Sông Nhuệ, sông Đáy sẽ được phục hồi như nào?

TPO - Xây dựng một số đập dâng trên dòng chính sông Hồng và sông Đuống nhằm dâng nước, tạo nguồn tự chảy thường xuyên, liên tục, duy trì hệ sinh thái thuỷ sinh trên sông là những giải pháp được đề án thí điểm phục hồi sông Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải và Ngũ Huyện Khê hướng tới.

Áp dụng cả giải pháp công trình và phi công trình

Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đang nghiên cứu, xây dựng và sẽ sớm trình Chính phủ đề án thí điểm xã hội hoá phục hồi các dòng sông Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng -Thái Bình, trong đó, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2025 có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng thí điểm xã hội hóa phục hồi các dòng sông Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt làm căn cứ triển khai.

Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, dự kiến đề án sẽ tập trung nghiên cứu đồng bộ, toàn diện các giải pháp phi công trình và công trình như rà soát, đánh giá toàn diện nguyên nhân, tồn tại, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng, quy trình vận hành các công trình và hệ thống công trình.

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp điều chỉnh, bổ sung, nâng cấp công trình, hệ thống công trình hiện có và thay đổi quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình.

Sông Nhuệ đoạn chảy qua phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hiếu.

Nghiên cứu, đề xuất bổ sung mới các công trình khai thác, điều tiết nước trên các hệ thống sông, hệ thống công trình thủy lợi. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất xuất xây dựng một số đập dâng trên dòng chính sông Hồng và sông Đuống nhằm dâng nước, tạo nguồn tự chảy thường xuyên, liên tục vào các sông Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải và Ngũ Huyện Khê, đảm bảo dòng chảy môi trường, tránh tình trạng ứ đọng, ô nhiễm, trả lại khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm cho sông.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác nước thông qua hệ thống cống, trạm bơm, kênh dẫn hiện có phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh tế xã hội.

Đề án cũng hướng tới việc điều hòa, kiểm soát lượng dòng chảy phân lưu từ sông Hồng sang sông Đuống, tăng cường sử dụng nước, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước, đặc biệt là trong vụ Đông Xuân, hài hòa giữa bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh lương thực và các nhu cầu sử dụng nước khác, góp phần nâng mức bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông.

Bên cạnh đó, kết hợp cầu giao thông, tận dụng khai thác nguồn thủy năng góp phần đảm bảo hệ thống điều độ điện quốc gia, xây dựng các âu thuyền, đường cá đi, duy trì hệ sinh thái thủy sinh trên sông, tạo cảnh quan, điểm nhấn phù hợp với quy hoạch thành phố hai bên sông của Hà Nội.

Lưu vực các dòng sông ô nhiễm rất nghiêm trọng

Theo Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường nước lưu vực sông, cả lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê đều ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Chất lượng nước sông Nhuệ luôn ở mức thấp, đoạn sông qua nội thành Hà Nội, nước bị ô nhiễm nặng. Ô nhiễm nước sông Nhuệ đã và đang có những tác động đáng kể đến chất lượng nước khu vực hạ lưu, đặc biệt vào mùa khô.

Theo thống kê trong giai đoạn 2014 - 2018, trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy, hầu hết các thông số đều có tỷ lệ % giá trị vượt quy chuẩn từ 35,7% đến trên 90%. Trong đó, một số thông số có tỷ lệ vượt cao là Amoni, Nitrit và BOD5.

Ô nhiễm tại sông Nhuệ. Ảnh: Thanh Hiếu.

Môi trường nước hệ thống sông Bắc Hưng Hải cũng bị ô nhiễm khá nghiêm trọng. Kết quả quan trắc cho thấy, trên 90% các vị trí quan trắc trên sông có các thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh... vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn Việt Nam. Mức độ ô nhiễm đang ngày càng gia tăng, đặc biệt vào mùa khô (từ tháng 10 - 12) do hệ thống đóng để trữ nước gây tình trạng nước bị ứ đọng. Bên cạnh đó, nhiều năm qua hệ thống sông chưa được cải tạo, nạo vét lưu thông dòng chảy, khiến tình trạng ô nhiễm càng thêm trầm trọng.

Theo báo cáo, những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước sông Bắc Hưng Hải được xác định gồm nước thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, làng nghề, cơ sở chăn nuôi từ các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ (Hưng Yên), từ sông Sặt, sông Cửu An (Hải Dương), từ kênh Đại Quảng Bình, sông Dâu (Bắc Ninh).

Ngoài ra, tình trạng rác thải sinh hoạt tồn đọng từ các bãi rác tự phát hai bên bờ sông, không được xử lý khiến nước rỉ rác, nước rác chảy xuống sông. Tại đầu nguồn hệ thống sông còn tiếp nhận lượng nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, dân sinh từ sông Cầu Bây (đoạn qua Long Biên và Gia Lâm - Hà Nội) đổ thải vào qua cống Xuân Thụy.

Sông Ngũ Huyện Khê cũng là một trong những điển hình ô nhiễm nghiêm trọng của lưu vực sông Cầu do chịu ảnh hưởng của các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các làng nghề trải dọc sông từ Đông Anh (Hà Nội) đến cống Vạn An (Bắc Ninh).

Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã đến lúc việc phục hồi, làm sống lại các dòng sông chết phải xem là nhiệm vụ ưu tiên triển khai.

Để có hành lang pháp lý cụ thể, Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông, trong đó quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.