“Khi tôi đến đây vào năm 1992, ban đầu chỉ có 6 hộ gia đình, sống tề tựu với nhau bằng nghề biển. Lúc ấy điện chưa có đâu, trong căn nhà tre nứa dựng tạm, chỉ có chiếc đèn dầu là nguồn sáng chính”, bà Lành nhớ lại.
Khi ấy, mọi liên lạc với đất liền phụ thuộc vào chuyến tàu ghé đảo định kỳ 3 tháng/lần.Vào những tháng bão tố, những chuyến tàu có thể còn bị hoãn lại.
“Có khi mấy tháng, hết cả gạo ăn.Cá và hải sản thì nhiều đấy nhưng không sao ăn được, người dân phải lên doanh trại bộ đội vay gạo để cầm cự chờ tàu đến”, bà Lành kể tiếp.
Tuy nhiên, những khó khăn đó chưa là gì với nỗi khát khao có thông tin từ đất liền. “Phải có duyên lắm những người dân mới vượt qua nỗi buồn những ngày đầu để bám trụ lại đảo, sống và phát triển đến giờ.”
“Bây giờ khác lắm”, bà Lành cười kể, “con tôi đi học ở Sài Gòn, nhưng khác hồi xưa, tôi không thấy con mình xa xôi. Có điện thoại, tôi gọi điện nói chuyện với nó mỗi ngày. Gần đây còn có thêm sóng 3G nữa, tôi sắm điện thoại (thông minh) có màn hình lớn, thấy được cả con khi nói chuyện và cháu gửi hình cho tôi xem”.
Gắn bó với đảo trên 20 năm, Thượng tá Dương Đức Mười, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152 bảo vệ quần đảo Thổ Chu cũng chia sẻ về những trải nghiệm liên lạc trên đảo từ xưa đến nay. “Đảo đếnnăm 1996 mới có trạm phát sóng đầu tiên kết nối cho điện thoại cố định nhưng còn rất hạn chế”.
Từ những ngày đầu năm 1992 ông gắn bó với đảo cho tới suốt vài năm sau đó, tin tức khẩn cấp từ gia đình phải mất khoảng thời gian hơn 50 ngày mới đến.“Giờ thì khác lắm rồi, với sóng điện thoại di động, sóng 3G như của Viettel, người dân không chỉ tiện việc thông tin mà còn có thể đọc báo, xem tin tức. Đời sống tinh thần, văn hóa cho cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo, đặc biệt là các bạn trẻ được cải thiện rất nhiều”, Thượng tá Dương Đức Mười nhấn mạnh.
Với hơn 2.000 dân cư chính thức trên đảo, 3G là chiếc cầu lớn nối họ với đất liền. Bằng 3G, người dân đã có thể nắm mọi tin tức, tiếp cận với mọi phương thức giải trí trên mạng Internet thay vì phải chờ đợi báo giấy chuyển ra nhanh nhất là 1 tuần sau khi phát hành như trước đây.
Có mặt trên đảo từ cuối năm 2014, trạm phát 3G của Viettel đã chấm dứt cảnh sóng chập chờn, truyền tải dữ liệu khó khăn trước đây. Vì thế, dù chỉ có điện 16 tiếng/ngày, Thổ Chu vẫn có lượng smartphone và D-com 3G bán ra tương đối lớn so với số dân.
Ông Trần Minh Tâm, thuyền trưởng một tàu hậu cần, chuyên bán nước đá cho các tàu đánh bắt xung quanh quần đảo Thổ Chu cho biết nếu trước đây phải dò tìm tàu mua hay liên lạc qua các thiết bị vệ tinh thì bây giờ, khi có nhu cầu người mua chỉ cần gọi điện, ông sẽ đến tận nơi.
Không chỉ trợ giúp các vấn đề dân sinh, sóng viễn thông còn là chỗ dựa cho công việc cứu nạn, y tế, quốc phòng ở quần đảo. Với điều kiện y tế không cao và thiếu bác sĩ chuyên khoa, nhưng trong các trường hợp khẩn cấp, Trung tâm Dân quân y trên đảo phải hội chẩn và nhờ sự tư vấn qua điện thoại ở các bệnh viện đất liền để thực hiện các ca mổ cấp cứu. Đã có 2 cuộc mổ cho các sản phụ có thai cực khó cùng nhiều ngư dân gặp nạn trên biển tấp vào đảo được cấp cứu và chuyển về tuyến sau ở đất liền, giúp cứu mạng người bệnh.
Trong năm 2014, 2 tàu ngư dân bị bão đánh hỏng đã được các chiến sĩ trên đảo đưa vào bờ để sửa chữa, một tàu bị đắm nước sắp chìm cách đảo đến 14 hải lý cũng đã được lực lượng bộ đội cứu nạn kịp thời, tất cả chỉ nhờ vào những cuộc gọi nhanh chóng qua điện thoại di động.