Sống chung không đăng ký kết hôn: Hậu quả khó lường
Hiện nay ở nước ta vẫn tồn tại hai luồng dư luận về việc nên hay không nên sống chung trước hôn nhân.
Có những luồng ý kiến cho rằng sống chung trước hôn nhân là cơ hội để hiểu nhau hơn, cùng trải qua môi trường vợ chồng để có kinh nghiệm khi đã đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, đó chỉ là ý kiến của số ít người, sống chung không đăng ký kết hôn không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của người Việt từ bao đời nay.
Cách đây không lâu, trong cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2012, thí sinh Vũ Thu Phương đã lọt vào vòng chung kết nhưng đã bị Ban tổ chức loại khỏi cuộc thi vì đã sống chung với bạn trai dù chưa đăng ký kết hôn và vi phạm luật cư trú khi không đăng ký tạm trú.
Sự kiện này đã cho chúng ta thấy xã hội Việt Nam không đồng tình với việc sống chung không đăng ký kết hôn. Không chỉ bị xã hội lên án, pháp luật xử lý, những người sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn sẽ gặp rất nhiều thiệt thòi không thể lường trước.
Sau khi thi đậu vào Trường Đại học Vinh, Đặng Thị Hoài quê ở Quỳnh Lưu khăn gói vào Vinh học tập. Ngay từ năm đầu Hoài đã phải lòng anh chàng công chức thuê trọ cùng xóm và tình yêu của họ kéo dài suốt 4 năm học đại học của Hoài.
Sau khi ra trường, cả hai thuê chung cư sống như vợ chồng, Hoài đã nhiều lần đưa người yêu về quê ra mắt bố mẹ, họ hàng và yêu cầu người yêu tổ chức cưới nhưng chàng trai cứ một mực từ chối với nhiều lý do khác nhau. Vô tình một người bạn cũ của Hoài đến chơi và nhận ra người yêu của Hoài nhìn quen quen, sau khi xác minh lại, người bạn của Hoài thông báo người yêu của Hoài đã có vợ con ở quê và cho Hoài địa chỉ để xác minh.
Tuy không tin nhưng Hoài cũng tìm về quê người yêu ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa để tìm hiểu, sự thật là người yêu Hoài đã có vợ và hai con ở quê.
Sự thật này làm Hoài sốc nằm liệt giường gần 2 tháng, sau khi trấn tĩnh lại, Hoài quyết định ra đi và lập nghiệp trên một vùng đất mới. Chỉ vì cả tin, Hoài đã đánh mất tuổi thanh xuân của mình bên một người đàn ông đã có gia đình.
Một thẩm phán ở thành phố Vinh cho biết: Chị đã từng nhận được đơn xin chia tài sản của nhiều cặp sống chung với nhau không đăng ký kết hôn, những trường hợp này tòa không thể giải quyết vì họ sống chung không được pháp luật thừa nhận, quá trình tích lũy và hình thành tài sản khó có thể chứng minh.
Điển hình như anh Trần H, cán bộ tỉnh có sống chung với một cô sinh viên và anh có mua cho cô một căn nhà trị giá hơn một tỷ đồng cho cô đứng tên. Sau khi tình yêu không còn nồng thắm, cô chủ động chia tay và anh H đồng ý với điều kiện trả lại nhà cho anh.
Cô sinh viên không đồng ý nên anh H đâm đơn ra tòa tranh chấp tài sản và hiển nhiên toà bác đơn anh H vì không có cơ sở do bìa đất đứng tên cô gái.
Sống chung không đăng ký kết hôn cũng là một yếu tố gây mất ANTT trên địa bàn, chủ yếu là những cuộc đánh ghen, cãi vã khi những người đàn ông, đàn bà đã có vợ, có chồng nhưng vẫn ham của lạ. Rồi những cặp yêu nhau sống chung không hòa hợp có những mâu thuẫn cãi vã, đánh đập nhau gây mất trật tự.
Thực tế cho thấy, không chỉ lớp trẻ mới có xu hướng sống chung, những cán bộ cũng bị lây nhiễm lối sống tha hóa về mặt đạo đức. Công an phường, xã trên địa bàn thành phố Vinh thường xuyên kiểm tra công tác tạm trú, tạm vắng và phát hiện rất nhiều trường hợp sống chung như vợ chồng nhưng không hề xuất trình được đăng ký kết hôn.
Trước xu thế sống “thoáng”, rất đông bạn trẻ sống chung khi đang là sinh viên, họ không suy nghĩ cẩn trọng để rồi khi không đến được với nhau, cả hai luôn phải dằn vặt, lo sợ, mặc cảm về quá khứ khi đến với người mới.
Hệ lụy từ việc sống chung không đăng ký kết hôn là tất yếu nhưng không hiểu sao một số người vẫn không nhận thức đầy đủ để hậu quả xảy ra mới tỉnh ngộ. Pháp luật không thừa nhận, xã hội lên án nên mỗi người nên tỉnh táo khi quyết định sống chung.
Theo Công An Nghệ An