Ông Lê Quán Tần. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: Công việc tiếp theo đợt rà soát chương trình, SGK là làm ngay một số việc trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý như nghiên cứu giãn biên chế năm học, điều chỉnh các môn học bắt buộc và tự chọn, bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên (GV), hướng dẫn GV đổi mới phương pháp theo hướng dạy học linh hoạt...
Đó là những "đề bài" mà bây giờ chúng tôi đang đi tìm cách giải. Và để giải được các "đề bài" này, cũng cần phải tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải chốt phương án trong khoảng 15 ngày tới để kịp thực hiện vào năm học mới.
Được biết Vụ Giáo dục Trung học đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT về việc giãn biên chế năm học. Nếu thực hiện việc này sẽ phải điều chỉnh một loạt hoạt động khác của ngành giáo dục. Vậy lợi ích của hướng điều chỉnh này là gì?
Trong đợt rà soát chương trình - SGK vừa qua, nhiều ý kiến đánh giá chương trình - SGK hiện nay là nặng. Điều đó, theo tôi, chỉ đúng một nửa.
Nặng thì có nhưng là do thời lượng dạy học không đủ. Thời lượng dành cho việc dạy học của Việt Nam chỉ bằng 70 - 80% so với các nước trong khối Asean.
Như vậy, không nên nghĩ theo hướng giảm nhẹ nữa dung lượng kiến thức vì cần phải tính đến khả năng hội nhập, để HS tốt nghiệp phổ thông của ta có khả năng du học tiếp ở nước ngoài... Thay vào đó nên tập trung vào việc làm thế nào để tăng thời lượng học tập cho HS.
Cụ thể là đầu tư cơ sở vật chất để tăng số lượng HS được học hai buổi/ngày. Ngoài ra, hướng giãn biên chế năm học cũng là một giải pháp cần quan tâm.
Ví dụ như bậc THPT, biên chế năm học sẽ không phải 35 tuần mà tăng lên 1 - 2 tuần. Tôi được biết có những nước biên chế năm học được bố trí đến 40 tuần. Tuy nhiên vấn đề này sẽ phải bàn kỹ, lấy ý kiến các sở GD-ĐT, nhất là các địa phương đặc thù.
Nếu điều chỉnh theo hướng này, kỳ nghỉ của HS sẽ bị rút ngắn, các hoạt động như bồi dưỡng GV, phụ đạo HS yếu kém, kể cả lịch khai giảng và bế giảng năm học cũng sẽ phải xê dịch phải không, thưa ông?
Tất cả những vấn đề cụ thể này sẽ được quyết định sau khi tham khảo ý kiến các địa phương. Nếu biên chế năm học được mở rộng, đương nhiên sẽ phải điều chỉnh các hoạt động vốn được thực hiện trong dịp nghỉ hè của HS.
Nhưng, không chỉ năm học tới mà từ năm học trước, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các sở GD-ĐT chủ động trong việc thực hiện biên chế năm học. Không có qui định cứng cho thời điểm bắt đầu và kết thúc năm học, không yêu cầu GV phải thực hiện theo phân phối chương trình.
Nếu khung biên chế năm học được điều chỉnh, các địa phương cũng sẽ tùy theo điều kiện cụ thể để ấn định các kỳ nghỉ khác nhau của HS trong năm học. Thay vào việc HS nghỉ hè dài, có thể có các kỳ nghỉ ngắn và HS sẽ được giảm bớt thời lượng học tập trong một tuần so với bây giờ. Dự kiến kế hoạch dạy học sẽ điều chỉnh: tiểu học 25 tiết/tuần, THCS 28 tiết/tuần và THPT 29 tiết/tuần.
Việc linh hoạt trong việc lựa chọn kiến thức cơ bản, phương pháp phù hợp để dạy học cho các đối tượng có năng lực, điều kiện học tập khác nhau là một cách để giảm tải trước mắt đối với HS một số vùng đặc thù. Nhưng qua thực tế cho thấy nhiều GV đã không làm được việc này, tỏ ra lúng túng khi phải thoát ly sách GV. Vậy vấn đề bồi dưỡng GV trong việc dạy học "bám đối tượng" có nằm trong hệ thống giải pháp nhằm giảm tải của Bộ GD-ĐT không, thưa ông?
Qua việc khảo sát tình hình HS bỏ học, HS yếu kém thời gian qua, có một thực trạng phải thừa nhận là ở những nơi khó khăn, điều kiện dạy học yếu, năng lực HS yếu thì cũng tập trung chủ yếu GV năng lực chưa đạt yêu cầu.
Vấn đề quá tải chương trình - SGK cũng chỉ có biểu hiện rõ ở khu vực HS vùng khó. Thế nên ngoài việc bồi dưỡng GV thường xuyên, bồi dưỡng GV cho chương trình thay sách, sẽ phải chú ý hơn đến việc bồi dưỡng cho đối tượng GV vùng đặc thù, bồi dưỡng GV với mục đích dạy cho đối tượng HS khó khăn, HS yếu, kém.
Bộ khuyến khích các sở GD-ĐT trong việc tổ chức các hội thảo chuyên đề, các lớp tập huấn theo môn học, trong đó tập trung trao đổi kinh nghiệm, xây dựng phương pháp giảng dạy các phần kiến thức khó, dạy các đối tượng HS khác nhau.
Vấn đề nâng chất lượng đội ngũ GV để đạt mục tiêu chống quá tải cũng cần có các giải pháp tổng thể: chế độ đãi ngộ, trong đó chú trọng việc động viên tinh thần cho GV vùng sâu, vùng xa; cơ chế luân chuyển GV, tạo điều kiện cho GV được học tập, cập nhật thông tin...
Theo Trịnh Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ