Số hóa hồ sơ 23 triệu học sinh và 1,4 triệu giáo viên

Sau 5 năm thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục của Chính phủ, ngành giáo dục đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Học trực tuyến trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát vừa qua là một phép thử đối với việc chuyển đổi số của ngành giáo dục. Ảnh: MT

Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động của ngành Giáo dục, với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ (đặc biệt là CNTT và các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) vào các hoạt động giáo dục và đào tạo được thực hiện từ năm 2016. Ngành giáo dục đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Về nhân lực số, môn học Ngoại ngữ và Tin học đã đưa vào giảng dạy ngay từ đầu cấp tiểu học với 3 mạch nội dung xuyên suốt: Học vấn số hóa phổ thông, Ứng dụng CNTT và truyền thông, Khoa học máy tính. Đặc biệt, nhiều công nghệ cuộc cách mạnh 4.0 được thiết kế đưa vào chương trình dạy học một cách phù hợp như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và robotics…. Giáo dục STEM cũng được đẩy mạnh thông qua việc học tập qua dự án và phát triển các không gian đổi mới sáng tạo trong trường học.

Chương trình giảng dạy không chỉ dừng lại ở cung cấp kiến thức mà quan trọng hơn là cung cấp kỹ năng, năng lực tư duy số, khả năng làm chủ công nghệ của học sinh. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh, từ bậc mầm non đến phổ thông, trong đó không chỉ dừng lại ở những kỹ năng sử dụng, kiến thức công nghệ mà hướng đến phát triển năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức thi quốc gia về thiết kế bài giảng e-learning nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của giáo viên và tạo ra Kho học liệu số hữu ích chia sẻ toàn quốc. Đến nay đã có hơn 7.000 bài giảng e-learning và gần 200 đầu sách giáo khoa được số hóa và chia sẻ trên Internet tại địa chỉ igiaoduc.vn.

Về quản lý giáo dục trên nền tảng số hóa, Bộ GD&ĐT đã đánh mã định danh và số hóa thông tin hồ sơ của 23 triệu học sinh (bao gồm thông tin cá nhân, kết quả học tập, thể chất, các bệnh về mắt, bệnh về xương, khả năng biết bơi và năng khiếu… ); hồ sơ của 1,4 triệu giáo viên thuộc 53 nghìn trường học trên cả nước. Cơ sở dữ liệu lớn, tập trung này đã giúp ngành Giáo dục thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch, đánh giá, dự báo về các hoạt động giáo dục.

Khi dịch COVID-19 bùng phát (tháng 2/2020), Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn nhà trường nhanh chóng chuyển sang tổ chức dạy học trực tuyến trên Internet, những nơi có điều kiện khó khăn thì áp dụng dạy học trên truyền hình, đồng thời có hướng dẫn kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả dạy học trực tuyến.

Ngày 29/9/2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố báo cáo PISA. Theo số liệu của báo cáo này, việc học trực tuyến phòng chống COVID-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%).

Đánh giá về vấn đề này, bà Rana Flowers (Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam) cho rằng Việt Nam đang đi trước và đi đầu các quốc gia trên thế giới trong chuyển đổi số. Để thích ứng kịp thời với cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới, theo bà Rana Flowers GD&ĐT cần phải nỗ lực thay đổi hơn nữa để bắt kịp với những xu hướng mới này.

Ngành GD&ĐT Việt Nam cần tìm ra những phương thức mới và đổi mới công tác dạy học của giáo viên. Nhà tuyển dụng hiện cần người lao động sở hữu những kỹ năng của thế kỷ 21, như tư duy phê phán, kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng về giao tiếp, các kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng sáng tạo,… Đây là những kỹ năng mới, để có thể đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới.

Do vậy, đổi mới giáo dục phải là cuộc đổi mới sâu rộng, không để mất đi thế mạnh của những môn học truyền thống nhưng cần bổ sung những nội dung mới để đảm bảo xoá mù công nghệ cho trẻ em, đáp ứng những nhu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Muốn thế, giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng. Giáo viên cần thay đổi cách dạy học, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc làm chủ những thay đổi này.

Cũng theo bà Rana Flowers, trong tương lai, hệ thống GD&ĐT của Việt Nam sẽ là 1 hệ thống tích hợp giữa truyền thống và những kỹ năng mới.

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT cho biết đang chuẩn bị ban hành quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông, tạo hành lang pháp lý để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.