Trước đó báo chí phản ánh, một số học sinh Trường THCS - THPT Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đọc viết khó khăn, có chữ đọc được, chữ không. Có em đọc, viết còn sai, không thể đọc liền câu mà phải đánh vần từng chữ. Riêng chính tả các em viết sai nhiều… Có em bỏ học vì mặc cảm không theo kịp bài…
Sau khi sự việc xảy ra, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh về việc này. Theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, việc học sinh chưa đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng xảy ra tại các cơ sở giáo dục do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục thực hiện chưa tốt việc dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học; thậm chí, có cơ sở giáo dục còn gây áp lực cho giáo viên bằng chỉ tiêu thi đua không phù hợp. Thực trạng này tuy chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng đã ảnh hưởng đến toàn ngành và gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Để chấn chỉnh thực trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng tối thiểu của từng lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT yêu cầu Trưởng phòng các Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường THPT và thủ trưởng các cơ sở Giáo dục thường xuyên (GDTX) kiểm tra, rà soát, thống kê số học sinh, học viên còn yếu về kiến thức, kỹ năng tối thiểu, báo cáo về Phòng GD&ĐT (đối với các trường Tiểu học, THCS) và Sở GD&ĐT (đối với các trường THPT, cơ sở GD&ĐT) trước ngày 15/4.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn nghiêm túc phân tích nguyên nhân của việc học sinh còn yếu về kiến thức kỹ năng, trong đó phân tích kỹ nguyên nhân về phía nhà trường (như tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng học sinh yếu kém…). Từ đó, có biện pháp khắc phục cụ thể, khả thi, phù hợp. Ngoài ra, tổ chức kèm cặp, bồi dưỡng học sinh, học viên yếu bằng các biện pháp, hình thức phù hợp để các em từng bước củng cố lại kiến thức, kỹ năng chưa đạt.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Bình cho biết, sẽ rà soát lại tất cả các trường trước thông tin học sinh lớp 6 chưa đọc, viết thông thạo. Đồng thời, cũng đã chỉ đạo và kết hợp với Trường THCS - THPT Tân Mỹ tìm hiểu sự việc, nắm tình hình, động viên các em học sinh. Em nào gặp khó khăn, vướng mắc gì thì hỗ trợ, giúp đỡ. Đặc biệt là cử giáo viên hỗ trợ, dạy kèm để các em theo kịp bạn bè. Riêng trường hợp 2 học sinh đã bỏ học, nhà trường cùng địa phương kết hợp đi đến vận động nhưng các em vẫn chưa đi học lại. Còn lại 4 em chưa đọc thông viết thạo nhà trường khẩn trương tìm nguyên nhân, động viên, giúp đỡ.