Phó tổng phụ trách tài chính AVG thừa nhận: “lỗ kéo dài”
Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã làm việc với các cổ đông cũng như lãnh đạo của AVG, họ đều khẳng định không tham gia vào việc đàm phán bán cổ phần cho Mobifone mà uỷ quyền cho Phạm Nhật Vũ. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng và được thanh toán theo tỉ lệ cổ phần sở hữu, các cổ đông đã sử dụng tiền vào mục đích cá nhân hoặc chuyển tiền mặt, chuyển khoản cho Phạm Nhật Vũ.
Tuy nhiên, làm việc với cơ quan điều tra, ông Quách Mạnh Lâm, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính và bà Mai Thị Lan Hương, Kế toán trưởng AVG thừa nhận: tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp AVG ngày 31/3/2015, tình hình tài chính của AVG rất khó khăn, lỗ kéo dài, nợ vay lớn, vốn kinh doanh của mảng truyền hình âm; tài sản và nguồn vốn của AVG tăng qua các năm chủ yếu do thực hiện tăng vốn điều lệ và đầu tư tài chính dài hạn. Lời khai của ông Lâm và bà Hương tương đồng với đánh giá tại kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đó.
Mặc dù làm ăn thua lỗ, song chính AVG đã cung cấp những tài liệu đã được “tân trang” cho Mobifone và sau đó những tài liệu này được các công ty thẩm định giá sử dụng để thổi phồng giá trị của AVG.
Năm 2015, tài sản của AVG chỉ 3.260 tỷ đồng, song với “ma thuật” của các công ty thẩm định giá, trị giá của AVG đã tăng gấp cả chục lần (Đồ hoạ: Quyền Thành)
Về phía Mobifone, bị can Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó tổng giám đốc – người được giao làm Tổ trưởng tổ đánh giá kinh doanh truyền hình đã thừa nhận với cơ quan điều tra: “Phương án kinh doanh do Hùng ký là không khả thi vì khi xây dựng đã không tiến hành đánh giá, khảo sát thực tế, dự báo theo hiếu biết cá nhân, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình và đã đề nghị Tổng giám đốc thuê tư vấn nhưng không được chấp nhận. Phương án kinh doanh của ông Hùng sau đó đã được ban lãnh đạo Mobifone sử dụng để đàm phán giá với AVG”.
Mặt khác, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khai nhận mặc dù tham gia đàm phán gia mua nhưng không có chuyên môn về tài chính, không biết cách tính giá trị doanh nghiệp. Mọi việc thực hiện theo chỉ đạo của Tổng giám đốc, không có động cơ, mục đích vụ lợi cá nhân…
Kiến nghị mua hãng truyền hình sau khi nghiên cứu trên mạng
Bên cạnh đó, bị can Nguyễn Bảo Long, Phó tổng giám đốc Mobifone – người được giao nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ, kỹ thuật dịch vụ truyền hình thừa nhận đã kiến nghị Mobifone mua một nhà cung cấp truyền hình sau khi tham khảo một số tài trên mạng internet. Sau đó, Tổ thẩm định kỹ thuật dự án đầu tư AVG do ông Long làm tổ trưởng đã có báo cáo đánh giá “Công nghệ truyền hình của AVG là tương đối hiện đại”.
Ngoài ra, lời khai của một số bị can là thành viên Hội đồng thành viên Mobifone và phó tổng giám đốc Mobifone đều cho thấy những người này biết tình hình thực tế của AVG tại thời điểm đó và giá mua chênh lệch lớn so với giá trị trên sổ sách nhưng vẫn “gật đầu” đồng ý triển khai dự án vì nghĩ rằng: “Đây là dự án lớn nên sẽ có các cơ quan chức năng, bộ, ngành, xem xét đánh giá, quyết định”.
Tuy nhiên trên thực tế, hai cơ quan có chức năng thẩm định, tham mưu cho Thủ tướng là Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính lại không hướng dẫn cho Bộ TT&TT và Mobifone thực hiện dự án đầu tư theo quy định.
Kết luận điều tra của cơ quan CSĐT - Bộ Công an cũng đề cập tới trách nhiệm của nhiều lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ, cũng như các đơn vị, tổ chức trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Trong đó có ông Bùi Quang Vinh, nguyên bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Lê Mạnh Hà, nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Trần Văn Hiếu, thứ trưởng Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, CQĐT xác định các văn bản mà ông Lê Mạnh Hà, Bùi Quang Vinh, Trần Văn Hiếu ký chỉ là văn bản hành chính, góp ý về các kiến nghị của Bộ TT&TT hoặc mang tính chất hướng dẫn, không phải là căn cứ để bị can Nguyễn Bắc Son đưa vào quyết định phê duyệt đầu tư dự án. Do vậy, CQĐT không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các ông. Cả ba đã bị xử lý kỷ luật.