> Sắp di dời dân tại nhà nguy hiểm C8 Giảng Võ, E6 Thành Công
Sáng 27/6, PV trở lại nhà E6 Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) khi những công nhân đầu tiên đang hàn khung thép gia cố cầu thang có nguy cơ đổ sập theo chỉ đạo của UBND TP. Một cái khe rộng toang hoác gần như đã tách đơn nguyên 1 nhà E6 ra làm 2 phần riêng biệt, khiến cầu thang như có thể rụng rời bất kỳ lúc nào vì không còn bám vào bức tường chịu lực của khu nhà.
Do độ lún nứt quá lớn nên nhiều mảng trần, lan can cũng trong tình trạng nham nhở, có thể đổ ụp xuống đầu bất kỳ lúc nào. Bác Nguyễn Văn Tùng (phòng 403 nhà E6) cho biết, gia đình bác đã hàng chục năm sống trong sự sợ hãi do tình trạng lún nghiêng của khu nhà.
“Mỗi lần đi trên cầu thang tôi đều có cảm giác gạch đá, bê tông đổ ụp xuống đầu bất kỳ lúc nào. Chân thấp chân cao tôi phải đi cho thật nhanh”-bác Tùng nói. Bác Tùng kể lại lần gần trăm hộ dân tại đây thót tim khi nghe tin cơn bão mạnh đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Sông Hồng. Nhiều người lấy dây buộc sẵn vào chăn đề phòng khi nguy cấp thì có thể theo dây mà nhảy xuống đất!
Hà Nội hiện có 1.155 nhà chung cư cũ cao từ 4-6 tầng với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2 sàn và hầu hết đều nằm trong khu vực hạn chế phát triển. Hầu hết các khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng tuy nhiên tiến độ cải tạo rất chậm do gặp nhiều vướng mắc, chậm quy hoạch...
Bác Dương Thị Hoà, Tổ trưởng dân phố số 59 cho hay, do việc lún nứt khá nghiêm trọng nên đường ống nước của khu nhà E6 thường xuyên bị xé vỡ, đường điện cũng chập chờn lúc có lúc không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của các hộ dân. Đã hai lần người dân trong nhà E6 tự góp tiền tu sửa cầu thang, chống lún nhưng đều bất lực trước tình trạng xuống cấp quá nhanh của khu nhà vốn được xây kiểu lắp ghép cách đây hơn 40 năm.
Tại nhà C8 Giảng Võ, tình trạng xuống cấp cũng hết sức đáng lo ngại. Toàn bộ diện tích tầng một đã bị lấn chiếm kinh doanh đủ kiểu; “chuồng cọp” cơi nới tràn lan kéo ngửa khu nhà ra phía sau. Nhiều hộ dân trên tầng 5 phản ánh mỗi khi mưa trần thấm dột rất nặng do nhà bị nghiêng, nhiều bức tường nứt toác...
Bác Nguyễn Văn Tùng bày ra trước mắt PV cả một tập dày đơn thư, văn bản và cho biết bản thân bác đã phải soạn rất nhiều đơn cho Tổ dân phố gửi đến UBND phường, quận và nhiều cơ quan liên quan từ năm 2005. Nhiều đoàn công tác của quận Ba Đình, Cty quản lý nhà đã đến kiểm tra, ghi nhận tình hình nhưng mãi đến nay người dân tại đây mới nhận được sự chỉ đạo của TP yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương có biện pháp xử lý dứt điểm sự cố.
“Tất cả các đoàn khảo sát đến đều khẳng định E6 là nhà nguy hiểm nhưng không hiểu vì sao không cơ quan nào đưa ra giải pháp gì cả”-bác Tùng nói. “Biết là khắc phục như hiện nay cũng chỉ là tạm bợ thôi, nhưng chúng tôi nói với nhau thế cũng đã là thành công lắm rồi”-bác Dương Thị Hoà chia sẻ.
Vào nhà, đội mũ bảo hiểm
Tại Đà Nẵng, nằm ngay khu đô thị sầm uất trung tâm quận Hải Châu, khu tập thể số 18 Hùng Vương trái ngược hẳn với vẻ khang trang, kiên cố của nhà dân, khu căn hộ liền hề. Cầu thang bộ nhỏ hẹp, ẩm thấp, vẩn rêu mốc dẫn lên dãy căn hộ 5 tầng. Gọi là căn hộ, nhưng mỗi phòng chỉ rộng 10-15m2, xuống cấp trầm trọng. Dọc dãy hàng lang, hệ thống thanh sắt lan can ố rỉ, nhiều đoạn gãy đứt. Trên trần nhà, mái hiên bong tróc thành từng mảng lớn, để lộ miếng thép đan. Nhiều chỗ thủng cả miếng trần xi măng cốt thép nhìn xuyên tầng dưới.
“Ngày mưa nước thấm vô tường, chảy lênh láng khắp nhà. Chỉ cần trận gió lớn là mọi người lo ngay ngáy, mất ăn mất ngủ vì không biết cái gì trên tầng sẽ rơi xuống” - ông Trịnh Tường Châu (50 tuổi, căn hộ 501) nói.
Tám nhân khẩu trong nhà ông Châu sống chen chúc trong căn hộ chưa đầy 13m2. Nhiều năm nay ông phải cơi nới thêm ít diện tích gian bếp, nhà vệ sinh, sống tạm. Tại căn hộ 301, vợ chồng ông Phạm Hiền Lương (77 tuổi) ăn ngủ ngoài hành lang để nhường chỗ học, làm việc cho 2 con lớn.
Ông Lương bảo: “Được cái gần phố thị chứ sống thế này cực lắm. Vào đến nhà vẫn phải đội MBH vì sợ xi măng rớt. Thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe cái rầm. Từng mảng tường bê tông trên tầng rớt xuống khắp lối cầu thang, hành lang”.
Khu tập thể này nguyên gốc là khách sạn Đồng Khánh. Sau giải phóng (1975), chính quyền Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) tiếp nhận, bố trí cho cán bộ công chức khối văn phòng UBND tỉnh. Các khu chung cư, tập thể 25,30 Hùng Vương, 80 Yên Bái, 69 Trần Phú... cũng trong thảm cảnh tương tự. 10 căn hộ khu tập thể 69 Trần Phú nhưng chỉ có 2 phòng vệ sinh và 1 phòng tắm. Gần 40 năm nay, bà Lê Thị Tươi (ở nhà 69/104) cùng 5 nhân khẩu sống chật trội, bất an trong căn hộ rộng chừng 12m2.
Lúng túng xử lý
Ông Nguyễn Công Lang, Giám đốc Cty Quản lý Nhà Đà Nẵng thừa nhận tình trạng xuống cấp trầm trọng ở 22 căn hộ chung cư, tập thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, an toàn tính mạng khoảng 200 hộ dân sinh sống. Tháng 3/2012, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp cùng Cty Quản lý Nhà làm việc cụ thể với các hộ dân tại 22 khu nhà tập thể này và đề xuất cụ thể phương án tái định cư. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cty này, hiện chỉ có khu tập thể số 38 Nguyễn Chí Thanh với diện tích thu hồi hơn 800m2 đã được Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng sử dụng để đầu tư xây khu chung cư mới với 106 căn hộ; một số khu tập thể vùng ven, khu tập thể 18 Hùng Vương đồng ý phương án di dời, bố trí tái định cư tại căn hộ chung cư Cẩm Lệ. Còn lại các khu khác ở khu vực trung tâm Hải Châu, Thanh Khê đều chưa thể thực hiện được do rất nhiều hộ dân chưa chịu di dời vì họ cho rằng còn nhiều chế độ chưa thỏa đáng, vướng giải tỏa mặt bằng.
Theo ông Bùi Văn Bốn, Trưởng phòng Quản lý nhà (Sở Xây dựng Đà Nẵng), Sở có đề xuất trình lên UBND TP 2 phương án: Một là sẽ di dời dân, sau đó tiến hành sửa chữa rồi đưa người dân về ở lại. Hai là để người dân tự sửa chữa. Nhưng cả hai khó thực hiện do thiếu kinh phí. Trước mắt, Sở giao Cty Quản lý Nhà Đà Nẵng làm việc với Trung tâm kiểm định chất lượng để đánh giá cụ thể hiện trạng xuống cấp của các khu nhà tập thể, báo cáo với UBND TP. Lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng phân trần đã nhiều lần mời các hộ dân khu tập thể xuống cấp lên triển khai phương án di dời, bố trí nơi ở mới nhưng hai bên chưa thể thống nhất. Một thực tế, các hộ dân khu tập thể đều muốn bố trí đất tái định cư, nhưng quỹ đất hạn hẹp; trong khi đó bố trí các chung cư vùng Cẩm Lệ nhiều hộ dân không chịu di dời khiến địa phương lúng túng tìm phương án xử lý.