Sẽ ra sao khi nhiều hồ còn bỏ hoang?

TP - Thành phố Cần Thơ vừa khởi công xây dựng cụm hồ bơi có mái che lớn nhất ĐBSCL với tổng kinh phí hơn 254 tỷ đồng, trên diện tích 1,8 ha. Dự kiến hơn một năm nữa công trình mới hoàn thành để phục vụ Hội khỏe Phù Đổng, nhưng bây giờ, giới chuyên môn đã lo … cảnh đìu hiu.

Chi 254 tỷ đồng xây cụm hồ bơi lớn nhất ĐBSCL:

Sẽ ra sao khi nhiều hồ còn bỏ hoang?

Theo thiết kế, cụm hồ bơi có mái che Cần Thơ, diện tích xây dựng 8.161m2, diện tích sử dụng 13.130m2 với 1 bể thi đấu diện tích 1.340m2 và một bể khởi động diện tích 1.250m2. Ông Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Không chỉ phục vụ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2012 mà còn để tổ chức những sự kiện bơi lội lớn trong nước và ngoài nước, bên cạnh là nơi tập luyện, giải trí cho dân”. Vấn đề khai thác cụm hồ bơi thời “hậu hội khỏe” đã được đặt ra.

Theo ông Trần Chí Quân, GĐ Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 4 Cần Thơ, cuộc sống người dân ĐBSCL gắn với kênh rạch từ bé nên như một cách tự nhiên, không khát khao với môi trường nước nói chung và bơi lội nói riêng.

Bây giờ, nhiều kênh rạch bị ô nhiễm, nhu cầu về bơi lội trong hồ có tăng nhưng hạn chế ở chỗ hầu hết các gia đình chỉ cho con tập đến biết bơi, ít tập nâng cao. Còn bơi giải trí thì hầu như chưa xuất hiện ở ĐBSCL. Khu công viên nước đồ sộ ở Cần Thơ sau vài năm nhộn nhịp, mấy năm nay bỏ hoang và đang được tính toán chuyển đổi công năng là một ví dụ.

Hồ bơi của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đưa vào sử dụng đầu năm 2011, dài 25m, rộng 16m, công nghệ lọc tốt, là một trong những hồ bơi sạch và hoạt động xôm tụ ở Tây Đô. Theo anh Nguyễn Hoàng Giang, cựu vận động viên bơi lội có tiếng của Cần Thơ, người quản lý hồ bơi này, mỗi ngày hồ thu hút trung bình 100 khách bơi, mới chiếm 1/3 công suất thiết kế của hồ.

Chi phí hóa chất lọc, điện trung bình 20 triệu đồng/tháng. Với giá vé 10.000 đồng/lượt, việc kinh doanh hồ bơi này đủ trả công cho 5 nhân viên. Anh Giang nói: Kinh doanh hồ bơi khá bấp bênh, bởi chỉ cần xử lý nước không khéo, gây ngứa, viêm nhiễm là vắng khách ngay. Hồ càng lớn, xử lý nước càng khó và càng tốn kém. Nếu khai thác không tốt thu sẽ không đủ bù chi phí lọc nước, bảo dưỡng.

Ông Bùi Công Nguyện, Phó giám đốc Trung tâm VH-TD-TT quận Ninh Kiều kể, Cần Thơ từng có một hồ bơi khá hoành tráng ở đường 3/2 (quận Ninh Kiều), nhưng phải “dẹp tiệm” vì không chịu nổi chi phí khi giá nước tăng từ 700 đồng/m3 lên 3.000 đồng/m3. Về chi phí xây dựng Cụm hồ bơi có mái che Cần Thơ, ông Nguyện tỏ ra băn khoăn: Với thời tiết đặc thù ở ĐBSCL, làm mái che có cần thiết không?

Bởi theo ông Nguyện hồ bơi Phú Thọ ở TP Hồ Chí Minh xây tốn 13 tỷ đồng từng tổ chức thành công SEA Games 2003 và đang là nơi đăng cai nhiều giải bơi lội quốc tế mà vẫn không cần mái che. Hồ bơi của tỉnh Đồng Tháp phục vụ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2000, cũng không có mái che. Tỉnh Đồng Tháp đang dẫn đầu thể thao ĐBSCL, nhưng hồ bơi này nay khá vắng vẻ.

Ở TP Cần Thơ đã có 3 hồ bơi dịch vụ, trong đó có hồ bơi cỡ lớn của Quân khu 9, hầu hết đang trong cảnh đìu hiu, hoạt động không hết công suất.

Theo Báo giấy