Sẽ đưa Luật trật tự, an toàn giao thông vào học chính khoá?

TPO - Cần phải đưa Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 1/1/2025) vào giảng dạy chính khóa để bắt buộc học sinh có ý thức thực hiện tham gia giao thông một cách an toàn.

Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng (Liên hiệp các Hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam), phối hợp với Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia vừa tổ chức buổi phổ biến những quy định mới về đảm bảo an toàn cho trẻ em trên xe ô tô trong Luật Trật tự, An toàn Giao thông đường bộ.

Phụ huynh là người đầu tiên có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho con em khi tham gia giao thông. Ảnh: internet

Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an) cho biết, Luật Trật tự, An toàn giao thông (ATGT) đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025 cần thiết phải đưa vào giảng dạy chính khóa để bắt buộc học sinh có ý thức thực hiện tham gia giao thông một cách an toàn. Hiện nay, học sinh vi phạm trật tự ATGT ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Về xe đưa đón học sinh, ông Nhật chia sẻ đã đưa các thông tin cần thiết vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trật tự, ATGT đường bộ.

Đại tá Nhật cho biết, sau 1 tháng triển khai cao điểm đảm bảo trật tự ATGT cho trẻ em, nhiều bất cập được nhìn nhận. Có tình trạng phụ huynh buông lỏng, đẩy việc quản lí con em về trật tự, ATGT cho xã hội. Cảnh sát giao thông, công an cơ sở, cơ sở giáo dục đã kiểm tra bãi để xe của học sinh THPT có học sinh lái mô tô đi học và mời phụ huynh đến phối hợp xử lí. Kết quả cho thấy, các phụ huynh chỉ đáp ứng đòi hỏi mua xe cho con đi học, không quan tâm là xe gắn máy hay mô tô. Hay có trường hợp học sinh dùng tiền tiết kiệm mua xe mô tô, buổi tối trốn nhà ra điểm gửi xe để tụ tập cùng bạn bè.

"Sự thiếu quan tâm của phụ huynh đến con em để giúp các em tránh xa tệ nạn đang là hiện tượng đáng báo động. Có học sinh chúng tôi xử lí hôm nay nhưng mai vẫn tái phạm, coi như không có vấn đề gì vì bố mẹ không quan tâm", ông Nhật nói.

Ông Nhật cũng đánh giá phụ huynh còn không nhận thấy việc đảm bảo an toàn cho con khi tham gia giao thông là cần thiết. 15 năm trước, quy định trẻ em phải đội mũ bảo hiểm cũng khiến cho lực lượng chức năng rất vất vả để "ép" phụ huynh thực hiện. Thậm chí các tổ chức tặng mũ nhưng phụ huynh vẫn không có ý thức bảo vệ an toàn cho con. Sắp tới khi quy định của Luật Trật tự, ATGT đường bộ có hiệu lực, những quy định bắt buộc đối với trẻ em khi ngồi trên xe ô tô được thực hiện cũng là một thách thức đối với lực lượng chức năng.

Một cuộc điều tra của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Y tế Công cộng đã chỉ ra rằng, ở Việt Nam, chỉ 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Trong đó, Hà Nội là 2,6%; TPHCM là 1,1%, còn tại Đà Nẵng là 0%.

Ông Lương Thế Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định, nhiều bậc phụ huynh thiếu tinh thần ý thức phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em. Phụ huynh phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho trẻ trên xe ô tô.

TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng UBANGTQG cho hay, số lượng trẻ em từ 1 - 10 tuổi tiếp cận với xe ô tô cá nhân khoảng 500.000 em/năm. Dự báo có khoảng 500.000 xe ô tô con cá nhân sẽ nằm trong đối tượng điều chỉnh của Luật Trật tự, ATGT đường bộ.

Luật quy định không cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1m35 ngồi cùng hàng ghế người lái xe; phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.

Báo cáo an toàn giao thông toàn quốc 2019, 2020, 2021 của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia có khoảng 1.800 - 2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600 - 700 vụ liên quan tới ôtô có trẻ em. Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể giúp giảm tới 400 - 500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô một năm tại Việt Nam.