Mục tiêu và thực tế
Khi phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu đưa dự án vào khai thác cuối năm 2025. Nhưng hiện gói thầu chính và lớn nhất dự án là nhà ga hành khách (hơn 35.000 tỷ đồng) vẫn chưa chọn được nhà thầu.
Gói thầu trên được Tổng công ty Cảng hàng không (ACV - chủ đầu tư) mời thầu quốc tế lần đầu từ tháng 9/2022, hiện trong thời gian mời thầu lần 2, dự kiến đóng thầu cuối tháng 3 này. Riêng 2 lần mời thầu đã mất 6 tháng, nhưng chưa tìm được nhà thầu do điều kiện chào thầu lần 2 vẫn cơ bản được giữ như lần 1 (thời gian thực hiện 33 tháng, đơn giá, thanh tra, kiểm toán…).
Trong kiến nghị gửi ACV mới đây, Tập đoàn Xây dựng DELTA tính toán, với tiến độ thực hiện gói thầu thi công nhà ga 33 tháng theo hồ sơ mời thầu là không khả thi. Nhà thầu đề xuất chủ đầu tư tăng thời gian thực hiện gói thầu lên 40 tháng. Nhà thầu cho rằng, gói thầu gồm cả thiết kế kỹ thuật, thi công, lắp đặt thiết bị, vận hành thử, trong khi khu vực thi công dự án có mưa nhiều (mùa mưa thường kéo dài 5-6 tháng/năm), làm ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu. Các kiến nghị tương tự cũng được một số nhà thầu trong và ngoài nước gửi tới ACV.
Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, mục tiêu khai thác cuối năm 2025. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó ACV làm chủ đầu tư Dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu), tổng mức đầu tư hơn 98.500 tỷ đồng, ACV tự thu xếp vốn. Gói thầu thi công nhà ga hành khách thuộc Dự án thành phần 3, tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng, dự kiến ngày 28/3 sẽ chấm thầu lần 2.
Sau khi ghi nhận ý kiến của các nhà thầu, đơn vị tư vấn, ACV đã có văn bản kiến nghị cấp thẩm quyền lùi thời gian hoàn thành Dự án sân bay Long Thành từ năm 2025 sang năm 2026. Đây là cơ sở để ACV điều chỉnh thời gian thực hiện gói thầu thi công nhà ga từ 33 lên 39 tháng, đảm bảo tính khả thi (trong đó có 36 tháng thi công và 3 tháng vận hành thử).
Yêu cầu làm rõ cơ sở khoa học
Sau kiến nghị lùi thời gian thực hiện Dự án thành phần 3 sân bay Long Thành sang năm 2026 của ACV, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì họp với các bên liên quan. Kết luận cuộc họp, ông Thắng đánh giá, công tác đấu thầu chọn nhà thầu thi công nhà ga hành khách tới nay chậm tiến độ, ảnh hưởng quyết định tới thời điểm đưa sân bay vào khai thác (dự kiến năm 2025).
Trên cơ sở kiến nghị của ACV tăng thời gian thực hiện gói thầu thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành từ 33 tháng lên 39 tháng, lãnh đạo Bộ GTVT nhận định: “Để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn thi công, đề xuất của ACV kéo dài thời gian thực hiện gói thầu trên là cần thiết”. Để kịp thời báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT yêu cầu ACV khẩn trương hoàn thiện báo cáo, làm rõ nguyên nhân, bổ sung cơ sở khoa học, đảm bảo khả thi.
Ông Thắng cũng yêu cầu ACV tăng cường năng lực quản lý của Ban quản lý dự án; thuê tư vấn nước ngoài hỗ trợ quản lý dự án; chủ động xây dựng các cơ chế đặc thù (nếu cần thiết) để kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét chấp thuận.
Trong văn bản vừa gửi Bộ GTVT và ACV, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, việc lùi tiến độ hoàn thành dự án sân bay Long Thành sang năm 2026 là phù hợp. Bộ này đề nghị ACV rà soát, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan dẫn tới kéo dài dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét.
Ngày 10/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về triển khai đấu thầu thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phối hợp các cơ quan liên quan xem xét báo cáo của ACV về đấu thầu tìm nhà thầu thi công nhà ga hành khách; tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền về tiến độ khi tổng thể dự án đã chậm. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thời gian thực hiện gói thầu thi công nhà ga tăng lên 39 tháng được nhà thầu, đơn vị tư vấn có ý kiến là có cơ sở, phù hợp với quy mô và tính chất kỹ thuật của công trình, tiến độ các dự án thành phần khác. Bộ GTVT cũng được giao đánh giá việc cho phép gói thầu thi công nhà ga trong thời gian 39 tháng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, điều kiện để các nhà thầu quốc tế tham gia, báo cáo Thủ tướng.