lyndon B. Johnson, nhưng trong thời gian này, những gì là tiền đề cho các bê bối của tổng thống kế tiếp Nixon của đảng Cộng hòa cũng được ghi nhận (bí mật về nhóm đặc vụ của Nhà Trắng với bí danh Những thợ sửa ống nước, chuyện đột nhập, sau này thực thi đặc vụ Watergate: đặt máy nghe lén các cuộc họp của đảng Dân chủ đối lập).

Hồ sơ Lầu Năm Góc còn chứa đựng các kế hoạch xâm chiếm Việt Nam, dù Tổng thống Johnson đã tuyên bố với dân Mỹ rằng ông ta không có ý định thực hiện một cuộc xâm lược.

Ellsberg sinh ngày 7-4-1931, lớn lên ở thành phố Detroit, bang Michigan và học Đại học Harvard. Năm 1959, Ellsberg trở thành tiến sỹ kinh tế. Sau đó, ông phục vụ trong Hải quân Mỹ 2 năm và trở thành nhà phân tích cho tập đoàn Rand. Năm 1964, Ellsberg làm việc tại Lầu Năm Góc dưới thời Bộ trưởng Robert McNamara. Rồi ông qua Việt Nam làm nhân viên dân sự trong Đại sứ quán Mỹ và dần nhận thấy, Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến Việt Nam.

Ellsberg tin rằng, đã có đồng thuận giữa Bộ Quốc phòng và nhiều cơ quan của chính phủ rằng Mỹ không có cơ may thực tế nào để có thể chiến thắng, nhưng những cân nhắc chính trị không cho phép họ công khai nói ra điều ấy. McNamara và các quan chức khác tiếp tục nói với báo chí rằng “chiến thắng là điều một sớm một chiều”. Tình hình chiến cuộc ngày càng xấu đi đối với nước Mỹ và Ellsberg cảm thấy cực kỳ chán nản.

Về làm việc lại cho tập đoàn Rand, Ellsberg bắt đầu tìm kiếm và thu thập được khá nhiều tài liệu thuộc hàng tối mật liên quan cuộc chiến. Tài liệu cho thấy, ngay từ đầu, người ta đã biết cơ hội chiến thắng của người Mỹ là gần như không có, và tiếp tục cuộc chiến thay vì công khai chấp nhận thất bại sẽ dẫn đến thương vong gấp nhiều lần. Hơn thế, các tài liệu còn cho thấy sự nhạo báng của Lầu Năm Góc đối với công chúng, không tôn trọng những tổn thất nhân mạng của binh lính và thường dân.

Ellsberg hiểu rằng, công bố những tài liệu này sẽ dẫn đến việc ông bị kết án và chắc chắn là lĩnh án tù nhiều năm. Trong suốt năm 1970, ông bí mật thuyết phục một vài nghị sỹ, rằng họ nên đưa tài liệu này ra Thượng viện, vì một thượng nghị sỹ không thể bị kết án với những gì ông ta nói trước Thượng viện. Tuy nhiên, không ông nghị nào sẵn lòng làm theo lời Ellsberg.

Ellsberg lúc ở Việt Nam.

Cuối cùng, Ellsberg xì các tài liệu cho tờ New York Times. Ngày 13-6-1971, tờ báo bắt đầu chạy kỳ đầu tiên trích từ tập hồ sơ dày 7.000 trang. Trong vòng nửa tháng, chính quyền của Tổng thống Nixon tìm cách chặn lại các bài báo. Tuy nhiên, Tòa tối cao nước Mỹ đã phán quyết tờ báo được tiếp tục chạy bài. Dù New York Times không tiết lộ người cung cấp tài liệu, Ellsberg hiểu rằng Cục Điều tra Liên bang (FBI) sớm xác định được ông là người làm việc ấy.

Ông lui vào bí mật, sống kín đáo cùng những người đồng cảm. FBI đã không bắt ông, dù họ phải chịu sức ép ghê gớm từ chính quyền của Tổng thống Nixon.

Và cuộc chiến pháp lý

Việc công bố những phần của Hồ sơ Lầu Năm Góc đã gây ra những rắc rối chính trị, không chỉ cho chính quyền của tổng thống đương nhiệm Nixon, mà cả cho hai chính phủ tiền nhiệm Johnson và Kenedy.

Tổng chưởng lý John Mitchell trong chính quyền của Nixon gần như ngay lập tức gửi điện cho báo New York Times, yêu cầu ngừng đăng loạt bài. Tờ báo từ chối và chính quyền khởi kiện. Dù sau đó tờ báo chiến thắng tại Tòa tối cao, một tòa thượng thẩm phán quyết New York Times tạm thời ngừng đăng bài.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, chính quyền liên bang tìm cách ngăn một tờ báo đăng bài. Để đối phó với việc này, Ellsberg tuồn hồ sơ cho các tờ báo khác vì hiểu rằng để ngăn chặn, chính phủ phải có được lệnh của tòa án chống lại tất cả các báo ở Mỹ.

Việc làm của Ellsberg ngày càng khiến Nixon điên đầu. Triệt hạ uy tín của Ellsberg trở thành ưu tiên của Tổng thống. Một băng ghi âm tại Phòng Bầu dục của Nixon ngày 14-6-1971 cho thấy cố vấn hàng đầu H.R. Haldeman nói với Nixon: “Tất cả những việc này cho thấy một điều rõ ràng: anh không thể tin chính phủ; anh không thể tin những gì họ nói; và anh không thể dựa vào những phán xét của họ. Và sự “không thể sai lầm” của các tổng thống, vốn đã được mặc định trong xã hội Mỹ, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nó cũng cho thấy người ta làm những gì tổng thống muốn dù việc đó là sai, và tổng thống có thể sai”.

Ngày 28-6-1971, Ellsberg công khai đến nộp mình tại văn phòng Bộ Tư pháp Mỹ ở thành phố Boston. Ông bị tống giam và tin rằng sẽ phải ngồi tù đến cuối đời.

Trong một nỗ lực của Nixon nhằm triệt hạ thanh danh Ellsberg, tháng 9-1971, hai nhân viên mật vụ là G. Gordon Liddy và E. Howard Hunt đột nhập văn phòng bác sỹ tâm lý của Ellsberg với hy vọng tìm được thông tin giúp họ bôi nhọ Ellsberg.

Ngày 3-5-1972, Nhà Trắng bí mật đưa một tá biệt kích CIA gốc Cuba về thủ đô Washington để ám sát hoặc tấn công Ellsberg. Nhưng nhóm này sau đó được lệnh rút lui vì ảnh hưởng của Ellsberg tới công chúng rất sâu rộng.

Daniel Ellsberg trước tòa.

Sau này, tòa xác nhận những hành vi sai trái của chính quyền và mọi cáo buộc đối với Ellsberg đều bị bác bỏ. Sau đó, ông tiếp tục hoạt động chính trị. Gần đây, Ellsberg gây ra làn sóng chỉ trích từ chính quyền của Tổng thống George W. Bush vì đã ngợi khen một người tuýt còi (người công khai những hành vi sai trái của các tổ chức) khác là Katherine Gun, cựu nhân viên tình báo Anh, và kêu gọi mọi người công bố bất cứ thông tin gì về những dối trá trong cuộc chiến Iraq năm 2003.

Hiện Ellsberg là nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts.

Năm 2005, câu chuyện về Hồ sơ Lầu Năm Góc có thêm một diễn tiến mới: sau hơn 30 năm, nhân vật có bí danh Deep Throat, người cung cấp thông tin về vụ nghe lén ở khách sạn Watergate dẫn đến việc Tổng thống Nixon từ chức, đã bước ra ánh sáng. Đó là Mark Felt, cựu phó giám đốc FBI, lúc ấy đã 91 tuổi.

Hồ sơ Lầu Năm Góc tiết lộ rằng, Mỹ đã cố tình mở rộng chiến tranh bằng việc ném bom Campuchia và Lào, tấn công bờ biển Bắc Việt Nam. Những vụ việc này không xuất hiện trên báo chí Mỹ.

Hồ sơ còn cho thấy bốn đời tổng thống, từ Truman đến Johnson, đã lừa dối công chúng về những ý định của họ.

Ví dụ, chính quyền John F. Kenedy đã lên kế hoạch loại trừ lãnh đạo Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm trước khi ông này bị giết trong cuộc đảo chính tháng 11-1963.

Hoặc việc Tổng thống Johnson quyết định mở rộng chiến tranh dù vẫn hứa “không tìm kiếm một cuộc chiến quy mô lớn hơn” trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1964, gồm cả kế hoạch ném bom Bắc Việt Nam trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1964.

Xuân Thủy
Tổng hợp từ u-s-history.com, ellsberd.net, wikipedia.org…

Theo Báo giấy