Chiều 19/10, tại cuộc họp báo Quý 3, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vụ việc ông Hoàng Quốc Hùng (Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia) cùng thuộc cấp bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ, bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan điều tra, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp để lãnh đạo, chỉ đạo, ổn định tình hình của Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia; đồng thời phân công một Phó giám đốc Trung tâm tạm thời điều hành hoạt động.
Theo bà Hà, Đảng ủy Bộ Tư pháp đã có quyết định đình chỉ chức vụ Bí thư Chi bộ, đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ công tác và đình chỉ chức vụ ông Hùng theo quy định.
Sau khi ông Hùng bị khởi tố, bà Hà cho hay, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường những đơn vị trực thuộc kiểm tra đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp có tính tự chủ, phân quyền tương đối; có giải pháp để trong thời gian tới kiểm soát chặt chẽ hoạt động, phòng ngừa vi phạm, sai sót trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó, Bộ sẽ có kế hoạch thanh tra toàn diện công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong năm 2023.
Còn bà Đỗ Thúy Lan, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia cho biết, cơ quan này cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đình Cảnh, Phó trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp. Đồng thời, đơn vị cũng đang cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
Trước đó, hồi cuối tháng 7/2023, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia Hoàng Quốc Hùng về tội “Nhận hối lộ”.
Bị khởi tố cùng tội với ông Hùng có ông Lương Nhân Hòa (Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia); Nguyễn Đình Cảnh (Phó Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia).
Riêng các bị can Nguyễn Xuân Thọ (Đại diện Văn phòng giao dịch Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Vicco); Phạm Quang Hậu (Cộng tác viên của Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Vicco) và Nguyễn Thị Ngọc (Chuyên viên Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội) bị khởi tố về tội “Đưa hối lộ”.
Theo Cơ quan An ninh điều tra, việc bắt khởi tố ông Hùng và đồng phạm nằm trong vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ”, xảy ra tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Long An và một số tỉnh thành khác.
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên cả nước. Trung tâm ngoài là đầu mối cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân, còn tiếp nhận là bộ phận một cửa các sở tư pháp.
Trước khi bị khởi tố, ông Hoàng Quốc Hùng từng thông tin trên báo chí, trung tâm hàng ngày phải giải quyết 2.000 - 3.000 hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp nhưng rất may khi tất cả đều xử lý tự động nên "nhanh, gọn". Thời hạn trả kết quả là 15 ngày, nhưng thường chỉ từ 5 - 7 ngày là trung tâm đã trả kết quả về cho các Sở Tư pháp để họ trả lại cho người dân.
Phiếu lý lịch tư pháp là giấy tờ chứng minh cá nhân có hay không có án tích. Người dân có thể đến Sở Tư pháp đề nghị cấp giấy xác nhận hoặc thực hiện trực tuyến. Tuy nhiên, sau khi đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc của địa phương, người dân vẫn phải gửi hồ sơ giấy qua bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền nộp.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức thời gian qua lạm dụng yêu cầu lý lịch tư pháp khi tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động. Một số tỉnh thành chưa giải quyết kịp thời nhu cầu cấp xác nhận khiến người dân bức xúc.
Nguyên nhân là các bộ ngành chưa cắt giảm quy định yêu cầu nộp giấy lý lịch tư pháp và chưa ứng dụng công nghệ thông tin để cấp trực tuyến cho người dân.