Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết thông tin trên khi báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát các khu công nghiệp, khu kinh tế yếu kém.
Đây là đề nghị của các địa phương cho 4 dự án lớn, gồm dự án lọc dầu Vũng Rô tại khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên; dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, thuộc khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định và hai dự án tại khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi là dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất và dự án nhiệt điện Sembcorp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, mỗi dự án, các tỉnh này đề nghị hỗ trợ tới hàng ngàn tỷ đồng. Nhu cầu hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng như vậy là rất lớn, vượt quá khả năng cân đối hàng năm từ nguồn ngân sách trung ương trong chương trình hỗ trợ có mục tiêu cho các khu kinh tế.
Trên thực tế, các địa phương đề xuất như vậy là trên cơ sở căn cứ vào Quyết định 126 của Thủ tướng ban hành năm 2009, trong đó có nêu rõ nguyên tắc với các dự án lớn, có quy mô vốn trên 20.000 tỷ đồng, ở các khu kinh tế ven biển thuộc vùng có điều kiện khó khăn thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn xây dựng hạ tầng.
Trước khó khăn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện phương án xử lý khác, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương trên.
Theo đó, Ban chỉ đạo nên đề nghị các nhà đầu tư tự ứng tiền trước đền bù giải phóng mặt bằng. Sau đó, số tiền này sẽ được cơ quan quản lý chức năng trừ vào tiền thuê đất phải nộp cho Nhà nước. Nếu trường hợp tiền giải phóng mặt bằng ứng trước vượt quá tiền thuê đất thì số tiền dư còn lại sẽ được tính vào tổng mức đầu tư của dự án. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có thể ứng trước nguồn thu thuế nhà thầu và thuế VAT sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Trong số 4 dự án trên, dự án lọc dầu Nhơn Hội đã gây tranh cãi lớn nhất về cơ chế ưu đãi. Đây dự án FDI có tổng vốn lớn nhất từ trước tới nay, tới 22 tỷ USD và dự kiến còn nâng lên 30 tỷ USD sau 10 năm hoạt động, do Tập đoàn PTT của Thái Lan đầu tư. Tính tới thời điểm này, dự án đã xin hỗ trợ được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong cả đời dự án 30 năm kể từ khi có lợi nhuận, giảm 50% nhiều loại thuế khác.
Quy mô vốn thứ hai trong 4 dự án trên là lọc dầu Vũng Rô có vốn 3,2 tỷ USD của nhà đầu tư Technostar Management Ltd (Anh). Kế đến là dự án nhiệt điện Dung Quất của Tập đoàn Sembcorp đến từ Singapore có vốn đầu tư 2 tỷ USD, công suất 1.200 MW. Dự án mở rộng lọc dầu Dung Quất có vốn 1,8 tỷ USD là dự án duy nhất của nhà đầu tư trong nước - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, nhằm nâng công suất khai thác từ 6,5 lên 8,5 triệu tấn/năm.
Ngoài các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất,... các dự án lọc dầu còn được ưu đãi thuế nhập khẩu xăng dầu, như mức thuế 0% với sản phẩm lọc và hóa dầu, thuế nhập khẩu 7% đối với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hóa dầu. Trường hợp thuế nhập khẩu xăng dầu ở Việt Nam tăng quá các con số trên thì Nhà nước sẽ phải bù chênh lệch thuế lên tới hàng ngàn tỷ đồng.