Thấy lợi, “đua” vay ngoại tệ
Cuối năm 2014, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN)) ban hành Thông tư 29 nhằm “siết” lại quy định cho vay ngoại tệ, nhiều doanh nghiệp (DN) lập tức lên tiếng phản đối. Khi đó, trước sức ép của dư luận, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN phải đăng đàn trấn an. Và thay vì đã quyết hai nhóm đối tượng đáng lẽ sẽ hạn chế không được vay ngoại tệ sau 31/12/2014 là các DN xuất nhập khẩu xăng dầu, DN sản xuất hàng trong nước phục vụ xuất khẩu, lập tức NHNN buộc phải “nới room” gia hạn cho các DN này đến hết 31/12/2015.
Thời điểm đó, bà Hồng cho biết, dư nợ ngoại tệ chiếm khoảng 30% trong số tổng dư nợ toàn ngành, trong đó, vay ngoại tệ về xăng dầu chiếm khoảng 6%; còn các DN vay vốn ngoại nhưng sản xuất hàng trong nước chủ yếu rơi vào các DN sản xuất thủy sản. Việc NHNN “siết” DN vay ngoại tệ tràn lan theo bà Hồng xuất phát từ mục tiêu muốn “nắn dòng”, vay vốn ngoại tệ để hạn chế rủi ro tiềm ẩn và tình trạng đô la hóa.
Có dịp tới thăm và mục sở thị một doanh nghiệp sản xuất chế biến tinh dầu dừa và các sản phẩm về dừa xuất khẩu lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, chị Nguyễn Phương, chủ doanh nghiệp thừa nhận, do tỷ giá ổn định lại có nguồn thu ngoại tệ đều nên công ty của vợ chồng chị luôn chọn giải pháp vay vốn bằng ngoại tệ, sau đó quy đổi ra tiền đồng để chi cho mua nguyên liệu, trả lương công nhân hay mở rộng nhà xưởng, máy móc. “Vay USD lãi suất rẻ hơn rất nhiều, thấy có lợi thì tôi vay thôi”- chị Phương cho biết.
Còn bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt lại cho hay, năm 2013, 2014, tỷ giá ổn định chỉ tăng 1-2% đã mang lại sự dễ chịu “chưa từng có” với các DN có nhu cầu làm ăn, giao thương và vay mượn ngoại tệ. Với lãi suất tiền vay USD chỉ 2,5 - 5%/năm (tùy kỳ hạn ngắn dài) và nguồn cung ngoại tệ dồi dào của các ngân hàng thì so sánh với mức lãi suất 7-8% ngắn hạn và 10-12% dài hạn của VND, kể cả khi đã cộng 2% biên độ (tỷ giá điều chỉnh) vay xong lập tức quy đổi tiền đồng, DN vẫn có lời ít nhất 5%- 7%.
“Lợi nhuận này trong kinh doanh chúng tôi gọi là lãi hạch toán tài chính, chứ không phải lãi do sản xuất hay thương mại mang lại. Khoản này về nguyên tắc có thể mất đi cùng với sự biến động tỷ giá bất cứ lúc nào”- bà Vân cho biết.
Lỗ hạch toán, chưa phải tiền tươi
Sau động thái điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng của NHNN thêm 1% và nới biên độ lên +/-3%, đến nay, VND đã mất giá khoảng 3-4% so với các đồng tiền lớn như USD, EUR, JPY. Điều này ảnh hưởng khá nặng nề tới các DN có khoản vay nợ ngoại tệ.
Trên sàn niêm yết, những công ty có doanh thu bằng nội tệ bị ảnh hưởng nhiều nhất xét về mặt lợi nhuận kế toán, xuất phát từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ gồm: Nhiệt điện Phả Lại (PPC) với dư nợ vay hơn 25 tỉ Yen (Nhật Bản), Xi măng Hà Tiên (HT1) với dư nợ vay 72 triệu Euro (EU), Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) với dư nợ 134,8 triệu USD và 123,2 triệu Euro. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chứng khoán, thực tế phần lớn khoản lỗ này mới chỉ là khoản lỗ hạch toán chứ không phải là khoản lỗ tiền tươi thóc thật.
Tiếp câu chuyện nhiều DN kêu lỗ cả ngàn tỷ đồng vì thay đổi tỷ giá, Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần đóng trên địa bàn Hà Nội bật mí với PV Tiền Phong: Bản chất của nhiều DN tranh thủ vay ngoại tệ để hưởng chênh lệch chỉ là mất đi phần hưởng lợi từ lãi suất VND và USD.
Cụ thể hơn, vị này đơn cử: “Có DN lớn thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng thủy điện bên Lào và bản chất là bán điện về Việt Nam thu tiền đồng. Tuy nhiên, do nằm trong đối tượng được vay đầu tư nên DN đó cứ vay ngoại tệ rồi chuyển đổi cho lời tới ít nhất 5% lãi suất. Chưa kể, có DN còn tìm cách chia nhỏ các sản phẩm dự án ra để lọt vào danh sách được vay ngoại tệ”.
Theo bà Nguyễn Ánh Vân, trong Business Plan (Kế hoạch kinh doanh), các DN luôn có dự toán chi phí bù chênh lệch tỷ giá (như 3 năm vừa qua là tính thêm 2% này vào dự phòng hạch toán chi phí và trên thực tế họ phải ký quỹ ngân hàng 2% này - PV). “Tuy nhiên ngay cả khi tỷ giá rơi vào tình thế bất khả kháng tăng thêm 2% và +_ 3% biên độ như hiện tại, thì ngay cả khi đã cộng hết 5% vào, nếu DN vay ngoại tệ và chuyển đổi tiền đồng sử dụng thì trên thực tế, DN không hề lỗ”- bà Vân khẳng định.
“Lâu nay, các DN đã hưởng lợi rất nhiều từ chênh lệch vay USD so với VND bởi đã tiết giảm chi phí và đưa vào lợi nhuận của DN. Việc kêu lỗ đang dấy lên lo ngại các DN lợi dụng việc tăng tỉ giá để đổ lỗi cho việc không có kế hoạch dài hạn trong kinh doanh và viện cớ đó để tăng giá điện”, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính nhấn mạnh trước động thái các “ông lớn” đồng loạt kêu lỗ, vì tỷ giá và đề nghị tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện ngày 3/9 vừa qua