'Sốt đất' ở Tây Nguyên dịp cuối năm, xếp hàng làm sổ từ 2 giờ sáng

TPO - “Cò” đất và nhiều cá nhân, tổ chức đã mua đất vùng ven thành phố, hoặc khu vực du lịch sinh thái để “thổi” giá đất, khiến cho đất đai các tỉnh Tây Nguyên trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. Nhiều nơi, người dân phải có mặt từ 2 giờ sáng sớm ở khu vực hành chính công để làm thủ tục sang nhượng, chuyển đổi đất...

Đi làm "sổ đỏ" từ 2 giờ sáng

Tờ mờ sáng, nhiều người đã xếp hàng, có mặt tại trung tâm hành chính công trực thuộc UBND TP Buôn Ma Thuột trên đường Trường Chinh để làm các thủ tục, hồ sơ đất đai. Ngồi nép mình, co ro ở hàng ghế dành cho người chờ làm thủ tục, anh L.H.Đ. (trú tại xã Cư Êbua, TP Buôn Ma Thuột) là người có mặt sớm nhất để chờ làm thủ tục chuyển nhượng đất.

Người dân đến sớm bộ phận một cửa để làm hồ sơ về đất đai

Theo anh Đ., anh đi làm “dịch vụ” chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác. “Tôi từng nhận làm cho rất nhiều người và đều được chi trả phí dịch vụ. Hôm nay, tôi thức dậy từ rất sớm, đến đây từ 2h sáng để được làm sổ đầu tiên. Vì vậy, tôi không phải mất thêm khoản phí “dịch vụ” nào cho cán bộ ở bộ phận văn phòng 1 cửa. Ngày trước, tôi làm hồ sơ tách thửa, do muốn làm nhanh nên đã chi một khoản "lót tay". Cũng tùy ca trực, gặp cán bộ dễ thì hồ sơ nhanh và thuận tiện”, anh Đ. tiết lộ.

Cán bộ bộ phận 1 cửa có mặt từ sáng sớm để xử lý công việc

Cũng đi làm sổ từ sớm, bà L.M.T (cú trú tại xã Cư Êbua) cho biết đi làm thủ tục để thế chấp tài sản ở ngân hàng, sau đó lấy tiền đi đầu tư bất động sản. “Theo kinh nghiệm của giới bất động sản, ra Tết nhu cầu mua sắm rất lớn. Vì thời điểm đó, người dân đã thu hoạch xong mùa màng (cà phê, và các loại nông sản) cũng có nguồn kinh phí… nên họ dồn sức mua đất. Chúng tôi vay lãi suất thấp, nhưng nếu “trúng”, chẳng những trả được nợ mà còn có khoản lợi nhuận không nhỏ”, bà T. kể.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Xuân Phương, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột cho biết, gần cuối năm, lượng người đến làm thủ tục càng tăng, trung bình mỗi ngày khoảng 600 bộ hồ sơ. “Chúng tôi làm hết khả năng có thể để phục vụ nhu cầu của người dân”, ông Phương nói và khẳng định, tại đơn vị không có chuyện tiêu cực khi làm thủ tục đất đai!?.

“Ở các điểm làm thủ tục liên quan đều có camera an ninh theo dõi, lãnh đạo UBND TP Buôn Ma Thuột cũng thường xuyên giám sát, nên không hề có chuyện tiêu cực”, ông Phương khẳng định. Còn ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, "sốt" đất chủ yếu do cò đất tự thổi giá.

Sốt đất vùng ven thành phố

Theo ghi nhận của PV, tại các địa bàn vùng ven thành phố ở Đắk Lắk, thực trạng sốt đất chưa hề thuyên giảm. Đại diện một công ty bất động sản ở TP Buôn Ma Thuột, cho biết nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chọn đất vùng ven thành phố, nhất là ở các xã để mua đất.

“Hiện nay, sốt ở TP Buôn Ma Thuột chủ yếu ở xã Hòa Đông, nơi có dự án đường tránh Đông và cao tốc Buôn Ma Thuột-Nha Trang; ở xã Hòa Thắng sốt đất vì có dự án bất động sản khu dân cư, dự án đại lộ Đông-Tây đi qua… Trong khi, phí chuyển đổi đất ở những vùng này thấp hơn nhiều so với khu vực thành phố”, vị này cho hay.

Hỗn loạn mua bán đất ở khu vực Tà Đùng

Còn tại tỉnh Đắk Nông, trên các trang mạng xã hội, nóng nhất tình trạng “thổi” giá đất ở khu vực Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, Đắk Nông, nơi được ví như “Vịnh Hạ Long ở Tây Nguyên”. Theo UBND huyện Đắk Glong, từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã 5 lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên diện tích gần 1.500m2 ở khu vực xung quanh hồ Tà Đùng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như hủy hoại đất, sử dụng đất sai mục đích.

Cũng trong thời gian này, UBND xã Đắk Som đã tiếp nhận xử lý 79 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 18.300m2; 176 hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích hơn 575.843m2. Riêng khu vực xung quanh hồ Tà Đùng có 19 hồ sơ chuyển nhượng đất với diện tích hơn 8.000m2. Hiện nay, ở địa bàn xã Đắk Som vẫn tồn tại thực trạng sốt đất, xây dựng trái phép chưa xử lý dứt điểm.

Trước thực trạng sốt đất, sang nhượng đất và xây dựng trái phép tràn lan, Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho biết, đã tổ chức thanh tra đột xuất công tác quản lý nhà nước về đất đai, quản lý xây dựng trên địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk Glong giai đoạn 2015-2021. Còn ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo yêu cầu huyện Đắk Glong rà soát, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm liên quan về đất đai; tập trung ngay công tác quy hoạch đất đai giai đoạn 2021 - 2030 trên cơ sở kế thừa quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 để làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển sau này.