Theo GS Tung, với môn Sử, học sinh sẽ không phải học từng cuộc chiến, sự kiện lịch sử cụ thể mà chương trình được thiết kế theo những mạch kiến thức xuyên suốt, tích hợp và phân cấp hướng tới phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.
Không học đi học lại sự kiện
Thưa ông, môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới có gì khác biệt so với chương trình cũ?
Toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Chương trình thay đổi cả về cấu trúc, nội dung và cả cách tổ chức dạy học. Chúng ta không truyền thụ kiến thức theo hướng một chiều, áp đặt mà làm sao dẫn dắt để học sinh thấy rằng việc tiếp nhận kiến thức là việc của các em.
Để hình thành, phát triển năng lực học sinh, trước hết chú trọng năng lực hiểu và sử dụng tư liệu. Đây là năng lực gốc, có ích cho nhiều ngành khoa học khác và trong cuộc sống. Ví dụ, khi học sinh nhận một thông tin, các em phải biết cách nhận diện được đâu là thật, đâu là giả. Ngoài ra, năng lực tái hiện quá khứ; năng lực phân tích, giải thích và đánh giá lịch sử và năng lực vận dụng những bài học lịch sử đó trong thực tiễn.
Mục tiêu của môn học trong chương trình mới làm sao giúp học sinh hiểu được bản chất của các sự kiện và quá trình lịch sử. Học sinh sẽ được hướng dẫn để hiểu bản chất của chiến tranh, hiểu được chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa để hướng tới những giá trị nhân văn, tốt đẹp, yêu hòa bình, tránh các cuộc chiến tranh, xung đột trong tương lai. Bởi chiến tranh bao giờ cũng để lại nỗi đau và nhiều
mất mát.
Cụ thể, cách bố trí chương trình xuyên suốt 12 năm học được sắp xếp lại thế nào, thưa GS?
Chương trình cũ, cấp 1, học từ lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới từ đầu cho đến ngày nay. Cấp 2 lại quay lại 1 vòng như thế, nhưng sâu hơn một chút; đến cấp 3 cũng vậy. Học đi học lại như vậy, học sinh sẽ rơi vào nhàm chán, không muốn học nữa.
Trong chương trình mới, ở cấp 1, lịch sử Việt Nam vẫn được giữ nguyên cấu trúc từ thời nguyên thủy đến ngày nay nhưng thay vì kể từ A-Z thì nay chúng ta chọn điểm. Ví dụ, học về lịch sử cổ đại, có thể chỉ giới thiệu 1 cái trống đồng. Giáo viên chiếu trống đồng lên màn hình, từ đó kể nhiều câu chuyện xung quanh trống đồng bao gồm: thời gian, văn hóa, địa lý, sản xuất... Đến giai đoạn lịch sử hiện đại có thể chỉ giới thiệu hình ảnh anh Kim Đồng, Vừ A Dính; Lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước chỉ giới thiệu đến Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… khuyến khích sự say mê, yêu thích của các em, rồi mới mở rộng dần thêm.
Ở cấp THCS, Lịch sử Việt Nam - Lịch sử Thế giới được đặt cạnh nhau để trong cùng một thời gian, học sinh hiểu được ở Việt Nam diễn ra những điều gì, thế giới ra sao. Hàm lượng kiến thức tương đối cơ bản nhưng ở giai đoạn này chương trình có sự tích hợp rõ nét giữa Lịch sử và Địa lý. Tuy nhiên, hai môn học đặt cạnh nhau với những luồng kiến thức gần gũi nhau để soi sáng, hỗ trợ nhau chứ chưa “trộn” lẫn vào nhau một cách nhuần nhuyễn. Duy chỉ có 4 chủ đề được gợi ý được bố trí vào 4 lớp cấp THCS là: phát kiến địa lý, đô thị, biển đảo Việt Nam và châu thổ sông Hồng và sông Mê Kông. Đây là những chủ đề mà nội dung Lịch sử và Địa lý có thể “trộn” lẫn, nhuần nhuyễn, giáo viên sử địa đều dạy được.
Riêng cấp THPT, chương trình được đổi mới hoàn toàn. Lịch sử Việt Nam, Lịch sử khu vực và thế giới được bố trí theo những chủ đề. Ví dụ, chủ đề về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử dân tộc. Nói như vậy, sẽ có hàng chục cuộc chiến tranh. Giáo viên có quyền lựa chọn khoảng 3-5 cuộc chiến để giới thiệu với học sinh, thông qua đó giúp học sinh tìm hiểu và nắm được những bài học có tính quy luật, xuyên suốt lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta... Hay các chủ đề có định hướng ứng dụng, hướng nghiệp như: sử học với bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử, phát triển du lịch...
Sẽ tích hợp liên môn Sử - Địa?
Như vậy, sắp tới sẽ có một cuốn sách giáo khoa tích hợp kiến thức liên môn Lịch sử và Địa lý, thưa GS?
Tích hợp sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý thành 1 cuốn hay 2 cuốn các chuyên gia còn phải bàn. Việc học tích hợp là cần thiết tuy nhiên cái khó là giáo viên chưa được đào tạo sư phạm dạy tích hợp. Giáo viên dạy Lịch sử lâu nay vẫn dạy Sử, nếu dạy cả Địa lý thì chưa yên tâm. Còn môn Lịch sử và Địa lý nhưng 2 người dạy thì cách đảm bảo chế độ, quyền lợi cho các thầy cô thế nào (trả lương, tính thi đua khen thưởng…).
Nói như vậy, thầy cô phải thay đổi như thế nào mới dạy học được chương trình Lịch sử mới?
Then chốt để giúp công cuộc đổi mới thành công vẫn là giáo viên. Bộ GD&ĐT, các trường sư phạm, chuyên gia phải tổ chức tập huấn cho giáo viên. Bản thân các thầy cô, khi đã chấp nhận mình làm nhà giáo thì phải nghĩ đó là nghề sáng tạo, tự nâng cao năng lực của mình, chấp nhận sự đổi mới chứ không thể soạn 1 cuốn giáo án dạy năm này qua năm khác. Nếu không, toàn bộ công cuộc đổi mới này sẽ là phiêu lưu, người trả giá sẽ là nhiều thế hệ học trò.
Xin cảm ơn ông!
“Chương trình không lựa chọn sự kiện, cuộc chiến nào mà học sinh được thoải mái tìm hiểu. Giáo viên cũng được tự lựa chọn các cuộc chiến trong một giai đoạn lịch sử nào đó để dạy học”.
GS Phạm Hồng Tung,
Chủ biên chương trình Lịch sử mới