Những tấm gương vượt khó
Đến từ Tây Nguyên, cô bé Ksor Nuk, học sinh điểm trường Plei Ksing C thuộc trường tiểu học Nguyễn Trãi, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện (Gia Lai), rụt rè chia sẻ ước mơ trở thành cô giáo để dạy chữ cho trẻ em nghèo.
Nhà nghèo, từ khi sáu tuổi, Nuk đã biết làm các công việc quán xuyến gia đình bởi bố mẹ Nuk phải đi lên rẫy làm thuê cho người ta, xẻ gỗ, phát mì, có khi đến 2-3 tháng mới về, để các con ở nhà tự chăm sóc đùm bọc lẫn nhau. Mấy chị em chia sẻ công việc quét nhà, rửa bát, nấu cơm…
Hàng ngày, sau giờ học, Nuk đi nhặt phân bò khô. Công việc chỉ thuận lợi vào mùa khô, mỗi tuần Nuk nhắt được 10kg và sẽ bán được 30 nghìn. Cơm độn lá mì là món ăn chính thường xuyên của cả nhà. Thịt cá trong bữa ăn dường như là điều gì đó cao vời và xa xỉ. Chia sẻ về cuộc sống khó khăn nhưng sự ngây thơ đến hồn nhiên vẫn ngời lên trong ánh mắt của Nuk.
Mặc dù học lớp 5 nhưng Nguyễn Thế Hiển học sinh lớp 5A1 trường Tiểu học Lộc An C, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) trông nhỏ như một cậu học sinh lớp 3. Em khiến mọi người xúc động với những chia sẻ sau khi cùng các bạn đến thăm và giao lưu tại trường Tiểu học Thực Nghiệm Hà Nội và được một bạn mời về thăm nhà và ăn cơm: “Em rất vui vì lần đầu tiên được đi máy bay, được ra Hà Nội và em được ăn bữa cơm ngon nhất em từng được ăn. Em ăn nhanh đến nỗi cô hiệu trưởng phải nhắc ăn chậm thôi kẻo… nghẹn”.
Hiển mồ côi bố từ khi còn học mẫu giáo, một mình mẹ Hiển mặc dù bệnh nặng vẫn phải gánh vác nuôi bốn chị em, lại thêm bà ngoại già yếu. Kinh tế gia đình trông cả vào vườn cà phê còi cọc năng suất rất thấp do không có tiền để đầu tư phân bón và kỹ thuật.
Nhớ lời mẹ dạy, chỉ có học thật tốt mới thoát khỏi cảnh nghèo, Hiển đã cố gắng học tập tốt và được thầy cô bạn bè đánh giá cao tinh thần học giỏi vượt khó. Ngoài ra, em còn tham gia đội tuyển cờ vua của trường và đã giành giải ba đồng đội nam trong hội thao toàn huyện.
Ở nhà, dù bé nhất nhà Hiển vẫn giúp được mẹ và bà nhiều việc như cơm nước, hái cà phê hoặc cùng mẹ đi mót cà phê ở những rẫy người ta đã thu hoạch xong để kiếm thêm tiền.
Đó là hai trong số năm tấm gương vượt khó học giỏi được mời tham gia giao lưu trong đêm Gala Đèn Đom Đóm 2012. Những câu chuyện về cuộc sống, về sự cố gắng vươn lên của các em đã làm lay động cộng đồng. Ngay trong đêm giao lưu nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tuyên bố tài trợ học bổng cho đến khi các em tốt nghiệp lớp 12.
Bớt tiền ăn sáng để ủng hộ
Chị Đàm Thị Phương ở Bình Gia, Lạng Sơn, người đã được hệ thống tin nhắn ghi nhận là nhắn tin ủng hộ chương trình bình chọn ngôi trường Đèn Đom Đóm nhiều nhất. Số tiền chị ủng hộ cho chương trình qua hệ thống tin nhắn lên đến hàng triệu đồng.
Chị cho biết, hàng tuần, chị và các con cháu đều theo dõi chương trình truyền hình thực tế Đèn Đom Đóm. Chị muốn các con thấy rằng, ở nhiều nơi, nhiều bạn còn khó khăn hơn rất nhiều và lấy đó làm tấm gương để phấn đấu học tập tốt. Chị vận động các con cháu bớt tiền ăn sáng để ủng hộ cho những ngôi trường khó khăn.
Trường tiểu học Nguyễn Trãi, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã nhận được nhiều lượt bình chọn nhất, và là ngôi trường Đèn Đom Đóm thứ 9, được xây mới từ ngân sách 2,5 tỷ đồng do nhãn hàng sữa Cô Gái Hà Lan đóng góp, đưa tổng số tiền Cô Gái Hà Lan đã dành cho chương trình này lên đến hơn 30 tỷ đồng.
Bình Gia, Lạng Sơn cũng có nhiều ngôi trường nằm trong diện khó khăn. Chị nhắn tin và mong rằng, một ngày nào đó, cộng đồng sẽ chung tay hỗ trợ những ngôi trường khó khăn trên quê hương Bình Gia của chị.
Chị Phương chia sẻ “Lương tháng của tôi có 3,8 triệu đồng, nếu ngay lập tức bỏ ra một khoản 500 nghìn thì tôi rất khó khăn bởi vậy nhắn tin ủng hộ là cách mà tôi có thể ủng hộ được tốt nhất và nhiều nhất”.
Theo thống kê của tổng đài 8751, chỉ trong 6 tháng qua đã có trên 31 nghìn lượt người tham gia bình chọn qua tin nhắn, cùng hàng trăm triệu đồng được đóng góp trực tiếp vào tài khoản của chương trình. Nhiều doanh nghiệp cũng đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng để chung tay hỗ trợ trong các ngôi trường khó khăn ở vùng sâu vùng xa trên mọi miền Tổ quốc.
Tại lễ công bố Ngôi trường Đèn Đom Đóm năm 2012, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH đánh giá cao sức lan tỏa và tính nhân văn của chương trình Khuyến học Đèn Đom Đóm.
Phó Cục trưởng An nhấn mạnh “Hiện tại, còn rất nhiều khoảng cách bất bình đẳng trong việc bảo vệ trẻ đặc biệt là cơ hội bình đẳng trong học tập. Chương trình đã góp phần giảm bớt khoảng cách này và thu hút được sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng và giới truyền thông”.