Sự thật gây sốc sau băng rôn đòi nợ của cầu thủ Trung Quốc: bị quỵt lương, tự bỏ tiền túi đi lại, đội chỉ có 1 thủ môn

TPO - Những ngày xa hoa của bóng đá Trung Quốc đã trở thành quá vãng. Hiện tại, tình trạng nợ lương diễn ra phổ biến đến mức LĐBĐ Trung Quốc cũng bất lực, ngoảnh mặt làm ngơ.

Ngày 3/11, ngay trước trận đấu giữa Chengdu Rongcheng và Hebei ở vòng 23 giải Chinese Super League (CSL), các cầu thủ Hebei đã giơ cao biểu ngữ được chuẩn bị trước nhằm đòi quyền lợi cho bản thân. “Cầu xin China Fortune hoàn trả số tiền mà cầu thủ Trung Quốc vất vả kiếm được”, biểu ngữ viết.

Theo tờ Sina, tình hình tại Hebei rất nghiêm trọng. Từ rất lâu rồi các cầu thủ nội ở CLB không nhận được tiền lương. Chi phí hoạt động cũng không có, khiến cầu thủ phải bỏ tiền túi chi trả cho các hoạt động đi lại, ăn ở. Vài năm trước Hebei còn bỏ ra 8,7 triệu bảng để mua Javier Mascherano từ Barca, trả Ezequiel Lavezzi mức lương 21 triệu bảng mỗi mùa, biến tiền đạo người Argentina thành cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới vào năm 2017. Bây giờ, một xu họ cũng không có.

Vào đầu năm 2022, LĐBĐ Trung Quốc đã đưa ra “giải pháp và hình phạt cho các CLB nợ lương”. Dựa trên bối cảnh mọi đội bóng đều lao đao khi các doanh nghiệp rút lui, họ yêu cầu 30% khoản nợ lương phải được thanh toán trước ngày 31/7, và ngày 31/10 là hạn thanh toán 70% còn lại. CLB không hoàn thành đúng hạn sẽ bị trừ điểm và cấm đăng ký cầu thủ mới ở kỳ chuyển nhượng tiếp theo.

Việc các cầu thủ đòi quyền lợi diễn ra phổ biến ở Trung Quốc. (Ảnh: Sina)

Thông tin từ Sina có được cho thấy, thời hạn đã qua, cầu thủ vẫn không nhận được những gì lẽ ra họ được hưởng. Nhiều CLB danh tiếng như Beijing Guoan, Shanghai Shenhua, Guangzhou City chỉ đưa ra thỏa thuận trì hoãn. Điều này dẫn đến biểu ngữ đòi nợ ngay trên sân của cầu thủ Hebei, hoặc bức thư ngỏ xin được trả lương với chữ ký của những cầu thủ nổi tiếng, bao gồm Geng Xiaofeng, Ding Haifeng, Ren Hang và Zhang Chengdong, người từng nằm trong tốp 10 cầu thủ hưởng lương cao nhất CSL.

Ngoài ra còn có những câu chuyện cười ra nước mắt. Tuần trước, thủ môn Chi Wenyi đã chia sẻ trên mạng xã hội, rằng khi hết hạn hợp đồng với Hebei, anh đã chuyển tới một CLB hạng nhì. Thế nhưng Hebei không những không chịu cấp giấy chứng nhận tự do mà còn yêu cầu anh từ bỏ 70% số tiền lương họ còn nợ. Wenyi dĩ nhiên không nhận được đồng nào, trong khi Hebei có thể thông báo với Ban giải quyết nợ lương của LĐBĐ, 70% lương đã được giải quyết xong.

Nhiều cầu thủ ở các đội thuộc CSL đang chơi bóng không công. (Ảnh: Sina)

Wenyi đi rồi, Hebei không có tiền kiếm thủ môn mới. Ở vòng 20, khi thủ môn duy nhất Bao Yaxiong dính chấn thương, hậu vệ Liu Runnan phải xỏ găng đứng trong khung gỗ. Hebei hiện đứng cuối BXH CSL với 3 điểm sau 23 trận. Nhưng những đội xếp trên cũng không khá hơn. Shanghai Shenhua đang đứng thứ 3, và đó là một kỳ tích bởi từ Ban lãnh đạo, đội ngũ huấn luyện đến các cầu thủ đều không có lương, thậm chí không có cả hợp đồng.

Theo Sina, sau hạn chót 31/10, sự thật của bóng đá Trung Quốc đã bị phơi bày. Các cầu thủ tiếp tục bị quỵt lương, còn CLB đối phó với LĐBĐ bằng thỏa thuận trì hoãn hoặc hóa đơn trả lương ảo mà cầu thủ bị ép ký. Trong khi đó, để CSL không sụp đổ, LĐBĐ nhắm mắt cho qua. Cũng không có án phạt nào dành cho CLB vi phạm.

Một quan chức trong Ban giải quyết nợ lương nói với tờ Tin tức bóng đá, rằng “mọi thứ đang được giải quyết và các CLB cần thêm thời gian”, đồng thời biện minh, “nhiều người nói hành động và lời nói của chúng tôi không đi đôi với nhau, thật ra không phải, tất cả vẫn đúng với các quy định, chỉ có điều một số chi tiết cần điều chỉnh”.

Và như vậy, “CLB cần thêm thời gian” đồng nghĩa các cầu thủ cũng phải chịu khổ thêm thời gian. Trong trường hợp này, thời gian là khái niệm vô hạn.