“Soi” giá cổ phiếu những ngân hàng bị đồn sẽ sáp nhập

Giá cổ phiếu của những ngân hàng có liên quan tới thông tin sáp nhập thời gian qua cũng sồi sụt theo thông tin sẽ về “một nhà” với ông lớn nào. Có ngân hàng giá cổ phiếu tăng vọt nhờ được về “nhà mới” to đẹp, có cổ phiếu lại quay đầu lao dốc...


Thống kê giá một số cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết tại thời điểm giao dịch gần nhất. Nguồn: BizLIVE tổng hợp.

“Lên hương” nhờ... được sáp nhập

Hot nhất trong những ngày qua là cổ phiếu của Ngân hàng Nam Á (NamABank) khi giá tăng vọt lên 9.000 đồng/cp trong lần giao dịch gần đây nhất (11/2/2015), thanh khoản cải thiện đáng kể. 

Trước đó, trong năm 2014, giá cổ phiếu của ngân hàng này chỉ dao động quanh mức giá từ 5.000 – 6.000 đồng/cp. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6/2014 trở lại đây, thông tin về hoạt động của ngân hàng này thường xuyên xuất hiện, nhất là thông tin sẽ sáp nhập đã đẩy giá cổ phiếu ngân hàng này tăng giá.

Theo thông tin chính thức từ phía Nam A Bank, ngân hàng này đang chủ động tìm kiếm và sẽ sáp nhập với một ngân hàng khác. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 243 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với kế hoạch (210 tỷ đồng). NamABank cũng cho biết ngân hàng đã có đủ điều kiện và đang tiến hành hoàn tất thủ tục để được cho phép lên sàn HOSE trong năm 2015.

Một cổ phiếu ngân hàng nữa cũng “dậy sóng” là Ngân hàng Phát triển nhà Đồng Bằng sông Cửu Long (MHB) nhờ thông tin sẽ về "chung một nhà" với BIDV. Theo ghi nhận của phóng viên BizLIVE, giá cổ phiếu của ngân hàng này từ 6.000 đồng/cp đã nhảy lên 8.300 đồng/cp (giao dịch mới nhất ngày 6/2/2015).

Theo lịch sử giao dịch, từ năm 2012 đến tháng 3/2014, cổ phiếu của ngân hàng này gần như không có giao dịch và ở nguyên mức giá 7.000 đồng/cp. Từ tháng 3/2014, cổ phiếu MHB có thanh khoản hơn nhưng mức giá chỉ còn 3.000 đồng/cp. Gần cuối năm 2014 khi có thông tin sẽ sáp nhập với ngân hàng khác, giá cổ phiếu của ngân hàng này phục hồi dần leo lên mức 6.000/cp vào tháng 12/2014. Ngay sau khi có thông tin chính xác sẽ về BIDV, giá cổ phiếu MHB đã lập kỷ lục 8.300 đồng/cp, thanh khoản cũng được cải thiện.

Mặc dù rơi vào khủng hoảng, nhưng giá cổ phiếu của OceanBank lại có xu hướng tăng nhẹ, do có thông tin nhiều đại gia đang “nhắm đến”. Suốt năm 2014, cổ phiếu ngân hàng này rất ít giao dịch. Khoảng tháng 3/2014, giá cổ phiếu của ngân hàng này chỉ 3.000 đồng/cp, giảm từ 7.000 đồng/cp so với giữa năm 2013. Đến khoảng tháng 8/2014, giá cổ phiếu ngân hàng này tăng lên 5.000 đồng/cp. Thời gian gần đây, thông tin cho thấy có nhiều đại gia đang săn cổ phiếu ngân hàng này đã đẩy giá tăng lên 6.000 đồng/cp, tính đến giao dịch mới nhất là ngày 16/1/2015.

Rớt thảm... vì sáp nhập?

Cũng được tin sẽ về nhà với một ông lớn có nguồn gốc quốc doanh, nhưng con đường đi đến đích của Ngân hàng TMCP Xăng dầu (PGBank) có nhiều sóng gió. Bởi vậy, giá cổ phiếu của ngân hàng này cũng sụt sồi theo thông tin.

Tháng 7/2014, khi PGBank có thông tin sẽ về với Vietinbank, cổ phiếu ngân hàng này tăng lên 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, ngay sau khi gỡ bỏ thông tin về với Vietinbank, giá cổ phiếu ngân hàng này tức thì giảm xuống còn 8.000 đồng/cp. Đầu tháng 1/2015, giá cổ phiếu ngân hàng này vẫn trồi sụt quanh mức giá 7.200 – 7.500 đồng/cp. Tính đến ngày giao dịch mới đây nhất là ngày 5/2, cổ phiếu ngân hàng này có mức giá là 7.400 đồng/cp, bằng giá với thời điểm tháng 2/1024 (khi chưa có thông tin sáp nhập).

Mặc dù được đánh giá là ngân hàng lớn và sẽ nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB), nhưng giá cổ phiếu của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) không có dấu hiệu chuyển biến và vẫn dao động quanh mức giá từ 4.500 – 5.000 đồng/cp. Đây cũng là mức giá của MSB suốt năm 2014. Giao dịch gần đây nhất là ngày 18/1, giá cổ phiếu của ngân hàng này là 4.600 đồng/cp và thành khoản vẫn rất thấp.

Theo nhiều chuyên gia tài chính, mặc dù được đánh giá là ngân hàng lớn nhưng hoạt động của MSB không có nhiều nổi bật. Thậm chí, ngân hàng này còn bị cho là đang "vướng" nhiều khoản nợ xấu của Vinashin, Vinalines. Đó là lý do khiến giá cổ phiếu MSB kém hấp dẫn giới đầu tư cổ phiếu hiện nay.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo bizlive.vn