Sẽ không lập thêm đại học

TP - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga (ảnh) nói như vậy khi trao đổi với PV Tiền Phong, trong bối cảnh nhiều trường ĐH, CĐ đang vật lộn tuyển sinh. Đặc biệt, khối dân lập và hệ trung cấp không còn nguồn để tuyển.

> Bộ GD&ĐT nói về nghịch lý gửi giấy mời nhập học

Một số người cho rằng, trường đại học khó tuyển sinh là do có quá nhiều trường. Xin ông cho biết ý kiến?

Không phải có quá nhiều trường mà dẫn tới thực trạng đó. Khi làm điểm sàn Bộ GD&ĐT đã tính đến số lượng thí sinh dư dôi nhiều để nếu đầy trường này thì thí sinh dịch chuyển sang trường khác theo nguyên tắc bình thông nhau.

Theo tính toán, các trường có nguồn dư để tuyển rất dồi dào:1,5 triệu thí sinh dự thi; 550.000 chỉ tiêu và nguồn tuyển trên điểm sàn là 700.000-800.000 thí sinh.

Vậy nên, thí sinh có vào học hay không là chuyện khác: trường không đủ uy tín, trường ở xa trung tâm, thí sinh không muốn đến học, trường dân lập học phí cao…

Tân SV ĐH KH Tự nhiên (ĐHQG HN) làm thủ tục nhập học.

Tỉnh nào cũng có trường ĐH, thậm chí một số tỉnh có vài ba trường. Bởi vậy, ĐH địa phương phải dùng đủ chiêu trò để tuyển đủ người học…

Không phải quá nhiều trường ĐH, Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ các trường địa phương bằng cách mở rộng diện xét tuyển thí sinh 62 huyện nghèo không cần thi có thể vào học thẳng để giúp họ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Tới giờ phút này chưa có thông tin họ không tuyển đủ vì thời gian tuyển sinh còn dài.

Có trường ĐH dân lập nọ, hàng năm chỉ tuyển được mấy chục người, năm nay đã phải thuê người tuyển giúp và trích “nóng” luôn 25% chi cho người tuyển để mong có thí sinh mà cũng đang nguội dần hy vọng?

Trường khó tuyển như ĐHDL Hà Hoa Tiên năm ngoái cũng có tiến bộ hơn năm kia vì họ đã tính toán cách đào tạo thêm hệ khác là CĐ và trung cấp chuyên nghiệp (trung cấp) rồi phát triển dần lên.

Dư luận xã hội rất băn khoăn vì Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo từ trung cấp liên thông lên ĐH. Có phải ĐH nào cũng được làm thế không?

Những trường đào tạo hệ ĐH, CĐ bình thường đều có quyền được đào tạo liên thông. Nếu đào tạo từ trung cấp lên CĐ hoặc từ CĐ lên ĐH thì tất cả các trường được làm bình thường; nếu đào tạo “nhảy bậc” từ trung cấp lên thẳng ĐH thì phải xin phép Bộ GD&ĐT. Hiện nay Bộ chỉ cấp phép hơn 10 trường đào tạo nghề liên thông lên ĐH và số trường ĐH đào tạo hệ trung cấp ngày càng giảm.

Cho ĐH đào tạo trung cấp thì các trường trung cấp còn đâu nguồn tuyển?

Một ĐH ở TP HCM chỉ tuyển thí sinh quanh khu vực TP HCM chứ có thí sinh nào từ TP đến các địa phương khác để học đâu? Nói tóm lại, nếu có tuyển trung cấp thì cũng chỉ tuyển sinh trên địa bàn chứ không ảnh hưởng trường khác.

Thời gian tuyển sinh năm nay quá dài, đến 30-11, có làm cho các trường trung cấp khó tuyển hơn không, thưa ông?

Trung cấp không phải tuyển theo điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ và không tuyển sinh cũng vào học được trung cấp. Đó là do đa số thí sinh muốn năm sau thi lại vào ĐH. Tâm lý này mới là nguyên do khiến trường trung cấp thiếu nguồn tuyển.

Thời gian tới đây, Bộ có tiếp tục mở trường nữa không?

Bộ GD&ĐT đã xin phép Thủ tướng dừng mở trường và không xét duyệt mở trường mới nào nữa, trừ những trường đã có chủ trương trước đây, nay chỉ là làm tiếp. Bộ GD&ĐT cũng đang sửa đổi quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ để trình Thủ tướng phê duyệt.

Ông có thể hé mở đôi chút về mạng lưới các ĐH, CĐ trong tương lai?

Nguyên tắc chính là: củng cố chất lượng, không phát triển nhanh về quy mô; định hướng nghề nghiệp và cơ cấu ngành nghề (những ngành quá nhiều sẽ không mở nữa); những vùng có mật độ trường dày đặc thì không thành lập trường mới; ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM đang có chủ trương di dời trường ĐH, CĐ ra khỏi nội thành thì không có lý do gì để thành lập trường trong nội thành nữa!

Xin cám ơn ông.

Không bỏ tiêu chuẩn về ngoại ngữ đối với các ứng viên GS, PGS

Theo Bộ GD&ĐT, ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư phải sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh.

 

Hồ Thu
thực hiện

Theo Báo giấy