Mỗi năm có hàng trăm ca tử vong do sốc phản vệ hay những tai biến liên quan vì dùng thuốc. Ở Mỹ, cơ quan y tế thống kê chỉ trong năm 2014 có 1500 ca sốc phản vệ bị tử vong và 75% trong đó do các kháng sinh gây ra.
Tại Việt Nam, sốc phản vệ do thuốc là "chuyện thường ngày ở huyện". Năm 2013, trong 202 báo cáo phản ứng có hại từ thuốc xảy ra tại Việt Nam gửi về Trung tâm Quốc gia Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc có đến 39 ca tử vong.
Sốc phản vệ không loại trừ một loại thuốc nào, một hãng dược nào và một con người nào. Từ sản phụ vừa sinh, đến người khỏe mạnh vào làm thẩm mỹ hay cả những người cần uống...thuốc bổ.
Trong 65 báo cáo của Văn phong đại diện Công ty Hoffmann La Roche Ltd gửi đến có đến 8 ca tử vong; Văn phòng Janssen- Cilag Ltd trong 44 báo cáo có 16 ca tử vong. Bên cạnh nhiều thuốc kém chất lượng, hàng loạt thuốc của các hãng dược đa quốc gia, với tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ hay Châu Âu cũng gây ra phản ứng có hại với người dùng.
Điển hình như trong 7 báo cáo của Văn phòng đại diện Glaxo Smith Kline Pte Ltd. có 2 ca tử vong hay Abbott Laboratories S.A có 2 báo cáo thì cả 2 tử vong.... 6 tháng đầu năm 2014, số ca sốc phản vệ khi dùng thuốc Rocephin của công ty Roche hay thuốc Tarvanic của Sanofi Aventis cũng gây ra tử vong....
TS Nguyễn Gia Bình- Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai từng giải thích trước những dư luận cho rằng không ít cơ quan chức năng đã "gán" cho nhiều cái chết rằng "sốc phản vệ" để chối bỏ trách nhiệm từ lỗi con người gây ra. Dù giải thích: phản vệ đơn giản là phản ứng bảo vệ của cơ thể trước các mối nguy hại từ bên ngoài và "hầu như phản ứng đó có lợi" nhưng đôi lúc, theo ông "nó trở thành có hại khi phản ứng mạnh mẽ với yếu tố bên ngoài và gây sốc phản vệ". Ông lấy ví dụ câu chuyện hàng triệu người bị muỗi đốt mỗi ngày. Có người chỉ bị dị ứng da mẩn đỏ nhưng có người bị sung huyết, sốc. Theo ông , sốc xảy ra với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng và phụ thuộc tốc độ nhạy cảm của từng bệnh nhân.
Một bác sĩ công tác ở Trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho biết sốc phản vệ do thuốc là nhóm nguyên nhân rất thường gặp. Tất cả mọi loại thuốc và tất cả các đường dùng thuốc đều có thể gây ra sốc phản vệ ở những người có cơ địa nhạy cảm. "Nó như một tỷ lệ tai biến trong y khoa được cho phép"- bác sỹ này nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định việc dùng "sốc phản vệ" do thuốc để "đổ" cho sự tắc trách và thờ ơ là điều khó chấp nhận trong một môi trường y tế cần sự minh bạch. Bà nói rằng, đã có không ít bệnh nhân có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử đã bị sốc phản vệ đã bị "bỏ qua" trong khâu tư vấn và giáo dục để có thể nhận biết được các dấu hiệu sớm của sốc phản vệ do thuốc. "Cũng không ít nhân viên y tế không can thiệp kịp thời khi xảy ra sự cố"- bà nói- "và những trường hợp này người ta sẽ gán cho sốc thuốc để phủi tay sự tắc trách của mình mà không ai biết".