'Siêu tiêm kích' chiến lược Mig-31 và cuộc đối đầu siêu cường (kỳ I)

Sự đối đầu gay gắt Xô - Mỹ trong chiến tranh lạnh đã dẫn đến học thuyết chỉ đạo quá trình hình thành hệ thống tiêm kích chiến lược Mig-31, một huyền thoại về siêu tiêm kích đánh chặn còn sống cho đến ngày nay.

'Siêu tiêm kích' chiến lược Mig-31 và cuộc đối đầu siêu cường (kỳ I)

> 'Rắn hổ mang' SU -27 và chiến thuật siêu cơ động

Sự đối đầu gay gắt Xô - Mỹ trong chiến tranh lạnh đã dẫn đến học thuyết chỉ đạo quá trình hình thành hệ thống tiêm kích chiến lược Mig-31, một huyền thoại về siêu tiêm kích đánh chặn còn sống cho đến ngày nay.

Khởi nguồn huyền thoại 'siêu tiêm kích' chiến lược

Quá trình hình thành hệ thống tiêm kích chiến lược Mig-31 từ khởi nguồn ý tưởng thiết kế giữa thập niên 1960 tới khi hoàn tất thử nghiệm vào cuối thập niên 1970 chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của học thuyết quân sự Xô Viết đương thời và là sự hiện thực hóa những điều chỉnh cơ bản trong học thuyết quân sự Xô Viết của đội ngũ lãnh đạo chính trị Liên Xô sau thời Tổng Bí thư Nikita Khrushchev nắm quyền.

Dưới thời Khrushchev (1953-1964), Liên Xô xác định kẻ thù chính yếu của khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là Hoa Kỳ và Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Để thắng trong cuộc cạnh tranh với phe tư bản chủ nghĩa thì thay vì phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân mà cả hai phe và cả thế giới đều bị hủy diệt, Khrushchev chủ trương thúc đẩy tính ưu việt về hệ thống kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa so với hệ thống kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa trong một thế giới cùng tồn tại hòa bình. Học thuyết quân sự dưới thời Khrushchev vì thế nhấn mạnh yếu tố ngăn chặn chiến tranh giữa hai phe bằng răn đe tấn công hay phản công hạt nhân chiến lược, chứ không chuẩn bị chiến tranh hạt nhân chiến lược như một tất yếu để giải quyết mâu thuẫn mang tính một mất một còn giữa hai hệ thống chính trị đối nghịch như được xác định trong học thuyết quân sự dưới thời Joseph Stalin.

Hệ quả điều chỉnh học thuyết quân sự dưới thời Khrushchev là việc tập trung phát triển năng lực tấn công và phòng thủ chiến lược, nhưng lại cắt giảm năng lực tấn công/phòng thủ của lực lượng quân sự qui ước. Những biểu hiện rõ nét nhất của học thuyết Khrushchev chỉ thực sự xuất hiện trong Chiến lược quốc phòng Liên Xô giai đoạn 1959-1966 được thông qua tại Đại hội đảng bất thường lần thứ 21 của ĐCS Liên Xô vào tháng 3/1959 sau khi Khrushchev này hoàn tất quá trình trở thành người đứng đầu nhà nước (Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng) từ tháng 3/1958 bên cạnh chức vụ Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương ĐCS Liên xô nắm giữ từ năm 1953. Phục vụ học thuyết trên cơ sở đường lối quân sự theo Chiến lược quốc phòng 1959-1966 là hàng loạt chương trình phát triển vũ khí phòng thủ đường không chiến lược phân tầng và tầm phòng thủ với kết quả là các hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược tiền bối của Mig-31 như Mig-25, Yak-28P và Tu-128 ra đời.

Nikita Khrushchev từng giữ các chức vụ Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương ĐCS Liên xô (1953-1964), Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô (1958-1964) .

Cuối thời kì cầm quyền của Khrushchev vào đầu thập niên 1960, những sai lầm trong việc điều hành nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và chính sách nông nghiệp khiến Khrushchev dần mất uy tín trong đội ngũ lãnh đạo đảng và tạo cớ cho những thay đổi cán cân quyền lực bất lợi cho ông. Mặc dù Khrushchev trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương ĐCS Liên Xô vẫn nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng Liên xô, nhưng trong thực tế quyền điều hành hội đồng này và định hướng xây dựng đường lối quân sự Xô Viết trong Bộ chính trị lại nằm trong tay Bí thư thứ hai Ban chấp hành trung ương ĐCS Liên Xô là Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Leonid Brezhnev. Leonid Brezhnev chính là người chắp bút cho bản Chiến lược quốc phòng 1959-1966 khi Khrushchev còn đang ở thế thượng phong cả trong bộ máy đảng lẫn nhà nước.

Thời kì này, bên cạnh việc củng cố vị trí người kế nhiệm chính thức của Khrushchev, Brezhnev đã từng bước điều chỉnh học thuyết Khrushchev theo chủ ý của mình thông qua hàng loạt đối sách với học thuyết “Phản ứng linh hoạt” đương thời của Hoa Kỳ. Những bước chuẩn bị tích cực cho việc điều chỉnh học thuyết quân sự Khrushchev theo hướng Brezhnev được nguyên soái Liên Xô Vasily Sokolovsky thể hiện trong tác phẩm “Chiến lược quân sự” nổi tiếng xuất bản lần đầu tiên tại Liên Xô vào năm 1962. Tác phẩm “Chiến lược quân sự” của Sokolovsky được xem là một dạng sách trắng quốc phòng mà lần đầu tiên giới lãnh đạo chính trị Liên Xô cho phép xuất bản công khai. Nguyên soái Sokolovsky khi viết tác phẩm này là nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng, nguyên Tổng tham mưu trưởng và sau giữ chức vụ Tổng thanh tra Bộ quốc phòng Liên Xô, đồng thời là đồng chí chí cốt của nguyên soái Geogy Zhukov, người từng bị Khruschev bãi chức vào năm 1957.

Nguyên soái Liên xô Vasily Sokolovsky từng giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ quốc phòng (1949-1952), Tổng tham mưu trưởng (1952-1960), Tổng thanh tra Bộ quốc phòng (1960-1968).

Tháng 10/1964, Leonid Brezhnev và các đồng chí của mình thành công trong việc hạ bệ Nikita Khrushchev. Trên cương vị Tổng bí thư BCHTƯ ĐCS Liên Xô, Brezhnev nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, đồng thời chi phối việc xây dựng đường lối quân sự và điều chỉnh học thuyết quốc phòng của Bộ chính trị. Qua việc tái bản có chỉnh lí, bổ sung vào năm 1968 các cuốn “Học thuyết quân sự” của nguyên soái Sokolovskyi và cuốn “Học thuyết Mác-Lênin về Chiến tranh và Quân đội” của nhóm nhà nghiên cứu chiến lược quân sự Liên Xô, đường lối quân sự Xô Viết dưới thời Brezhnev là sự phản ánh những điều chỉnh sách lược đối phó với học thuyết “Phản ứng linh hoạt” do Hoa Kỳ thực hiện từ thời nhiệm kì tổng thống J.F Kennedy và sau đó được NATO áp dụng từ năm 1967.

Học thuyết Brezhnev xác định phạm vi và các bước ứng phó leo thang từ chiến tranh thông thường tới chiến tranh hạt nhân tổng lực giữa Liên Xô và Hoa kỹ một khi hai khối quân sự Vácxava và NATO phát sinh xung đột vũ trang trên không gian chiến trường Tây và Trung Âu. Trong khi tái khẳng định chiến tranh hạt nhân tổng lực sẽ hủy diệt tất cả các bên tham chiến, học thuyết Brezhnev cho rằng có thể giành ưu thế và thắng lợi quyết định cục diện chiến tranh bằng việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật trong một không gian chiến trường xác định vừa nêu. Để chuẩn bị cho kiểu chiến tranh hạt nhân hạn chế này, Liên Xô cần phát triển hoặc điều chỉnh hệ thống vũ khí tấn công và phòng thủ theo hướng lưỡng nhiệm chiến lược-chiến thuật với yêu cầu bố trí lực lượng chiến đấu phân tán để tránh bị đối phương tập kích hạt nhân chiến thuật, cũng như yêu cầu kĩ thuật vận hành hệ thống vũ khí trong điều kiện phục vụ chiến đấu dã chiến hay căn cứ chiến đấu bị vũ khí hạt nhân đối phương tàn phá.

Đối với các hệ thống máy bay tiêm kích phát triển cho kiểu tác chiến có sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hạn chế này, yêu cầu kĩ chiến thuật đặt ra là chúng phải có khả năng thực hiện nhiều loại nhiệm vụ chiến thuật, khả năng cất hạ cánh đường băng dã chiến ngắn hoặc đường băng vừa được khôi phục, khả năng mang các loại vũ khí tấn công từ thông thường tới hạt nhân chiến thuật, khả năng tự bảo vệ trước phòng không đối phương bằng khí tài điện tử hoặc chiến thuật bay thấp, khả năng cơ động và biến đổi tốc độ chiến đấu nhanh chóng phù hợp với nhiệm vụ được phân công.

Anastas Ivanovitch Mikoyan từng giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng (1955-1964), Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao (1964-1965).

Từ đầu thập niên 1970 tới khi qua đời vào cuối năm 1982, Leonid Brezhnev tiếp tục có những bước điều chỉnh đường lối và học thuyết quân sự Xô Viết theo xu hướng hòa hoãn, công nhận cùng tồn tại và kiềm chế đe doạ dùng vũ lực với phương Tây để tập trung vào củng cố thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế trong khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô. Những nỗ lực của Brezhnev trong hàng loạt các cuộc đàm phán từ vấn đề an ninh và hợp tác châu Âu tới hạn chế vũ khí tấn công chiến lược được thể hiện qua các hiệp ước quan trọng là Hiệp ước về phòng thủ tên lửa đường đạn và Tạm ước về một số biện pháp hạn chế vũ khí tấn công chiến lược trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (SALT I) ký giữa Liên Xô và Hoa Kỳ vào tháng 6/1972, cũng như Định ước Helsinki về an ninh và hợp tác châu Âuvới các nước châu Âu trong năm 1975.

Các cuộc đàm phán về giải trừ quân bị và thái độ hòa hoãn trong quan hệ ngoại giao quốc tế dưới thời Brezhnev tác động đáng kể tới đường lối và học thuyết quân sự Xô Viết đương thời, qua đó tới các chương trình phát triển các hệ thống vũ khí phục vụ học thuyết quân sự. Đối với các hệ thống máy bay tiêm kích đang được phát triển ở Liên Xô thời đó, những điều chỉnh học thuyết đặt ra yêu cầu tính năng thiết kế để có thể lách qua các qui định hiệp ước đã có hiệu lực hay nội dung đàm phán về giải trừ quân bị đang diễn ra, khả năng chuyển đổi nhanh chóng chức năng từ hệ thống vũ khí phòng thủ sang hệ thống vũ khí tiến công, khả năng tăng tầm tiến công từ tầm trung sang tầm trung xa hoặc tầm xa bằng cả vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân.

Nắm bắt những điều chỉnh học thuyết quân sự dưới thời Brezhnev thông qua mối quan hệ gia đình với người anh trai của mình là Anastas Ivanovitch Mikoyan, người đồng sáng lập và điều hành Phòng thiết kế Mikoyan-Gurevitch là tổng công trình sư Artem Ivanovitch Mikoyan đã mau chóng chỉ đạo cộng sự xây dựng ý tưởng thiết kế cho mẫu máy bay tiêm kích thế hệ mới ngay từ năm 1965, thời điểm mà ngay cả hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn và trinh sát vũ trang Mig-25 phát triển theo đề án S-155 vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.

Quá trình từ phát triển và đề xuất đề án thiết kế tới chế tạo mẫu và thử nghiệm hệ thống tiêm kích chiến lược Mig-31 được chia làm các giai đoạn tương ứng với các bước điều chỉnh học thuyết Brezhnev như sau: giai đoạn trước khi được phê duyệt đề án E-155MP vào tháng 5/1968 do nhóm công trình sư Artem Mikoyan và Rostislav Belyakov thực hiện; giai đoạn sau khi phê duyệt đề án vào tháng 5/1968 tới khi lựa chọn và hoàn thiện mẫu thiết kế trong năm 1971 do công trình sư Belyakov và các cộng sự thực hiện; giai đoạn chế tạo mẫu thử nghiệm từ năm 1972 tới năm 1975 do tổng công trình sư Belyakov và nhóm các công trình sư Lozino Lozinsky, Konstantin Vasiltchenko, V.A Arkhipov, A.A Belosvet thực hiện; giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện các mẫu thử từ đầu năm 1976 tới khi đưa vào trang bị trong năm 1981 do tổng công trình sư Lozino Lozinsky và nhóm các công trình sư Konstantin Vasiltchenko, V.A Arkhipov, A.A Belosvet và E.K Kostrubsky thực hiện.

Việc nhận thức và nắm bắt những thay đổi, điều chỉnh trong học thuyết quân sự Xô Viết dưới thời Leonid Brezhnev được các công trình sư thiết kế máy bay tại Phòng thiết kế Mikoyan-Gurevitch thể hiện cụ thể trong quá trình thiết kế và hoàn thiện thử nghiệm hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược Mig-31 sẽ được nêu và phân tích trong phần Lược sử phát triển Mig-31.

Phát triển 'siêu tiêm kích' Mig-31

Hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược Mig-31 được chấp nhận trang bị chính thức trong lực lượng phòng không quốc gia PVO-Strany Liên Xô vào năm 1980 và đưa vào trực báo động phòng không từ năm 1981. Tuy nhiên ngay cả khi đã hoàn tất các thử nghiệm và đưa vào trang bị chiến đấu, hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược Mig-31 vẫn tiếp tục được phát triển và hoàn thiện theo các điều chỉnh học thuyết quân sự Liên Xô và sau này là Liên bang Nga.

Biên đội 2 chiếc Mig-31B bay tuần phòng đối không.

Leonid Brezhnev qua đời vào năm 1982 đúng vào thời điểm cao trào của Chiến tranh lạnh đã để lại cho các thế hệ lãnh đạo tiếp sau của Liên Xô như Yuri Andropov, Konstantin Chernenko và Mikhail Gorbachev một nền kinh tế xã hội Xô Viết đang bên bờ khủng hoảng nghiêm trọng và cuộc chiến sa lầy tại Apghanistan. Những nỗ lực nhằm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội cùng với nhiệm kì kết thúc ngắn ngủi do yếu tố sức khỏe hay đấu tranh chính trị nội bộ khiến những nhà lãnh đạo nêu trên không đủ thời gian điều chỉnh hoặc tác động đáng kể tới đường lối và học thuyết quân sự Liên Xô đương thời.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ phát động cuộc chạy đua vũ trang trong vũ trụ bằng chương trình Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) từ năm 1983 và sự thiếu định hướng đường lối quân sự nhất quán từ lãnh đạo chính trị trong nước đó, hàng loạt các nhà nghiên cứu chiến lược và lãnh đạo quân sự cao cấp Xô Viết như nguyên soái Tổng tham mưu trưởng quân đội Nikolai Vasilevitch Ogarkov, đại tướng Makhmut Akhmetovitch Gareyev và đại tướng Dmitri Antonovitch Volkogonov đã đưa ra những yếu tố mới về học thuyết quân sự Liên Xô. Bằng các tác phẩm lí luận quân sự của mình, những tướng soái chiến lược gia vừa nêu dù vẫn khẳng định học thuyết quân sự của Liên Xô phải đảm bảo khả năng sẵn sàng tham chiến và chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân với phương Tây, nhưng lại cho rằng vũ khí hạt nhân chỉ nên giữ ở mức vừa đủ để răn đe đối phương sử dụng trước loại vũ khí này để chống Liên Xô và đồng minh, đồng thời đặt vấn đề rằng học thuyết cần phải xác định rõ các hình thức tác chiến cụ thể theo phạm vi địa-quân sự và địa-chính trị để phát triển vũ khí và chiến thuật phù hợp.

Điểm mới trong cách tiếp cận chiến lược và học thuyết quân sự này là việc kế thừa và kết hợp giữa yếu tố đảm bảo duy trì răn đe hạt nhân chiến lược như dưới thời lãnh đạo Nikita Khrushchev, yếu tố quyết thắng trong mọi loại chiến tranh hạt nhân dưới thời lãnh đạo Leonid Brezhnev và yếu tố quyết chiến quyết thắng trong các cuộc chiến thông thường từ cấp độ khu vực tới toàn cầu chỉ bằng việc sử dụng vũ khí thông thường. Năm 1987, dưới thời lãnh đạo của Mikhail Gorbachev, nguyên soái Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô Sergei Akhromeev và nguyên soái Bộ trưởng quốc phòng Liên Xô Dmitri Iazov cùng có những tuyên bố về kế hoạch điều chỉnh học thuyết quân sự theo hướng đổi mới tư duy nêu trên trước thềm hội nghị Hội đồng tham vấn Tổ chức Hiệp ước Vácsava họp tại Béc lin vào tháng 5/1987.

Thích ứng với kế hoạch điều chỉnh học thuyết quân sự giai đoạn cuối Liên Xô, Phòng thiết kế Mikoyan phối hợp với các quân binh chủng được trang bị hoặc dự kiến trang bị Mig-31 và các phòng thiết kế vũ khí chuyên ngành hàng không tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêm kích chiến lược này ở các phiên bản tăng tầm tuần tra chiến đấu và tầm đánh chặn nhờ tiếp liệu trên không (kiểu máy bay 01DZ và 01B), phiên bản tăng tầm và khả năng xạ kích mục tiêu đường không chiến thuật nhờ cải tiến hệ thống trinh sát và dẫn bắn tên lửa tầm xa (kiểu máy bay 05) và phiên bản mang tên lửa chống vệ tinh và mang phóng tên lửa đẩy (kiểu máy bay 07). Tuy nhiên, các đề án nghiên cứu phát triển và hoàn thiện hệ thống nêu trên đều bị cắt giảm ngân sách, thậm chí bị đình chỉ vào cuối thập niên 1990 vì lí do bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế của Liên Xô.

Sau khi Liên Xô giải thể vào ngày 31/12/1991, Liên bang Nga trở thành chủ thể chính trong số các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang kế thừa tài sản và vị thế quốc tế của Liên Xô. Theo Hiến pháp Liên bang Nga, việc ban hành các học thuyết quân sự được trao cho tổng thống liên bang và cơ quan giúp việc cho tổng thống trong lĩnh vực an ninh quốc gia là Hội đồng an ninh Liên bang có trách nhiệm soạn thảo chủ trương, đường lối và học thuyết quân sự để tổng thống ban hành theo sắc lệnh. Cho tới thời điểm hiện tại, có 2 tổng thống đã để lại dấu ấn trong đường lối và học thuyết quân sự Liên bang Nga là tổng thống Boris Yeltsin và tổng thống Vladimir Putin, trong đó tổng thống Boris Yeltsin là người chuyển đổi học thuyết quân sự từ mô hình cũ của Liên Xô sang mô hình mới của Liên bang Nga trong nhiệm kì 1991-1999 và tổng thống kế nhiệm Vladimir Putin là người định hình học thuyết quân sự Liên bang Nga từ năm 2000 tới nay.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin là người để lại nhiều dấu ấn trong Học thuyết quân sự Liên bang Nga đương đại - ảnh chụp Vladimir Putin khi còn giữ chức quyền tổng thống mặc đồ bay ngồi ghế sau chiếc Su-27UB tới thị sát khu vực chiến sự tại Grozny, Tchesnia ngày 20/3/2000 (Ảnh Associated Press).

Tháng 11/1993, trên cơ sở thành lập các lực lượng vũ trang Liên bang Nga từ các lực lượng quân sự tiếp nhận lại từ thời Liên xô và nghị quyết của Hội đồng an ninh Liên bang Nga về “Chủ trương, Đường lối về Học thuyết quân sự Liên bang Nga”, tổng thống Nga Boris Yeltsin ban hành Sắc lệnh số 1833 công bố các nội dung chủ yếu của học thuyết quân sự Liên bang Nga giai đoạn hậu Xô viết với việc xác định các mục tiêu chuyển đổi cơ cấu lực lượng và cải cách tổ chức quân đội nhằm đáp ứng nhu cầu quốc phòng trước các nguy cơ trong nước và quốc tế. Điểm đáng chú ý là trong Học thuyết quân sự 1993, Liên bang Nga một mặt từ bỏ chính sách không sử dụng hay tấn công hạt nhân trước như tuyên bố đơn phương của Liên Xô vào năm 1982, mặt khác khẳng định nguyên tắc duy trì cân bằng chiến lược và sử dụng vũ khí chiến lược cả trong tiến công trước và phản công trả đũa để ngăn ngừa đối phương tiến công nước Nga và đồng minh bằng vũ khí chiến lược hay vũ khí thông thường.

Ngày 17/12/1997, trên cơ sở hoàn tất tái cơ cấu lực lượng quân sự chiến lược và thông thường giai đoạn chuyển tiếp 1993-1997, tổng thống Nga Boris Yeltsin đã kí phê chuẩn bản “Đường lối an ninh quốc gia Liên bang Nga” do Hội đồng an ninh liên bang dự thảo, nhưng lại không kí sắc lệnh ban hành bản Học thuyết quân sự kèm theo do những vấn đề phát sinh từ các chiến dịch can thiệp quân sự và kế hoạch mở rộng của NATO trên lãnh thổ các quốc gia Đông-Nam Âu và không gian hậu Xô Viết vốn là vùng đệm của Liên bang Nga. Từ tháng 3/1999, trên cương vị Thư kí Hội đồng an ninh Liên bang Nga dưới thời tổng thống Boris Yeltsin, Vladimir Putin đã thay mặt tổng thống Yeltsin chủ trì các phiên họp định kì hàng tháng Hội đồng an ninh để soạn thảo, chỉnh sửa bản học thuyết quân sự mới thay thế Học thuyết quân sự năm 1993 cùng các tài liệu kèm theo như “Cơ sở của chính sách quốc gia Liên bang Nga về xây dựng tiềm lực quân sự tới năm 2005”, “Đường lối xây dựng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga tới năm 2005” và “Kế hoạch xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang Liên bang Nga giai đoạn 2001-2005.

Sau khi trở thành quyền tổng thống Liên bang Nga từ ngày 1/1/2000, Vladimir Putin đã kí sắc lệnh ban hành bản Học thuyết quân sự Liên bang Nga năm 2000 cùng các văn bản nêu trên vào ngày 21/4/2000, đồng thời chỉ đạo Hội đồng an ninh Liên bang dự thảo kế hoạch cải cách quân đội tới năm 2010 để ban hành vào tháng 8/2000. Tháng 10/2003, tổng thống Nga Vladimir Putin đã kí sắc lệnh điều chỉnh Học thuyết quân sự năm 2000.

Nếu như ở giai đoạn cuối của Liên Xô và đầu thời kì Liên bang Nga, sự bất ổn chính trị đi kèm khủng hoảng xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế trong nước khiến ngân sách quốc phòng sụt giảm nghiêm trọng đã bó buộc việc phát triển, hoàn thiện hệ thống Mig-31 ở ý tưởng hoàn thiện thiết kế hay thậm chí đe dọa đình trệ, thay thế hệ thống này bằng hệ thống tiêm kích khác có chi phí trang bị, chi phí vận hành thấp hơn như hệ thống máy bay tiêm kích mặt trận Su-27PU/Su-30, thì từ cuối thập niên 1990, những yếu tố bất lợi trên đã từng bước được giải quyết giúp sự phát triển hệ thống tiêm kích Mig-31 được định hình rõ nét và chắc chắn hơn với hai khuynh hướng lưỡng dụng hóa và lưỡng nhiệm hóa hệ thống.

Hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31B được phát triển từ ý tưởng thiết kế mẫu máy bay tiêm kích Ye-155MP-01DZ và Ye-155MP-01B, được chấp nhận trang bị từ năm 1998 trong VVS Nga là sự phản ảnh quá trình chuyển đổi, kế thừa học thuyết quân sự giai đoạn cuối Liên Xô cho tới thời điểm hoàn tất quá trình tái cơ cấu các lực lượng vũ trang theo Học thuyết quân sự Liên bang Nga năm 1993. Đây là hệ thống tiêm kích tuần phòng chiến đấu đa nhiệm đối không phát triển và trang bị cho nhiệm vụ tác chiến phòng không chiến lược ở cả cấp độ chiến tranh tổng lực lẫn chiến tranh khu vực ở các chiến trường tác chiến chiến lược, trong đó đối tượng tác chiến phòng không trong khu vực chiến trường tác chiến chiến lược có sự chuyển tiếp giữa chức năng của hệ thống vũ khí chiến thuật với hệ thống vũ khí chiến lược.

Máy bay tiêm kích tuần phòng chiến đấu đa nhiệm đối không Mig-31B.

Hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31BM được phát triển từ năm 1997 và đưa vào trang bị từ năm 2008 là bước phát triển tiếp theo theo hướng chiến thuật hóa của hệ thống tiêm kích chiến lược Mig-31 trên cơ sở Đường lối an ninh quốc gia Liên bang Nga năm 1997, Học thuyết quân sự Liên bang Nga năm 2000 và 2003, cùng các đường lối, kế hoạch xây dựng lực lượng, vũ khí, khí tài phục vụ tác chiến phòng không-không gian tới năm 2010 của VVS Nga. Bên cạnh khả năng phòng chống vũ khí tấn công không gian chiến lược và thông thường, hệ thống máy bay tiêm kích tuần phòng chiến đấu đa nhiệm Mig-31BM còn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật như chế áp phòng không, chống chỉ huy đường không, trinh sát chiến thuật và tiến công đột kích trong suốt chiều sâu chiến dịch chiến lược bằng các loại vũ khí tiến công kĩ thuật cao. Mig-31BM là sự thể hiện rõ nhất bước phát triển hệ thống tiêm kích chiến lược cho các nhiệm vụ chiến thuật phục vụ tác chiến đường không trong các cuộc chiến tranh cấp độ khu vực tác chiến chiến lược.

Máy bay tiêm kích đa nhiệm Mig-31BM.

Hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31S/Ishim được phát triển từ phiên bản thử nghiệm máy bay tiêm kích mang phóng vũ khí chống vệ tinh Ye-155MPM-07 là đề án phát triển hệ thống mang phóng tên lửa đẩy lưỡng dụng theo yêu cầu Học thuyết quân sự Liên bang Nga năm 1993, Đường lối quân sự năm 1997 và Học thuyết quân sự Liên bang Nga năm 2000. Hiện tại đề án phát triển hệ thống này vẫn đang được Nga xúc tiến cho dù các bên đối tác nước ngoài đã rút khỏi chương trình hợp tác.

Việc Phòng thiết kế Mikoyan tiếp cận và giải quyết các yêu cầu phát triển hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược Mig-31 phù hợp với các học thuyết quân sự giai đoạn cuối Liên Xô và Liên bang Nga sẽ được nêu và phân tích cụ thể.

Chiến thuật ứng dụng của siêu tiêm kích Mig-31

Chiến thuật ứng dụng của hệ thống tiêm kích Mig-31 là phương thức chuẩn bị và tiến hành tác chiến phòng không của hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31 nói riêng và phương pháp tổ chức, hiệp đồng chiến đấu của hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31 trong tổng thể hệ thống phòng không nói chung nhằm hoàn thành các nhiệm vụ phòng không được giao.

Là hệ thống máy bay tiêm kích phục vụ nhiệm vụ phòng không chiến lược nên ngay từ khi xây dựng và thông qua ý tưởng thiết kế, hoàn thiện thử nghiệm rồi đưa vào trang bị, hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31 nhận được sự quan tâm thích đáng về lí luận và thực tiễn chiến thuật ứng dụng trong tác chiến phòng không từ các cấp chỉ huy tham mưu Bộ đội phòng không và Bộ tổng tham mưu quân đội Liên Xô. Việc xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện lí luận và thực tiễn chiến thuật cho Mig-31 trong hệ thống vũ khí phòng không chiến lược là nhằm phục vụ học thuyết quân sự đương thời của Liên Xô và Liên bang Nga khi hệ thống này được sử dụng trong các tình huống tấn công hạt nhân phủ đầu và chống đối phương phản công trả đũa hạt nhân, hay phòng chống bị đối phương tấn công hạt nhân phủ đầu và phục vụ phản công trả đũa hạt nhân khi xung đột quân sự có sự tham dự của Liên Xô/Liên bang Nga và đồng minh phát triển theo các cấp độ leo thang từ chiến tranh hạt nhân hạn chế mang tính khu vực địa lí tới chiến tranh hạt nhân tổng lực toàn cầu.

Sơ đồ tổ chức Quân chủng Không quân hiện nay của Liên bang Nga – lực lượng máy bay tiêm kích Mig-31 được biên chế trong các Trung đoàn không quân tiêm kích phòng không thuộc các Tập đoàn Phòng không-Không quân (Ảnh www.mil.ru).

Bộ tham mưu Quân chủng Phòng không dưới thời Liên Xô hay Quân chủng Không quân dưới thời Liên bang Nga hiện nay chịu trách nhiệm xây dựng, điều chỉnh và phát triển lí luận chiến thuật tổng quan về sử dụng hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31 thông qua việc nghiên cứu tính chất, qui luật, nội dung, phương pháp tác chiến phòng không chiến lược và đề ra nguyên tắc chung về phương pháp tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu của hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31 trong tổng thể hệ thống phòng không gồm các khu vực phòng không phân tầng và phân tầm, trong mối liên hệ bên trong các binh chủng vũ khí và trang bị kĩ thuật của Quân chủng Phòng không như binh chủng máy bay tiêm kích phòng không, binh chủng vô tuyến kĩ thuật (radar) và binh chủng tên lửa phòng không; trong mối liên hệ với lực lượng chiến đấu của các quân binh chủng bạn như lực lượng không quân tiêm kích của Quân chủng Không quân, lực lượng phòng không Lục quân, lực lượng phòng không và không quân tiêm kích Quân chủng Hải quân, lực lượng vô tuyến kĩ thuật cảnh giới tầm xa của Bộ đội tên lửa chiến lược và Bộ đội vũ trụ.

Bộ tham mưu Binh chủng máy bay tiêm kích phòng không thuộc Quân chủng Phòng không dưới thời Liên xô hay thuộc Quân chủng Không quân dưới thời Liên bang Nga chịu trách nhiệm xây dựng, điều chỉnh và phát triển lí luận chiến thuật sử dụng hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31 trong các kiểu hoạt động và tác chiến phòng không đặc thù của binh chủng nhằm giúp hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược này hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể được giao. Chiến thuật do Bộ tham mưu Binh chủng máy bay tiêm kích phòng không nghiên cứu xây dựng cho hệ thống Mig-31 bao gồm: Chế độ trực ban phòng không, chủng loại trang bị vũ khí, khí tài cho từng loại hình tác chiến phòng không, chế độ đảm bảo hậu cần kĩ thuật phục vụ từng loại hình tác chiến phòng không, phương thức tổ chức chỉ huy dẫn đường mặt đất và trên không cho từng nhiệm vụ, biên chế phân đội và nhiệm vụ cấp biên đội, liên đội và đội hình máy bay tiêm kích trong tác chiến phòng không, phương thức phối hợp và tổ chức khu chờ và khu chiến cho máy bay tiêm kích, v.v.

Bộ tư lệnh các quân đoàn, tập đoàn đoàn phòng không không quân hỗn hợp và ban chỉ huy các trung đoàn tiêm kích phòng không chịu trách nhiệm xây dựng, phát triển và chỉ đạo thực hiện chiến thuật cụ thể cho lực lượng máy bay tiêm kích Mig-31 được trang bị cho cấp đơn vị thuộc quyền như lập kế hoạch, tổ chức tác chiến phòng không, thực hành chỉ huy, thực hành chiến đấu và bảo đảm chiến đấu trong tác chiến phòng không trong khu vực phòng không được phân công.

Kíp lái của một chiếc Mig-31B sau giờ bay huấn luyện chiến đấu (www.testpilot.ru).

Nằm cuối chuỗi tổ chức chỉ huy nhưng lại giữ vai trò quan trọng nhất trong việc thực hành chiến thuật ứng dụng hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31 trong hoạt động tác chiến phòng không là kíp lái Mig-31 gồm phi công chiến đấu và sĩ quan phụ trách vũ khí, khí tài. Mỗi kíp lái Mig-31 ngoài nhiệm vụ điều khiển và thực hành chiến đấu cho cá thể máy bay của kíp mình, còn có nhiệm vụ chỉ huy hoặc phối hợp chiến đấu với các kíp lái Mig-31 khác trong biên đội và với các máy bay hỗ trợ chiến đấu khác. Theo điều lệnh, các thành viên kíp lái Mig-31 được đào tạo về chiến thuật tiêm kích phòng không tổng quan trong học viện phòng không không quân, thực hành bay chiến thuật tại các trung tâm huấn luyện kĩ năng bay chiến đấu và huấn luyện bay chuyển loại kèm chiến thuật đặc thù của Mig-31 tại chính trung đoàn không quân tiêm kích phòng không nơi họ được phân công công tác. Ngoài thời gian thực hành bay chiến đấu và huấn luyện chiến đấu trên máy bay, các thành viên kíp lái Mig-31 phải dành phần lớn thời gian cho kế hoạch huấn luyện trong khí tài bay mô phỏng xen giữa các phiên trực ban phòng không nhằm hoàn thiện chiến thuật và kĩ năng thực hành chiến thuật chiến đấu. 

Nòng cốt hệ thống đánh chặn đường không

Học thuyết tác chiến phòng không Xô Viết trong việc chuẩn bị lực lượng, tổ chức chiến đấu và vận hành hệ thống phòng không hợp thành của Liên xô qui định phân loại, tính chất nhiệm vụ và nguyên lí thiết kế của các hệ thống vũ khí phòng không gồm phòng không mặt đất và phòng không đường không, trong đó có hệ thống vũ khí đánh chặn đường không mà các phân hệ máy bay tiêm kích đánh chặn làm nòng cốt.

Dưới thời Liên Xô, mỗi hệ thống vũ khí đánh chặn đường không là một tổ hợp gồm nhiều phân hệ vũ khí, khí tài như máy bay tiêm kích đánh chặn, khí tài trinh sát và dẫn bắn mục tiêu, tên lửa đối không, khí tài trinh sát, chỉ huy, dẫn đường và hiệp đồng chiến đấu với hạ tầng phòng không mặt đất. Các phân hệ của hệ thống vũ khí đánh chặn đường không này được xếp vào từng khối dự án chuyên ngành như cơ khí đường không, vũ khí đường không, khí tài đường không trong dự án hệ thống vũ khí cụ thể và có nguyên lí thiết kế đồng bộ nhằm đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của hệ thống vũ khí liên quan. Theo tính chất hạ tầng kĩ thuật, hệ thống vũ khí đánh chặn đường không với các phân hệ trên được chia làm 2 hạng mục: Hạng mục tổ hợp máy bay tiêm kích đánh chặn cùng hệ thống tên lửa đối không, khí tài chiến đấu gắn trên máy bay và hạng mục tổ hợp khí tài chỉ huy, phục vụ chiến đấu mặt đất cho hoạt động tác chiến trên không của máy bay tiêm kích đánh chặn trong hệ thống.

Hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn mang tên lửa đối không Su-15-98 gồm máy bay tiêm kích đánh chặn Su-15T và tổ hợp tên lửa đối không có điều khiển tầm trung R-98MR (Photo of www.airwar.ru).

Hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn mang tên lửa đối không Su-15-98 gồm máy bay tiêm kích đánh chặn Su-15T và tổ hợp tên lửa đối không có điều khiển tầm trung

Trong quá trình phát triển và triển khai, hệ thống vũ khí đánh chặn đường không thuộc lực lượng phòng không Xô viết được thống nhất đánh thứ tự với mã chữ đầu là S có nghĩa hệ thống; mã phát triển máy bay tiêm kích và mã khí tài trinh sát-dẫn bắn SUV, khí tài đường không trang bị trên máy bay được đặt theo mã tên của phòng thiết kế với số đuôi tương ứng với số đuôi của mã hệ thống, tổ hợp tên lửa đối không chủ chốt trang bị cho máy bay tiêm kích tương ứng được đánh thứ tự với mã chữ K có nghĩa tổ hợp, và kèm theo tổ hợp này là các thiết bị phóng và truyền lệnh khác với mã số tương ứng với mã số đuôi của tổ hợp tên lửa đối không.

Khi được chấp nhận trang bị trong hệ thống vũ khí đánh chặn đường không cụ thể của PVO, hệ thống máy bay tiêm kích phòng không sẽ được đặt tên theo tổ hợp gồm tên tắt của phòng thiết kế máy bay, mã số theo thứ tự được chấp nhận trang bị của loại máy bay tiêm kích được lựa chọn của phòng thiết kế và mã số đuôi được chấp nhận trang bị của tên lửa đối không (ví dụ: Hệ thống vũ khí đánh chặn đường không S-155 của PVO bao gồm hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-25-40, tức là máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-25 sử dụng tên lửa đối không tầm trung R-40, và hệ thống chỉ huy dẫn đường đồng bộ ASU Vozdukh-1).

Hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn mang tên lửa đối không Mig-25-40 gồm máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-25P và tổ hợp tên lửa đối không có điều khiển tầm trung R-40R (Photo of www.airwar.ru).

Bên cạnh nguyên lí thiết kế đồng bộ hệ thống, hệ thống tiêm kích phòng không Xô Viết còn tuân thủ nguyên lí thiết kế phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu trong thế trận phòng không nhiều tầng nhiều lớp (эшелонированная система обороны) nhằm chống lại một cách hiệu quả lực lượng máy bay tấn công chiến lược của Mỹ. Khác với hệ thống tiêm kích mặt trận cần sự cơ động và linh hoạt chiến đấu trước các mối nguy từ lực lượng máy bay tiêm kích và phòng không mặt trận của đối phương, các hệ thống tiêm kích đánh chặn phòng không lại cần ưu tiên tính năng chiến đấu ở tốc độ xuất kích và hành trình cao nhằm kịp thời tiếp cận tầm chặn kích hiệu quả, đồng thời phải có khả năng nhanh chóng leo tới và duy trì năng lực tác chiến ở tầng hoạt động của máy bay tấn công chiến lược của đối phương.

Ngoài ra, tùy tầm phòng không mà hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn phòng không được trang bị tổ hợp tên lửa đối không và khí tài trinh sát-dẫn bắn có tầm hiệu quả chiến đấu khác nhau. Các hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn phòng thủ điểm được trang bị khí tài trinh sát-dẫn bắn ở tầm ngắn-trung cùng với tổ hợp tên lửa đối không tầm ngắn hoặc trung mang đầu nổ hạng nhẹ hoặc hạng trung. Các hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng vòng ngoài hoặc tầm xa được trang bị khí tài trinh sát-dẫn bắn tầm trung xa và tổ hợp tên lửa đối không tầm trung xa mang đầu nổ hạng nặng.

Hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn mang tên lửa đối không Tu-128S-4 gồm máy bay tiêm kích đánh chặn Tu-128 và tổ hợp tên lửa đối không có điều khiển tầm trung R-4R (Photo of www.airwar.ru).
 

Nguyên lí thiết kế hệ thống tiêm kích Mig-31 trong hệ thống S-155M

Dự án Hệ thống vũ khí đánh chặn đường không đa tầng S-155M được Hội đồng bộ trưởng Liên xô quyết định phát triển từ ngày 24/5/1968 để thay thế các hệ thống vũ khí đánh chặn đường không đơn tầng và đơn tầm đang được trang bị tại thời điểm đó. Theo dự án được duyệt, Hệ thống S-155M bao gồm các phân hệ cơ bản: hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-25MP (phát triển trên mẫu Ye-155MP) trang bị tên lửa đối không tầm xa K-33, hệ thống khí tài trinh sát-dẫn bắn RP-25M và 8TK, hệ thống chỉ huy-dẫn đường tự động SAU-155MP, hệ thống dẫn đường đường không độc lập KN-25, hệ thống chỉ huy dẫn đường tự động mặt đất Vozdukh-1M, động cơ phản lực luồng kép Tumansky R-31F cùng nhiều phân hệ vũ khí, khí tài phát triển mới hoặc nâng cấp từ các hệ thống trước đó.

Phi đội máy bay tuần phòng của không quân Mỹ
 

Khi đưa vào trang bị, hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-31 dự kiến thay thế các hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng cao tầng Mig-25 (Mig-25-40), hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng thấp tầng Yak-28P và hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng tầm xa Tu-128 (Tu-128S-4). Việc kết hợp nhiệm vụ chiến đấu của 3 hệ thống máy bay tiêm kích tuần phòng trong 1 hệ thống máy bay tiêm kích tuần phòng phát triển mới từ nền tảng hệ thống tiêm kích đánh chặn Mig-25 đã đặt ra các nguyên lí thiết kế cho hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31 nói riêng, hệ thống vũ khí đánh chặn đường không S-155M nói chung:

Trước hết, hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31 phải có khả năng hoạt động đa tầng và tầm xa, với tầm hoạt động cách căn cứ và mục tiêu bảo vệ từ 1500km trở ra, thay vì chỉ hoạt động đơn tầng hoặc tầm đánh chặn như các hệ thống tiêm kích trước đó.

Thứ hai, trong khi duy trì nguyên lí thiết kế của hệ thống tiêm kích đánh chặn Mig-25 với việc chú trọng ở tốc độ xuất kích và hành trình cao, cùng khả năng leo cao nhanh chóng và hoạt động ở tầng cao lớn nhằm chống máy bay trinh sát và tấn công chiến lược có tốc độ siêu âm bay cao tầng của đối phương, hệ thống tiêm kích đánh chặn Mig-31 cũng phải có khả năng hoạt động trong dải tốc độ siêu âm ở tầng thấp của hệ thống tiêm kích đánh chặn Yak-28P, đồng thời phải đảm bảo khả năng tuần phòng đường dài của hệ thống tiêm kích đánh chặn Tu-128. Điều này đòi hỏi hệ thống tiêm kích đánh chặn Mig-31 phải có những điều chỉnh cơ bản về thiết kế khí động của kết cấu thân, cánh, hệ thống động cơ, hệ thống dẫn đường, thông tin liên lạc, kiểm soát khí động, dự trữ tiếp liệu, v.v, so với hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-25 thuộc Hệ thống vũ khí đánh chặn đường không cao tầng S-155.

Thứ ba, hệ thống máy bay tiêm kích Mig-31 được trang bị đồng bộ tổ hợp tên lửa đối không tầm xa thế hệ mới R-33 bên cạnh khả năng tích hợp với một số tổ hợp tên lửa đối không tầm trung cải tiến R-40D của hệ thống tiêm kích đánh chặn Mig-25 và tổ hợp tên lửa đối không tầm trung-ngắn R-60 của Yak-28, đồng thời được trang bị khí tài trinh sát-dẫn bắn đa năng đa nhiệm thế hệ mới.

Thứ tư, hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn mang tên lửa đối không tầm trung-xa Mig-31-33 phải thích ứng với hạ tầng dẫn đường và chỉ huy mặt đất hiện có, cũng như đồng bộ với hạ tầng dẫn đường tự động và chỉ huy mặt đất phát triển chuyên biệt cho nhiệm vụ đánh chặn tầm xa của Mig-31.

So sánh tiêm kích phòng không chiến lược Xô - Mỹ

Cuộc chạy đua phát triển vũ khí tấn công và phòng thủ đường không chiến lược giữa Liên Xô và Mỹ trong giai đoạn Chiến tranh lạnh làm xuất hiện dòng máy bay tiêm kích phòng không chiến lược ở cả hai phía với các nguyên lí thiết kế hệ thống có những nét tương đồng và dị biệt. Đây là điều rất có ý nghĩa khi xem xét quá trình hình thành và phát triển nguyên lí thiết kế của hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược Mig-31.

Khác với Liên Xô nơi hệ thống máy bay tiêm kích phòng không chiến lược thuộc biên chế của lực lượng phòng không quốc gia PVO-Strany, hệ thống máy bay tiêm kích phòng không chiến lược của Mỹ lại chia thành 2 nhánh: một nhánh thuộc biên chế lực lượng phòng không lục địa Bắc Mỹ của Bộ tư lệnh Phòng không Không quân Mỹ ADC (USAF’s Air Defense Command), nhánh còn lại thuộc biên chế các nhóm tác chiến tàu sân bay CVBG (Carrier Battle Group) là lực lượng cơ động chiến lược của Hải quân Mỹ trên các chiến trường đại dương và khu vực địa chiến lược thế giới. Nhiệm vụ và đối tượng tác chiến của 2 nhánh hệ thống máy bay tiêm kích phòng không chiến lược này qui định các nguyên lí thiết kế của chúng.

Hệ thống vũ khí đánh chặn đường không chiến lược phòng thủ lục địa của ADC Mỹ có nhiệm vụ chiến đấu trọng yếu là tiêu diệt lực lượng máy bay tấn công chiến lược của Liên Xô trước khi chúng mang vũ khí hạt nhân tới không phận lục địa Mỹ từ hướng Bắc Băng Dương qua ngả Canada hay từ phía Đại Tây Dương qua bờ đông lục địa Mỹ. Tương tự cách tiếp cận nguyên lí thiết kế đồng bộ hệ thống và nguyên lí thiết kế phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu của hệ thống vũ khí đánh chặn đường không PVO-Strany Liên Xô, ADC cũng phát triển các hệ thống vũ khí WS (Weapon System) chuyên nhiệm phòng không chiến lược bao gồm các tổ hợp máy bay tiêm kích mang tên lửa đối không và hệ thống chỉ huy dẫn đường mặt đất đồng bộ cho hoạt động chiến đấu của máy bay tiêm kích mang tên Mạng chỉ huy dẫn đường mặt đất bán tự động SAGE (Semi-Automatic Ground Environment).

Tuy nhiên, ở cách giải quyết vấn đề cụ thể thuộc hạ tầng kĩ thuật hệ thống đánh chặn đường không thì ADC Mĩ lại tỏ ra khác biệt so với PVO-Strany Liên Xô ở việc tập trung đầu tư phát triển các vành đai radar cảnh giới (Radar Warning Line) liên hoàn và phát triển các tổ hợp vũ khí đối không đa dạng trang bị cho hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược.

Biên đội máy bay tiêm kích đánh chặn chiến lược F-106 của USAF ADC đang bay tuần phòng .

Với tổng cộng 3 vành đai radar cảnh giới đặt trên lục địa Bắc Mỹ (vành đai Pinetree Line chạy dọc vĩ tuyến bắc 50, vành đai Mid-Canada Line chạy dọc vĩ tuyến bắc 55 và vành đai DEW-Distant Early Warning Line chạy dọc Vòng cực bắc) và 1 vành đai radar cảnh giới đặt trên thềm lục địa (vành đai Nhà giàn Texas – Texas Towers) kết hợp với máy bay cảnh giới đường không EC-121/RC-121 hoạt động dọc bờ đông lục địa Bắc Mỹ, ADC Mỹ đã thiết lập được hệ thống cảnh giới đường không tầm xa liên hoàn và khá hoàn thiện trước lực lượng máy bay tấn công chiến lược Xô Viết. Đây được coi là một dạng vạn lí trường thành điện từ thời hiện đại nhằm phục vụ nhiệm vụ phòng thủ không phận Bắc Mỹ. Bên cạnh yếu tố địa chiến lược thuận lợi do cách biệt đại dương thì việc hoàn thiện vành đai cảnh giới đường không tầm xa cho phép ADC Mỹ tập trung nguồn lực phát triển hệ thống máy bay tiêm kích phòng không chiến lược tầm trung tương ứng với loại tiêm kích đánh chặn phòng thủ điểm và tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đối không vòng ngoài của Liên Xô.

Biên đội máy bay tiêm kích đánh chặn mang tên lửa đối không F-102 thuộc Bộ tư lệnh Phòng không Không quân Mỹ .
 

ADC Mỹ có các hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn mang các tổ hợp tên lửa đối không có hoặc không điều khiển, cùng pháo phản lực đối không và pháo đối không bắn nhanh trang bị trong thập niên 1950 và 1960 thường được gọi là Nhóm hàng trăm (Century Series), bao gồm các loại tiêm kích đánh chặn chiến lược đánh số chẵn như F-102 và F-106. Các hệ thống tiêm kích đánh chặn mang tên lửa này được Bộ tư lệnh phòng thủ Bắc Mĩ - ADC bố trí thành cụm phòng không chạy dọc theo các vành đai radar cảnh giới với tầm phòng thủ từ 600km tới 800km - bằng khoảng cách từ vành đai bố trí tới vành đai tuyến trước thuộc vĩ độ cao hơn ở hướng bắc. Khi phát hiện máy bay tấn công xâm nhập, máy bay tiêm kích đánh chặn thuộc cả 2 cụm sẽ được hệ thống SAGE chỉ huy dẫn đường tự động để tiến hành chặn kích và truy đuổi tùy theo vị trí xuất kích tương đối so với mục tiêu.

Để hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn cụm máy bay tấn công chiến lược của đối phương, 2 hệ thống máy bay tiêm kích phòng không chiến lược nêu trên của ADC đều được trang bị đạn tên lửa đối không có điều khiển hoặc không điều khiển mang loại đầu nổ hạt nhân duy nhất trên thế giới, cũng như các tổ hợp pháo phản lực bắn loạt đối không và pháo đối không bắn nhanh. Hệ thống tiêm kích chiến lược F-102 được trang bị tổ hợp tên lửa đối không mang đầu nổ hạt nhân AIM-26, tổ hợp tên lửa đối không có điều khiển tầm ngắn AIM-4 và tổ hợp pháo phản lực đối không bắn loạt Mk-4 nhằm tăng hiệu suất diệt máy bay.

Trong khi đó hệ thống tiêm kích chiến lược F-106 ngoài các tổ hợp tên lửa đối không của F-102 còn được trang bị tổ hợp đạn tên lửa không điều khiển mang đầu nổ hạt nhân AIR-2A và thay tổ hợp pháo phản lực đối không bắn loạt Mk-4 bằng tổ hợp pháo đối không bắn nhanh nhiều nòng M61 Vulcan. Việc trang bị vũ khí đối không mang đầu nổ hạt nhân (tổ hợp tên lửa và tổ hợp đạn rocket) và vũ khí đối không không điều khiển (tổ hợp pháo phản lực bắn loạt và tổ hợp pháo đối không bắn nhanh) cho các hệ thống tiêm kích chiến lược F-102 và F-106 tạo ra sự khác biệt trong cách tiếp cận nguyên lí thiết kế hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược tầm trung của ADC Mỹ so với các hệ thống máy bay tiêm kích phòng không chiến lược đã chuyển sang chuyên dùng tên lửa đối không có điều khiển của PVO-Strany Liên Xô.

Ngoài các hệ thống tiêm kích đánh chặn chiến lược tầm trung đã được đưa vào trang bị nêu trên, USAF còn chú ý phát triển hệ thống tiêm kích đánh chặn tầm xa WS-202A ngay từ nửa cuối thập niên 1950 với Dự án máy bay tiêm kích đánh chặn tầm xa thí điểm LRI,X (Long Range Interceptor Experimental). Tháng 6/1957, hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn tầm xa thí điểm XF-108 được USAF giao cho hãng công nghiệp hàng không North America phát triển. XF-108 là máy bay tiêm kích đánh chặn tầm xa kiêm hộ tống chiến lược có tổ lái 2 người với tốc độ đạt ngưỡng Mach 3, trần bay tối đa trên 24.000m và có khả năng tăng tầm bay đường dài nhờ tiếp liệu trên không. Bên cạnh các tổ hợp vũ khí đường không không có điều khiển như pháo đối không bắn nhanh 20mm và pháo phản lực bắn loạt đối không 70mm MK-4, hệ thống WS-202A được trang bị hệ thống khí tài trinh sát-dẫn bắn tích hợp gồm radar xung đốp lơ tầm xa AN/ASG-18 và thiết bị quét bám hồng ngoại cùng tổ hợp tên lửa có điều khiển tầm xa AIM-47.

Tháng 9/1959, để khơi dòng ngân sách ưu tiên cho các dự án hệ thống tên lửa đường đạn chiến lược đang phát triển, USAF đã bỏ ngang khi hệ thống XF-108 vẫn còn trong giai đoạn chế tạo khung mẫu để chuyển sang phát triển dự án máy bay tiêm kích đánh chặn tầm xa AF-12 là phiên bản tiêm kích của máy bay trinh sát chiến lược A-12. Hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn AF-12 có tổ lái 2 người, tốc độ tối đa tới ngưỡng Mach 3.3, trần bay tới 27.000m, tầm bay 4.000km và sử dụng hệ thống vũ khí, khí tài phát triển cho XF-108 gồm tổ hợp radar AN/ASG-18 và tổ hợp tên lửa đối không có điều khiển tầm xa AIM-47. Tuy nhiên cũng giống như XF-108, hệ thống tiêm kích đánh chặn chiến lược thí điểm AF-12 cuối cùng cũng bị hủy bỏ vào tháng 1/1968 vì phải dành ngân sách quốc phòng cho chiến phí tại Việt Nam và USAF chuyển trọng tâm sang tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đường đạn thay vì phát triển hệ thống phòng không chiến lược.

Mẫu thử nghiệm YF-12A thuộc hệ thống máy bay tiêm kích đánh chặn tầm xa AF-12 (Photo of www.wvi.com).

Như vậy là tính tới thời điểm bắt đầu các dự án hệ thống vũ khí đánh chặn đường không cao tầng S-155 (tổ hợp máy bay tiêm kích đánh chặn-tên lửa đối không tầm trung Mig-25-40) và dự án hệ thống vũ khí đánh chặn đường không đa tầng S-155M (tổ hợp máy bay tiêm kích đánh chặn-tên lửa đối không tầm xa Mig-31-33) của PVO Liên Xô được thông qua vào các năm 1962 và 1968, thì các dự án phát triển hệ thống tiêm kích đánh chặn chiến lược có nguyên lí thiết kế tương ứng của ADC Mỹ đã chính thức bị hủy bỏ vì nhiều lí do khác nhau xoay quanh ngân sách và ưu tiên. Từ thập niên 1970 trở về sau, USAF ADC không có các hệ thống máy bay tiêm kích phòng không tầm xa đúng nghĩa như PVO-Strany Liên Xô, nhưng phần tổ hợp vũ khí-khí tài đối không chiến lược của nó đã được điều chỉnh thích ứng với hệ thống tiêm kích chiến lược thuộc các CVBG Hải quân Mỹ.

Mẫu đạn tên lửa đối không tầm xa phát triển cho USAF XAIM-47A (trái) và mẫu đạn tên lửa đối không tầm xa XAIM-54A (phải) phát triển cho máy bay tiêm kích USN từ XAIM-47A (Photo of Hughes).

Hệ thống vũ khí đánh chặn đường không chiến lược phòng thủ CVBG

Hải quân Mỹ từ lâu đã chú ý phát triển các Nhóm tác chiến tàu sân bay CVBG để giữ vai trò cơ động chiến lược và tung phóng lực lượng chiến đấu thường trực của mình trên các chiến trường đại dương thế giới. Giai đoạn Chiến tranh lạnh, Hải quân Mỹ xác định chiến trường đại dương trọng điểm là Đại Tây Dương - nơi dự kiến diễn ra các cuộc chiến ngăn chặn và chống ngăn chặn đường biển qui mô lớn giữa hai liên minh quân sự đối đầu nhằm chiếm quyền khống chế chiến trường Tây Âu.

Để đảm bảo sự tồn tại và hoạt động của các CVBG nhằm làm chủ chiến trường đại dương trọng điểm này khi phát sinh khủng hoảng, Hải quân Mỹ cần phải có lực lượng máy bay tiêm kích hải quân đủ khả năng bảo vệ CVBG trước các vũ khí tấn công chế áp lực lượng (counter-force) đường không và đường biển của đối phương. Đây là loại máy bay tiêm kích phòng thủ hạm đội (Fleet Defence Fighter) giữ nhiệm vụ chiến đấu trọng yếu là phòng chống máy bay tấn công đường biển chiến lược tầm trung xa của đối phương tới tấn công CVBG, đồng thời có khả năng tham gia các loại chiến dịch đường không phục vụ lực lượng hải quân viễn chinh.

Biên đội máy bay tiêm kích phòng thủ hạm đội F-4B Phantom II đang áp tải máy bay trinh sát đường biển chiến lược Tu-142 của Hải quân Liên xô ra khỏi khu vực triển khai tàu sân bay Kitty Hawk CVA-63 (ảnh sưu tầm).
 

Vì phải tham gia hàng loạt các nhiệm vụ từ cấp độ chiến lược như tuần phòng chiến đấu đối không tầm xa bảo vệ hạm đội BARCAP (Barrier Combat Air Patrol), tới cấp chiến thuật như tuần phòng chiến đấu đối không kiêm chế áp phòng không CAP/Strike (Combat Air Patrol/Strike), tuần phòng hộ tống cường kích FORCAP (Force Combat Air Patrol), tuần phòng hộ tống máy bay phục vụ chiến dịch đường không chuyên nhiệm HAVCAP (High Asset Value Combat Air Patrol và tuần phòng chiến đấu chống tiêm kích phòng không đối phương trên đỉnh mục tiêu TARCAP (Target Combat Air Patrol), máy bay tiêm kích phòng thủ hạm đội được thiết kế theo nguyên lí hệ thống vũ khí đa nhiệm đối không bố trí trên tàu sân bay, với sự đồng bộ giữa hệ thống tiêm kích đánh chặn mang tên lửa đối không có điều khiển tầm trung xa và mạng trinh sát-dẫn đường trung tâm từ tàu sân bay, từ các tàu hộ vệ phòng không và máy bay cảnh giới-chỉ huy-dẫn đường hải quân.

Máy bay tiêm kích phòng thủ hạm đội F-4B Phantom II thuộc Phi đoàn tiêm kích VF-114 đang áp tải máy bay chỉ thị mục tiêu đường biển Tu-16 của Hải quân Liên xô ra khỏi khu vực triển khai CVBG (ảnh sưu tầm).
 

Vì phải tham gia hàng loạt các nhiệm vụ từ cấp độ chiến lược như tuần phòng chiến đấu đối không tầm xa bảo vệ hạm đội BARCAP (Barrier Combat Air Patrol), tới cấp chiến thuật như tuần phòng chiến đấu đối không kiêm chế áp phòng không CAP/Strike (Combat Air Patrol/Strike), tuần phòng hộ tống cường kích FORCAP (Force Combat Air Patrol), tuần phòng hộ tống máy bay phục vụ chiến dịch đường không chuyên nhiệm HAVCAP (High Asset Value Combat Air Patrol và tuần phòng chiến đấu chống tiêm kích phòng không đối phương trên đỉnh mục tiêu TARCAP (Target Combat Air Patrol), máy bay tiêm kích phòng thủ hạm đội được thiết kế theo nguyên lí hệ thống vũ khí đa nhiệm đối không bố trí trên tàu sân bay, với sự đồng bộ giữa hệ thống tiêm kích đánh chặn mang tên lửa đối không có điều khiển tầm trung xa và mạng trinh sát-dẫn đường trung tâm từ tàu sân bay, từ các tàu hộ vệ phòng không và máy bay cảnh giới-chỉ huy-dẫn đường hải quân.

Thứ hai, hệ thống tiêm kích chiến lược Hải quân Mỹ được trang bị các tổ hợp tên lửa đối không-khí tài đường không có khả năng trinh sát, phát hiện và đánh chặn mục tiêu ở tầm phóng trung xa mang đầu nổ thông thường tương tự hệ thống tiêm kích chiến lược tuần phòng chiến đấu đối không tầm xa của Liên Xô. Nếu như vũ khí đối không chính của hệ thống F-4 Phantom II là tổ hợp tên lửa tầm trung dẫn radar bán chủ động AIM-7E Sparrow, thì tới F-14 Tomcat là tổ hợp tên lửa tầm xa tự dẫn radar chủ động AIM-54 Phoenix và F/A-18E/F là tổ hợp tên lửa tầm trung xa tự dẫn radar chủ động AIM-120 AMRAAM.

So với hệ thống tiêm kích chiến lược Mig-31 của PVO-Strany Liên Xô, hệ thống tiêm kích phòng thủ hạm đội F-14 Tomcat mang tổ hợp tên lửa đối không tầm xa tự dẫn radar chủ động AIM-54 Phoenix (và dự án máy bay tiêm kích phòng thủ hạm đội bị hủy bỏ trước đó là F-111B) có rất nhiều nét tương đồng từ trọng tâm nhiệm vụ chiến lược chống máy bay tấn công mang tên lửa hành trình tầm xa như đã nêu ở phần trên, tới những nguyên lí thiết kế tổ hợp vũ khí, khí tài đường không tầm xa cụ thể. Tuy nhiên, các hệ thống máy bay tiêm kích phòng thủ hạm đội của CVBG Mĩ không được trang bị các tổ hợp tên lửa đối không tự dẫn hồng ngoại tầm trung phóng cặp với tổ hợp tên lửa đối không dẫn radar chủ động hoặc bán chủ động như các hệ thống tiêm kích chiến lược tương tự của Liên Xô.

Máy bay tiêm kích phòng thủ hạm đội F-14A Tomcat mang đầy đủ cơ số đạn tên lửa đối không tầm xa AIM-54A theo cấu hình tuần phòng đối không (Photo of US DOD).
Máy bay tiêm kích phòng thủ hạm đội F-111B bản thử nghiệm mang tên lửa đối không tầm xa AIM-54A theo cấu hình tuần phòng đối không (ảnh sưu tầm).
 

Học thuyết quân sự và vai trò của hệ thống vũ khí phòng thủ chiến lược đường không

Với tính cách hệ thống các quan điểm được ban hành hoặc thừa nhận chính thức của nhà nước và quân đội về bản chất của chiến tranh và phương thức tiến hành chiến tranh, về việc chuẩn bị mọi mặt của đất nước và quân đội cho chiến tranh, học thuyết quân sự Liên Xô và Liên bang Nga giữ vai trò chủ đạo quyết định quá trình hình thành và phát triển hệ thống tiêm kích chiến lược Mig-31.

Máy bay tiêm kích phòng thủ hạm đội F-14A Tomcat không rõ đơn vị biên chế đang áp tải máy bay tấn công đường biển tầm trung Tu-22M của Hải quân Liên xô ra khỏi khu vực triển khai CVBG (ảnh sưu tầm).

Học thuyết quân sự Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay là bộ phận chỉ đạo thực tiễn nằm trong chiến lược quân sự nhằm xác định đối tượng tác chiến, mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược cho quân đội và nhà nước liên bang trong chiến tranh và chuẩn bị chiến tranh, lập kế hoạch tác chiến chiến lược, tổ chức và triển khai quân đội trên các chiến trường tác chiến chiến lược, chỉ đạo việc chuẩn bị phương thức tác chiến và phát triển các hệ thống vũ khí, khí tài phục vụ phương thức tác chiến đó. Học thuyết quân sự Xô Viết và Nga được xây dựng dựa trên đường lối chính trị và đường lối quân sự của nhà nước, bao gồm 2 yếu tố cấu thành là chính trị - quân sự và kĩ thuật - quân sự, trong đó yếu tố chính trị - quân sự có trước và quyết định yếu tố kĩ thuật - quân sự của học thuyết.

Các hệ thống vũ khí nói chung, hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược Mig-31 nói riêng được thiết kế và phát triển là nhằm phục vụ học thuyết quân sự trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Thông thường, các chương trình nghiên cứu, chế tạo và triển khai hệ thống vũ khí mới hoặc nghiên cứu nâng cấp hệ thống vũ khí hiện thời cho phù hợp với học thuyết quân sự ở Liên xô trước đây diễn ra theo từng chu kì từ 10 tới 12 năm. Quá trình nghiên cứu phát triển hệ thống vũ khí mới hoặc nghiên cứu nâng cấp hệ thống vũ khí đang được trang bị nhằm phục vụ học thuyết được thực hiện theo một qui trình chặt chẽ nhằm đảm bảo sự lãnh đạo chính trị đối với việc phát triển kĩ thuật quân sự.

Quá trình nghiên cứu phát triển và trang bị hệ thống vũ khí, khí tài mới bắt đầu bằng việc Bộ tổng tham mưu quân đội Liên xô cân nhắc các khía cạnh về đường lối chính trị quân sự được thể hiện trong học thuyết quân sự hiện hành nhằm xác định các nguy cơ an ninh quân sự toàn cầu liên quan tới lợi ích cần bảo vệ của Liên Xô và hệ thống các xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô, xác định các kẻ thù xâm lược hay xâm hại lợi ích tiềm năng, bản chất và hình thức của các cuộc chiến tranh hay xung đột vũ trang với các kẻ thù tiềm năng liên quan tới lợi ích quốc gia và ý thức hệ cần bảo vệ, qua đó định hướng các nguyên tắc chỉ đạo về phương pháp và trang bị vũ khí phục vụ nhiệm vụ đánh thắng các cuộc chiến tranh hay xung đột quân sự với kẻ thù tiềm năng nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Trên cơ sở định hướng nguyên tắc chỉ đạo của Bộ tổng tham mưu, các quân binh chủng lực lượng vũ trang Liên xô tiến hành điều chỉnh kế hoạch tác chiến, cơ cấu tổ chức lực lượng và trang bị vũ khí, khí tài nhằm thực hiện chức năng và hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu được phân công.

Trong bước này, các quân binh chủng phối hợp với các viện nghiên cứu kĩ thuật quân sự và phòng thiết kế vũ khí để xác định yêu cầu cụ thể về trang bị hệ thống vũ khí, khí tài mới và nâng cấp hệ thống vũ khí, khí tài hiện hữu theo nội dung nhiệm vụ, kế hoạch tác chiến đã được điều chỉnh. Tổng hợp yêu cầu trang bị hệ thống vũ khí, khí tài mới và nâng cấp từ các quân, binh chủng báo cáo lên, Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô lập kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống vũ khí phục vụ yêu cầu nhiệm vụ theo học thuyết quốc phòng mới để chuyển Hội đồng quốc phòng (Tổng bí thư ĐCS Liên Xô là chủ tịch và các thành viên gồm Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban an ninh nhà nước, Bộ trưởng nội vụ, Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng) phê duyệt trước khi trình Bộ Chính trị Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô quyết định thông qua. Trong trường hợp chỉ nâng cấp hoặc chuyển đổi riêng rẽ chức năng hệ thống vũ khí, khí tài hiện hữu cho phù hợp với các điều chỉnh học thuyết quân sự, Hội đồng quốc phòng Liên Xô (tên gọi chính thức được biết tới từ năm 1976 trong quá trình chuẩn bị dự thảo Hiến pháp 1977) sẽ là cơ quan ra quyết định. Hệ thống vũ khí đánh chặn đa tầng S-155M mà hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược Mig-31 là một cấu phần được cho phép phát triển và trang bị chính bằng cách thức thứ hai vừa nêu.

Máy bay tiêm kích chiến lược Mig-31BS của PVO-Strany bay tuần phòng chiến đấu đối không (photo of www.aeroflight.co.uk).
 

Tại Liên Xô, học thuyết quân sự hầu như không được ban hành mới khi có sự thay đổi về lãnh đạo chính trị, mà thay bằng việc bổ sung, điều chỉnh học thuyết quân sự hiện có theo đường lối quân sự chính trị của đội ngũ lãnh đạo chính trị nhiệm kì mới. Điều này có ưu điểm là đảm bảo tính kế thừa, liên tục và nhất quán của học thuyết, nhưng có nhược điểm là duy trì sự bảo thủ và sức ỳ của học thuyết khi nhận thức về đường lối quân sự của vị trí lãnh đạo chính trị tối cao chưa được thay đổi. Chừng nào vị trí lãnh đạo chính trị tối cao chưa bị thay thế do đấu tranh chính trị nội bộ hoặc do qua đời vì ốm đau, bệnh tật thì giới lãnh đạo quân sự Liên Xô phải có các chiêu để phần kĩ thuật - quân sự của học thuyết không bị phần chính trị - quân sự được xem là đã lỗi thời của học thuyết trói chặt. Một trong những chiêu hiệu quả nhắm tới mục đích này là dùng lí luận chiến lược quân sự để tác động ngược một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tới đường lối quân sự. Sự ra đời của hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược Mig-31 trong hệ thống vũ khí đánh chặn đa tầng S-155M được xem là hệ quả của cách tiếp cận này với vai trò không thể phủ nhận của chiến lược gia quân sự Xô Viết – nguyên soái Liên Xô Vasiliy Danilovitch Sokolovskiy.

Hệ thống vũ khí phòng thủ đường không chiến lược được thiết kế và phát triển là nhằm phục vụ học thuyết quân sự Xô Viết và Nga trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Học thuyết quân sự Xô Viết được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng tư tưởng tiến công nhằm đạt chiến thắng quyết định cục diện chiến tranh. Tuy vậy, khía cạnh phòng thủ trong học thuyết không phải vì thế mà bị xem nhẹ. Học thuyết quân sự Xô Viết xác định tính chất phòng thủ theo 2 bối cảnh có liên hệ chặt chẽ với nhau là phòng thủ trong bối cảnh tiến công và phòng thủ trong bối cảnh bị tiến công, trong đó nhấn mạnh tới sự xuất hiện, sở hữu và sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cả ở cấp độ chiến thuật lẫn chiến lược của các bên tham chiến.

Hệ thống vũ khí phòng thủ đường không chiến lược được thiết kế cho nhiệm vụ phòng thủ chiến lược bao gồm: hệ thống chỉ huy tác chiến phòng không chiến lược, hệ thống trinh sát cảnh báo bị tấn công đường không chiến lược, hệ thống vũ khí phòng không chiến lược mặt đất và hệ thống vũ khí phòng không chiến lược trên không. Các hệ thống vừa nêu tạo thành thế trận phòng không hợp nhất và liên hoàn nhằm giúp Liên Xô loại bỏ mọi uy hiếp và chống lại nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt tầm xa của lực lượng tấn công chiến lược đối phương.

Máy bay tiêm kích chiến lược Mig-31B bay tuần phòng chiến đấu đối không (ảnh sưu tầm).
 

Là một bộ phận cấu thành hệ thống phòng không hợp nhất nói chung, hệ thống phòng thủ đường không chiến lược nói riêng, các hệ thống máy bay tiêm kích chiến lược được phát triển phù hợp với học thuyết quân sự đương thời trong tổng thể hệ thống vũ khí phòng không chiến lược trên không nhằm thực hiện các nhiệm vụ đánh chặn nhiều tầng, nhiều lớp chống lực lượng máy bay tấn công mang vũ khí hủy diệt hàng loạt của đối phương từ tầm xa để bảo vệ các mục tiêu chiến lược nằm sâu trong lãnh thổ Liên Xô và tại các chiến trường tác chiến chiến lược trên bộ hay trên biển.

(còn tiếp)

TPO tổng hợp

Theo Tổng hợp