Công văn trả lời báo chí do ông Phan Trọng Tùng – Phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk ký khẳng định, việc báo chí phản ánh ông Phạm Văn Tốt (SN 1975, giám đốc Cty TNHH DVTM Hướng nghiệp Quốc tế) nhận 150 triệu đồng nhận chạy ngành giáo viên cho 1 người dân là đúng sự thật.
Sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu trong giấy đăng ký có những mã ngành, lĩnh vực hoạt động bao gồm: giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, mô giới việc làm… thì doanh nghiệp phải liên hệ với Sở LĐTB&XH để được hướng dẫn thủ tục, các điều kiện để được cấp giấy phép dịch vụ việc làm.
Cty Hướng Nghiệp chưa được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm như báo phản ánh là đúng. Ông Phạm Văn Tốt thuê văn phòng, treo bảng hiệu, quảng cáo… tại địa chỉ số 200 Phan Chu Trinh để tổ chức các hoạt động dịch vụ việc làm (khi chưa được phép); Ký hợp đồng thỏa thuận tư vấn giới thiệu việc làm với người dân như báo đã trích dẫn là có thật. Đây là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, đề nghị các cấp có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật” – Lược trích công văn của Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk.
Thông qua công văn này, ông Phan Trọng Tùng – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk lưu ý người dân cảnh giác với những cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động để tư vấn, tuyển dụng lao động, tuyển dụng lao động đi làm trong và ngoài nước nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Như Tiền Phong đã phản ánh, ông Phạm Văn Tốt hứa nhận chạy việc ngành giáo viên cho vợ của anh A.N (SN 1992 trú tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) với giá 150 triệu đồng. Anh A.N trình bày: tháng 3/2018 thông qua mối quen biết, ông Tốt hứa sẽ lo cho vợ về làm giáo viên tại huyện Krông Pắk. Ông Tốt đã lập hợp đồng thỏa thuận, trong đó mức chi phí được đưa ra 150 triệu đồng. Tuy vậy, dù ông Tốt đã nhận 90 triệu đồng, nhưng không xin được việc cũng không trả lại tiền, khiến người dân bức xúc làm đơn tố cáo.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngoài anh A.N còn có một số nạn nhân khác cũng được ông Tốt hứa nhận “chạy” việc giá hàng trăm triệu đồng để xin chuyển ngành, hoặc làm tại một số Sở ngành tại tỉnh Đắk Lắk.