SR-71 - trinh sát cơ khuất phục hàng nghìn tên lửa phòng không

Blackbird SR-71 từng là mục tiêu của hàng nghìn quả tên lửa phòng không, nhưng tất cả đều nổ phía sau vùng trời chiếc trinh sát cơ này bay qua.
Cấu trúc cằm với những mép nhọn hướng ra hai bên của phần mũi và dọc theo thân máy bay giúp RS-71 giảm đáng kể mức phạn xạ radar. Ảnh: Military.com

Kể từ chuyến bay đầu tiên vào ngày 22/12/1964 do phi công Bob Gillian điều khiển, chiếc phi cơ SR-71 của Mỹ đã thiết lập nhiều kỷ lục, trong đó có kỷ lục về vận tốc mà cho đến nay chưa một máy bay quân sự hiện đại nào có thể vượt qua, theo Aviations Militaries.

SR-71 (Reconnaissance Strategic 71) là máy bay trinh sát chiến lược tầm xa, tốc độ nhanh, do nhà máy Skunk Works thuộc tập đoàn Lockheed của Mỹ phát triển vào những năm 1960, giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.

Tại thời điểm đó, các tổ hợp phòng không Liên Xô đã thành công khi phát hiện máy bay trinh sát A-12, loại máy bay nhanh nhất của Mỹ, có tốc độ khoảng 3.300 km/h. Do đó CIA quyết định không mạo hiểm với chiếc máy bay đắt tiền này ở Liên Xô mà chuyển hướng sử dụng chúng ở Nhật Bản và Triều Tiên.

Yêu cầu cấp bách lúc đó là phải có một loại máy bay mới vừa có tốc độ cao hơn A-12 vừa có khả năng tàng hình để có thể thoát khỏi các hệ thống radar của Liên Xô.

Một chiếc RS-71 của không quân Mỹ. Ảnh: Militarry.com

SR-71 ra đời với một số đặc tính nhằm làm giảm tín hiệu radar như cấu trúc mép nhọn hướng ra hai bên mũi và dọc theo thân máy bay, các vật liệu hấp thụ radar đặc biệt được tích hợp vào những bộ phận hình răng cưa trên bề mặt máy bay, cũng như các chất phụ gia đặc biệt trộn vào nhiên liệu để làm giảm độ sáng của luồng khí phụt ra từ động cơ trên màn hình radar.

Dựa trên những tiến bộ về động cơ của A-12, các kỹ sư phát triển RS-71 không gặp bất cứ trở ngại nào để đưa nó đạt đến vận tốc Mach 3 (3.700 km/h). Tuy nhiên họ lại gặp khó khăn trong quá trình vận hành. Ở tốc độ Mach 3, lực ma sát với không khí lớn đến mức lớp mạ titan trên vỏ máy bay bị nung nóng đến 300 độ C.

Vấn đề nhanh chóng được giải quyết. Các kỹ sư Mỹ đã phủ lên vỏ RS-71 lớp sơn màu đen chế tạo từ vật liệu feri (một hợp kim từ sắt ôxit) có chức năng làm mát đáng kể. Lớp sơn này có hai chức năng chính: tản nhiệt ở bề mặt và giảm tiết diện radar của máy bay.

Bên cạnh đó, các cửa sổ buồng lái của SR-71 được thiết kế bằng đá thạch anh đặc biệt có thể chống chọi với mức nhiệt thường xuyên lên tới 316 độ C, bởi thủy tinh bình thường sẽ bị biến dạng trong điều kiện đó và làm sai lệch tầm nhìn của phi công.

SR-71 dài 32,74 m, cao 5,64 m, trọng lượng không tải là 30.600 kg. Do kích cỡ dài và khó điều khiển, các phi công ban đầu đặt biệt danh cho nó là Habu Snake, tên một loại rắn kịch độc có màu đen của Nhật Bản.

Về các thiết bị điện tử, SR-71 được trang bị các hệ thống trinh sát chuyên dụng bao gồm hệ thống tự động dẫn đường thiên văn quán tính (xác định vị trí theo các ngôi sao). Lộ trình của SR-71 được thiết lập và kiểm soát một cách chính xác bằng các thiết bị tính toán dữ liệu không trung và những máy vi tính bố trí trên khoang máy bay.

Trong quá trình trinh sát, SR-71 có thể sử dụng đồng thời nhiều máy ảnh hàng không, hệ thống radar, máy quét và các thiết bị nhiệt ảnh. Trên mũi máy bay được bố trí một máy ảnh panorama cho phép chụp ảnh toàn cảnh.

Hệ thống trinh sát lợi hại của SR-71 cho phép nó có thể quan sát diện tích lên đến 155.000 km2 trong một giờ bay ở độ cao 24 km.

Theo Business Insider, có tổng cộng 32 chiếc SR-71 được Mỹ sản xuất và đưa vào phục vụ trong giai đoạn 1964-1998. Trong suốt quá trình hoạt động này, có khoảng 4.000 tên lửa phòng không đã nhắm vào SR-71, nhưng chúng không thể đuổi kịp tốc độ bay khủng khiếp của "Chim đen".

Colonel Buzz, cựu phi công SR-71, nhận định rằng ưu thế tự vệ của chiếc máy bay này chính là tốc độ mà không một phi cơ nào có được. Khi phát hiện thấy tên lửa đất đối không đang lao về phía mình, cách thoát thân đơn giản nhất đối với phi công RS-71 là chỉ cần tăng tốc.

Tuy nhiên, do chi phí đắt đỏ và sự ra đời của máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-31 của Liên Xô, loại máy bay được đánh giá là khắc tinh của các trinh sát cơ tốc độ cao, RS-71 đã chính thức ngừng hoạt động vào năm 1999. Hiện một vài mẫu của chiếc trinh sát cơ này vẫn được NASA sử dụng cho mục đích nghiên cứu để phục vụ cho chương trình chinh phục vũ trụ.

Theo Theo VnExpress