Không những không bị coi là "kẻ phá bĩnh" hay "những vị khách không mời", nhiều SV còn được làm việc như một nhân viên thực thụ với một mức lương khá hậu hĩnh từ 1,5 triệu đồng đến gần 4 triệu đồng/tháng.
Để thành VIP
Không thích được "đặt đâu ngồi đó", Hạnh - SV năm 4 khoa Kế toán kiểm toán ngân hàng, ĐH Ngân hàng TP.HCM, tự tìm đến nhà tuyển dụng qua các cuộc thi tài thay vì đăng ký chỗ thực tập tại trường rồi ngồi yên đợi phân công vào một ngân hàng nào đấy.
Vượt qua hơn cả ngàn ứng cử viên từ nhiều trường đại học ở vòng loại và 15 đối thủ "đáng gờm" trong vòng chung kết cuộc thi "Chuyên viên tài chính ngân hàng" do trường ĐH Ngân hàng TP.HCM phối hợp với Ngân hàng cổ phần Thương mại Sài Gòn SCB tổ chức, đội Hạnh giành giải nhất và được tuyển thẳng vào thử việc ở Ngân hàng SCB.
Kết quả là trong khi các bạn cùng khóa còn loay hoay kiếm chỗ "nương thân" thì Hạnh đã nắm chắc một chỗ thử việc lý tưởng với mức lương bằng 80% lương khởi điểm của nhân viên chính thức ở tháng thứ hai và thứ ba.
Kể từ tháng thứ tư, Hạnh sẽ được hưởng trọn 100% tiền lương. Lẽ dĩ nhiên, những SV thực tập khác không được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt này.
Bích Ngọc (khoa Tài chính tín dụng, trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng) cho biết, sau hai tháng thực tập bạn phải trải qua một kỳ sát hạch đánh giá. Nếu hoàn thành tiêu chuẩn của công ty đề ra, bạn sẽ tiếp tục hưởng chế độ này, nếu không phải hoàn lại khoản lương bổng và mọi chi phí ngân hàng đã bỏ ra.
Còn Minh Giáp, SV khoa Kinh tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, lựa chọn: "Đó vừa là sức ép, vừa là động lực cho tụi mình cố gắng. Nếu phải lựa chọn giữa việc được nhận lương và làm việc 6 ngày một tuần với không lương và chỉ phải đến cơ quan 3 buổi/tuần (chế độ làm việc của các SV thực tập không qua thi tuyển) thì mình vẫn chọn vế thứ nhất".
Với khoản trợ cấp 200USD/tháng cho SV thực tập, ANZ trở thành ngân hàng "chịu chơi" nhất. Để lọt vào top 20/150, các ứng cử viên phải có điểm tích lũy 7,5 trở lên và trải qua ba vòng thi khắt khe: một vòng test chuyên môn, nghiệp vụ và hai vòng phỏng vấn, tất cả đều bằng tiếng Anh.
"Ngân hàng này đặc biệt khó hơn các ngân hàng khác ở chỗ sử dụng tiếng Anh. Biết là sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng mình vẫn muốn thử sức ở một môi trường năng động như thế này" - một SV khoa Ngân hàng quốc tế, ĐH Ngân hàng quả quyết.
Rút ngắn khoảng cách
Nếu SCB tìm kiếm nhân tài qua việc đứng ra "đỡ đầu" cho các cuộc thi thì ANZ lại chịu khó đến tận các trường đại học "gõ cửa" tiếp thị hình ảnh của mình. Mỗi ngân hàng có một "bí kíp" riêng, nhưng họ gặp nhau ở chế độ đãi ngộ lương bổng tốt và các khóa huấn luyện bài bản, bổ ích.
"Mình đã nghiên cứu, tìm hiểu và nhắm vào ACB từ khi còn học năm 2. Chính sự chuyên môn hóa của họ chứ không phải tiền lương là yếu tố quyết định để mình thi vào ACB. Song với chế độ đãi ngộ tuyệt vời như thế mình có cảm giác được coi trọng và ít ra cũng không phải là người thừa" - Minh Giáp chia sẻ.
Còn Bích Ngọc cho biết: "Nếu bạn làm việc hết sức mình thì khoản lương ấy cũng tương xứng chứ không gọi là nhiều. Điều quan trọng là nó tạo động lực to lớn để SV thể hiện tài năng, bộc lộ năng lực và cống hiến hết mình cho công ty".
Biến kỳ thực tập 3 tháng của SV thành thời gian thử việc như một nhân viên chính thức của công ty là một động thái có lợi cho cả hai bên. SV cố gắng thể hiện mình trong thời gian thực tập để có một chân ở ngân hàng. Còn ngân hàng sẽ dễ dàng phát hiện nhân tài ngay trong 3 tháng thực tập thay vì phải đợi SV ra trường và tốn thêm vài tháng thử việc nữa.
"Cơ hội chỉ đến với những ai thực sự ham học hỏi, năng động và biết nắm bắt thời cơ. Tất cả là do mình", Bích Ngọc chia sẻ.
Theo Yên Thảo
Thanh Niên