Với kích thước nhỏ và bên ngoài được định hình như một con chim, các nhà khảo cổ học nghi ngờ rằng xác ướp nhỏ này có thể là của một con chim ưng.
Nhưng sự thật được tiết lộ sau khi quét vi CT rất bi thảm. Hóa ra đây chính là xác ướp 2.100 năm tuổi của một bào thai. Các chuyên gia cho rằng cậu bé đã được 23-28 tuần tuổi với hộp sọ bị dị dạng, điều đó khiến gia đình cậu thực hiện việc ướp xác vô cùng hiếm của "một thai nhi trông rất kỳ lạ".
Theo nhà sinh vật học Adrew Nelson thuộc Đại học Western, chỉ có khoảng 6 đến 8 xác ướp thai nhi thuộc thời kỳ Ai Cập cổ đại được phát hiện. Trong một khoảng thời gian, Xác ướp đã được đặt sai tên trong Bảo tàng Maidstone của Anh dưới cái tên "Mummified Hawk Ptolemaic Period" (Xác Ướp Chim Ưng Thời Đại Ptolemies), cho đến khi các bản chụp CT năm 2016 đã tiết lộ đó là xác ướp của một con người, điều này đã khiến không ít chuyên gia bất ngờ.
Để tìm hiểu thêm, nhóm của Nelson đã điều tra một bước xa hơn; làm việc với bảo tàng và Nikon Metrology UK, họ đã tiến hành quét vi CT, ghi lại với độ phân giải cao nhất cho một xác ướp thai nhi.
Và việc "bóc tách ảo" thai nhi đã tiết lộ các dị tật gây shock, một trường hợp hiếm gặp của bào thai: Anencephaly (thiếu một phần não).
Trong khi cơ thể có đầy đủ ngón tay và ngón chân như bình thường thì hộp sọ của thai nhi đã bị dị tật.
Trong khu vực mà đáng nhẽ là nơi bộ não lớn lên, hộp sọ đã thiếu các xương cần thiết để tạo thành xương vòm và các bên.
Các nhà nghiên cứu cho biết đây chỉ là xác ướp mắc chứng Anencephaly thứ hai được phát hiện - lần đầu tiên vào năm 1826. Anencephaly có liên quan đến việc thiếu axit folic (thường được tìm thấy trong rau xanh) trong chế độ ăn của người mẹ.
Theo nhóm nghiên cứu, xác ướp hiếm có này có thể có liên hệ với ma thuật Ai Cập cổ đại.