ĐQBH Lê Quốc Phong:

'Sinh viên tham gia hội đồng trường có nhiều thuận lợi'

TPO - “Việc giới thiệu sinh viên tham gia hội đồng trường có nhiều thuận lợi và sẽ thống nhất được tiếng nói suy nghĩ, trong đào tạo của trường đại học và đại học”, Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay. Ảnh: Như Ý

Xác định rõ Bí thư Đoàn trường tham gia Hội đồng trường

Sáng 6/10, Quốc hội thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thống nhất cao với những nội dung dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Đóng góp một số ý kiến cụ thể, anh Phong đề cập đến thẩm quyền thành lập Hội đồng trường đại học. Dự thảo quy định, Hội đồng trường đại học công lập là tổ chức quản trị đại diện cho quyền sở hữu nhà nước và các bên có lợi ích liên quan. Tại khoản 8 của điều này quy định thêm, Chính phủ quy định chi tiết quy trình, thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng trường.

Như vậy, trong dự thảo cơ quan thẩm quyền thành lập hội đồng trường chưa được quy định cụ thể. Anh Phong đề nghị bổ sung quy định khoản 1 điều 16: Hội đồng trường do cơ quan chủ quản hoặc cơ quan quản lý cấp trên trực tiêp quyết định thành lập. Việc bổ sung cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng trường cũng cần xem xét, bổ sung tại khoản 1, điều 17 đối với việc thành lập hội đồng trường ở cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và khoản 1 điều 18 về việc thành lập hội đồng đại học.

“Nếu bổ sung như tôi đề xuất thì việc quy định việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tại mục a, khoản 5, điều 16 cũng cần đổi thành cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan chủ quản công nhận để tương thích với việc sửa đổi”, anh Phong cho hay.

Về thành phần hội đồng trường, anh Phong dẫn dụ, tại mục B, khoản 3, điều 16 và mục D, khoản 3, điều 17, có quy định về những thành viên đương nhiên của hội đồng trường đại học. Dự thảo lần này có điều chỉnh khá lớn so với dự thảo lần trước khi điều chỉnh sự tham gia của các đoàn thể, đoàn thanh niên, sinh viên trong hội đồng trường. Anh Phong thống nhất cao đại diện đoàn thanh niên là một thành viên đương nhiên của hội đồng trường, tuy nhiên cần điều chỉnh theo hướng xác định rõ Bí thư Đoàn trường đại học sẽ tham gia vào hội đồng trường.

Anh Lê Quốc Phong cũng đề nghị quy định rõ đại diện sinh viên tham gia hội đồng trường. Điều này là cần thiết với định hướng đổi mới giáo dục lấy người học làm trung tâm mà hiện nay nhiều trường có tổ chức hội sinh viên. Việc giới thiệu sinh viên tham gia hội đồng trường có nhiều thuận lợi và sẽ thống nhất được tiếng nói suy nghĩ, trong đào tạo của trường đại học và đại học.

Về quy định học các môn lý luận chính trị trong các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, theo anh Phong, việc này trong báo cáo giải trình tiếp thu đã nêu rõ, tuy nhiên, anh thấy cần phải quy định cụ thể trong luật. “Đây là việc làm cần thiết, cần phải quy định rõ trong luật, tạo cơ sở pháp lý để các trường trao đổi, thảo luận với các đối tác nước ngoài khi lựa chọn, xác định chương trình đào tạo tại Việt Nam”, anh Phong phân tích.

Liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, anh Phong tán thành với “quyền của người học” tại dự thảo. Theo thống kê tại các trường có Hội sinh viên Việt Nam, tính riêng số lượng đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học trong 5 năm đã có 37.600 đề tài, chưa tính số sinh viên làm đề tài, luận án tốt nghiệp hàng năm.

Anh Phong đề nghị, sau khi thông qua dự thảo luật, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu sớm sửa thông tư theo hướng quy định rõ hơn về mức kinh phí tối thiểu, điều kiện cần thiết tối thiểu mà trường dành cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo của sinh viên, tạo thuận lợi thúc đẩy hỗ trợ nội dung này phát triển mạnh mẽ hơn.

Minh bạch, nhất quán trong đào tạo ngành Y

Đại biểu Lê Thị Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, bà cho ý kiến vào khoản 1, điều 6 dự án luật, quy định trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

Theo bà Yến, quy định này chưa đầy đủ vì nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực cần đảm bảo chuyên môn, cần được tuyển chọn đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đặc biệt. Hiện nay, để trở thành bác sĩ, sau 6 năm học tại trường đại học, người học phải thường xuyên tham gia học tập, cập nhật kiến thức để phát triển nghề nghiệp. Không giống như các chương trình cử nhân khác, trong 6 năm học, sinh viên y khoa ngoài học kiến thức còn phải thực hành và trải nghiệm công việc thực tế tại các bệnh viện.

Nội dung chương trình đào tạo phức tạp hơn, thời gian đào tạo dài hơn, sau đại học là chuyên khoa sâu, bác sĩ chuyên khoa 1, 2, hay học nội trú với tổng thời gian lên đến 9 năm. Những đối tượng này không thể hoà cùng với trình độ và văn bằng là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được, nhưng trình độ văn bằng chuyên sâu lại chưa được quy định trong dự thảo luật trình lần này.

"Đào tạo nhân lực ngành y cần phải được thể chế hoá một cách rõ ràng, minh bạch và nhất quán. Tôi tha thiết kính đề nghị Quốc hội nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện thể chế và chính sách đào tạo về nguồn nhân lực y tế để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân và hội nhập quốc tế", bà cho hay.

Đồng tình, đại biểu Vũ Thị Nguyệt cho rằng cần điều chỉnh đào tạo nhân lực y tế với mục tiêu là người dân được hưởng nền y tế tiên tiến. Về trình độ và văn bằng, bà thống nhất với đại biểu Yến đây là đào tạo nhân lực đặc biệt. Hiện ngoài 6 năm đào tạo thì nhân lực y khoa còn phải học thêm 2-3 năm chuyên sâu theo hai hướng hàn lâm nghiên cứu và chuyên khoa. Bên cạnh đó cán bộ y tế còn phải thường xuyên cập nhật kiến thức nên việc học là suốt đời.