Sự thật mất lòng

TP - Tạm gác các cảm xúc cực đoan gây bởi ngôn từ được cho là cay nghiệt, diễn thuyết 41 phút của ông Donald Trump hôm 19/9 góp phần trả lời một trong những sự thật: “Đâu là quy luật chủ đạo trong quan hệ chính trị quốc tế hiện đại?”.

Thế giới chưa bao giờ đa dạng, phức tạp, và khó đoán như ngày nay. Chẳng hạn, ít ai – kể cả ông Trump - có thể lường trước nguyên nhân và hậu quả các phát ngôn gây sốc của ông. Có vẻ ngày càng nhiều yếu tố ngẫu nhiên chi phối chiều hướng phát triển hơn là các chương trình lập sẵn bởi lý tính. Có thể kể đến “tiếng chó sủa” mà ngoại trưởng Triều Tiên gán cho phát ngôn “huỷ diệt” của ông chủ toà bạch ốc hoặc “một bài phát biểu rất đáng hoan nghênh, thứ chúng ta lâu lắm chưa được nghe từ một lãnh đạo Mỹ” từ ngoại trưởng Nga.

Vậy sao các yếu tố ngẫu nhiên tác động ngày càng mạnh? Một thế giới đa cực đồng nghĩa với đa ý kiến, đa ước mơ. Toàn cầu hoá, hội nhập là phương tiện để đạt mục tiêu tối thượng - lợi ích quốc gia nấp dưới ngôn từ ngoại giao mỹ miều. Đó là tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực, nền tảng lý luận giải thích các quan hệ đương đại. Trường phái hình thành sau thế chiến thứ hai ấy sống mãnh liệt đến mức các trường phái khác luôn bị xếp sau như chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa thế giới, v.v...

Bất chấp sự lớn mạnh của các tổ chức đa phương, động lực chính của thế giới ngày nay còn lâu mới là giải quyết các vấn đề đem lại lợi ích chung như nhiều nhà bác ái mong đợi. Chính sách đối ngoại thực chất vẫn là đấu tranh vì quyền lực và sức mạnh quốc gia bất chấp xu thế cùng phụ thuộc đi kèm các lợi ích và giá trị chung.

“Nước Mỹ trên hết”, bởi thế, không phải là phát minh của ông Trump. Ông chỉ khơi ra sự thật trần trụi ẩn trong thế giới hiện thực. Dưới lăng kính “nước mình trên hết”, sẽ dễ hiểu khi ngoại trưởng Iran bảo giọng điệu của tổng thống Mỹ 71 xuân “đầy ngu xuẩn hận thù” còn thủ tướng Israel: “Tôi chưa từng nghe phát biểu nào dũng cảm và sáng rõ đến vậy suốt 30 năm qua tại Liên Hợp Quốc”.

Tỷ lệ dân Mỹ ủng hộ ông Trump tăng đáng kể, lên đến 43%, dù phát biểu của ông khiến bà Hillary Clinton than “rất đen tối, nguy hiểm”. Thực tiễn 70 năm qua còn cho thấy, một khi “cơ sở hoạt động của các quốc gia trên trường quốc tế là lợi ích quốc gia”, nguy cơ xung đột hạt nhân kiểu Mỹ-Triều hiện nay không dễ xảy ra như nhiều người suy diễn từ chiến tranh ngôn từ chà xát lòng tự ái của nhau.