Sinh viên phải chủ động trong học chế tín chỉ

Học chế tín chỉ đã thực hiện trong hơn 100 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) qua gần 20 năm nhưng phần lớn sinh viên chưa quen với phương pháp học để đạt hiệu quả cao.

Các trường ĐH đào tạo theo tín chỉ luôn khẳng định đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo bằng tiêu chí “lấy người học là trung tâm”. Thế nhưng trên thực tế, người học lại chưa được đặt đúng vị trí đó.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định: “Lớp học quá đông, giảng viên không có thời gian hướng dẫn sinh viên (SV) làm bài tập, bài kiểm tra nên chủ yếu thuyết giảng, trong khi cần phải kết hợp nhiều hình thức như thuyết giảng, thảo luận, thực tập, thí nghiệm, nghiên cứu, mô phỏng… Phương pháp giảng dạy theo nhóm nhỏ cần được chú trọng nhiều thì chưa làm được”.

Theo PGS Tống, đây chính là phương pháp giúp SV thực sự là trung tâm, thúc đẩy tinh thần độc lập và chủ động của SV, tạo ra nhiều cơ hội tương tác giữa giảng viên và SV.

Một giảng viên Trường ĐH Sài Gòn chia sẻ: “Mỗi lớp học cả trăm SV là chuyện không hề hiếm ở các trường ĐH dẫn đến tình trạng một giảng viên không thể nào bao quát hết được. Cho dù học tín chỉ thì giờ lên lớp giảm, chủ yếu SV phải tự học nhưng không có nghĩa là giảng viên không quan tâm gì đến SV. Tình hình như hiện nay giảng viên có muốn quan tâm cũng không có điều kiện. Hậu quả là không ít SV cảm thấy chơi vơi, mất định hướng”.

Theo học chế tín chỉ, SV phải chủ động, biết cách tự học, có phương pháp học thích hợp mới đạt kết quả. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không phải SV nào cũng hiểu rõ điều này. Trong khi đó, nhiều giảng viên chưa thể trở thành cố vấn học tập thực sự của SV nên khá đông SV cảm thấy lúng túng.

Khảo sát từ 1.691 SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), PGS-TS Tô Minh Thanh, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, nhận xét khoảng 55,3% SV không duy trì được thời gian tự học trong tuần.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Quang và thạc sĩ Trần Trung Tuấn, Viện Kế toán - Kiểm toán Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết khảo sát một số trường ĐH, đến 75% SV không có thói quen tự học, chuẩn bị bài trước khi lên lớp.

“Một thực tế là SV ngày nay rất lười đọc sách, trong đó có sách tham khảo. Dù được giảng viên hướng dẫn cụ thể nhưng 85% SV chỉ đọc một số sách chuyên ngành khi phải trình bày, báo cáo hay làm bài kiểm tra” - TS Quang cho hay.

Thạc sĩ Đinh Văn Viễn, Trường ĐH Hoa Lư (Ninh Bình), nhấn mạnh SV đóng vai trò quyết định để học tốt trong học chế tín chỉ. Ông Viễn khuyên: “Trên lớp cần tập trung nghe giảng, suy nghĩ và hăng hái phát biểu, tích cực trong việc làm bài tập nhóm; ở nhà thì cần xây dựng kế hoạch học tập hợp lý”.

Theo Mỹ Quyên
Thanh Niên

Theo Đăng lại