Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Bày tỏ sự nhất trí cao việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, dự luật này không chỉ điều chỉnh đối với người có quốc tịch Việt Nam mà còn điều chỉnh cả đối tượng là người gốc Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hưng Yên phản ánh hiện nay nhiều công dân vẫn sử dụng song song hai hình thức là thẻ định danh điện tử và giấy tờ cá nhân. Việc này có thể dẫn đến tình trạng thông tin trên thẻ căn cước không phản ánh đúng tình trạng, thực trạng pháp lý của các giấy tờ gốc. Ông Thắng đề xuất cần có những giải pháp để tích hợp, kết nối đầy đủ, kịp thời các thông tin vào thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử để người dân thuận tiện trong thực hiện các giao dịch hành chính. Đồng thời cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn về phạm vi khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tránh việc lạm dụng, đánh cắp thông tin cũng như bảo vệ bí mật cá nhân của công dân.
“Ở đây chúng tôi khẳng định, Bộ Công an hay bất cứ một cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi được trên cấu tạo của thẻ này. Đồng thời, chúng tôi cũng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho con người, cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước này không bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào”. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Trong khi đó, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc đồng ý sử dụng thẻ căn cước gắn chip để tích hợp thông tin, tạo sự thuận tiện trong quản lý và sử dụng giấy tờ, dữ liệu, nhằm bảo mật an toàn thông tin. Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Bộ Công an giải thích, khi mang thẻ căn cước đi đến đâu đó thì có theo dõi hay không?
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu ra, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, dự án luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế, xã hội
Trước băn khoăn của một số đại biểu là việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, mã QR Code và căn cước điện tử có bị theo dõi không, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định không bị theo dõi và không thể theo dõi được. “Ở đây chúng tôi khẳng định, Bộ Công an hay bất cứ một cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi được trên cấu tạo của thẻ này. Đồng thời, chúng tôi cũng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho con người, cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước này không bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào”, Bộ trưởng Tô Lâm nói, đồng thời khẳng định Bộ Công an bảo đảm an ninh, an toàn về dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp. “Đây có thể là những thông tin mà những đối tượng xấu tung tin ra để gây hoang mang trong nhân dân”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.