Sếp nhờ mua quà xịn rồi toàn 'quên' trả tiền, thư ký trẻ cạn ví không dám đòi

TPO - Khó hay dễ cũng chỉ xuất phát từ cách nhìn của bạn. Với một số người, đòi tiền sếp thật ra lại dễ hơn đòi tiền bạn bè, vì người ta là sếp mà, là “đàn anh”, trừ khi ông ta có tính chày bửa về tiền bạc mới khó, chứ chỉ vì hay quên thì cũng dễ thôi.

Tiền nong đúng là chuyện rất tế nhị và khó nói đối với người Việt chúng ta, nhất là mối quan hệ giữa nhân viên và sếp càng dễ gây e ngại. Nhưng thực ra, sau những gì đã xảy ra trong câu chuyện Thư ký trẻ khốn khổ vì sếp toàn nhờ mua hộ quà xịn rồi 'quên' trả tiền, thì khó hay dễ cũng chỉ xuất phát từ cách nhìn của bạn. Với một số người, đòi tiền sếp thật ra lại dễ hơn đòi tiền bạn bè, vì người ta là sếp mà, là “đàn anh”, trừ khi ông ta có tính chày bửa về tiền bạc mới khó, chứ chỉ vì hay quên thì cũng dễ thôi.

Bạn hãy dẹp bớt tính e ngại, khi sếp rảnh có thể hỏi kiểu“món đồ hôm trước em mua có được không, em cứ lo chọn không đúng ý thủ trưởng”. Hoặc nếu những câu hỏi kiểu đó bạn thấy không phù hợp thì bạn nhớ giữ các hóa đơn, đợi lúc thuận tiện đưa cho sếp là xong.

Nếu bạn hay bị sếp nhờ mua đồ, mà lần nào cũng nhắc thì ngại, hãy tập hợp hết hóa đơn lại, chờ đến cuối tháng, tính tổng và đưa hết cho sếp một lần lúc sếp đang rảnh rỗi, hỏi sếp định thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản. Tôi nghĩ bạn không phải lo sếp có ác cảm với mình, thậm chí còn thấy cảm kích vì bạn đã nhắc ông ấy những việc ông ấy không nhớ. Bạn là thư ký, điều đó càng thuận lợi vì một trong các nhiệm vụ của bạn là nhắc sếp những việc sếp có thể quên cơ mà.