Ông hẹn tôi vào một buổi sáng ở khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội, nơi ông đang thanh thản tuổi hưu. Thực ra, tôi với ông Sa là chỗ quen biết. Mấy năm trước, khi ông là Chánh Thanh tra Bộ VH-TT, cánh báo chí chúng tôi đã không ít lần quấy quả ông. Thôi thì đủ: trò chơi điện tử, băng đĩa lậu, sách mê tín dị đoan, thương mại hóa lễ hội… vv… tất tật những sự vụ nóng bỏng và nhạy cảm của xã hội thường được đặt lên bàn ông “Chánh”.
Rành rẽ, khúc triết, mạch lạc và cũng không né tránh mọi vấn đề, ông Sa để lại trong tôi ấn tượng về một con người Quảng Nam thẳng thắn. Gặp lại sau hai năm ông hưu, tôi hỏi “Phải chăng đó cũng là điều mà anh học được ở ông cụ?”. Ông cười cười đẩy chén nước về phía tôi:
Cũng có thể, tôi nghe nói cái gì đã ăn vào máu thì bền vững lắm. Thực tình thì cả đời tôi chỉ sống gần cha tôi chừng 3 tháng của kỳ nghỉ hè năm học 1957 - 1958, lúc tôi học xong tiểu học bên khu học xá Trung ương Nam Ninh, Trung Quốc, trở về. Thời đoạn đó dư chấn của sự kiện Nhân văn - Giai phẩm đang còn rền rĩ lắm. Cha tôi đã ngoài 70, hằng ngày lặng lẽ nằm đọc sách, đọc báo và viết. Nói như vậy không phải là tôi không biết gì về cha mình, mà qua lời kể của mẹ, hồi ức của các anh chị, trong tôi vẫn hiện rõ chân dung về một người cha lừng lẫy trong trường văn, trận bút, rất người trong đời thường.
Ông nghiêm khắc đến mức con cái rất thương cha nhưng lại rụt rè mỗi khi gần cha. Ông thẳng thắn đến mức có thể khiến người đối diện khó chịu. Đối với công việc, ông cương trực bảo vệ cái mình cho là đúng, không né tránh, không ngại ngần trước cường quyền.
Chị tôi kể, thời Pháp thuộc, ông làm chủ bút một tờ báo, có lần ông cự lại tên Chánh mật thám Trung Kỳ, rốt cuộc phần thắng thuộc về ông. Ở ông còn đức tính nữa là minh bạch, minh bạch với vợ con, với đồng nghiệp, với bạn hữu, với cả người ông không ưa, minh bạch đến từng món tiền nhuận bút…
Sinh thời, cụ Phan Khôi được biết đến như là cây bút thâm hậu, xông xáo trên văn đàn. Cụ chính là người đã bút chiến về Nho giáo với Trần Trọng Kim, về Truyện Kiều với Phạm Quỳnh, về triết học với Hải Triều…; là người đầu tiên sử dụng khái niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Cụ đã có cả nghìn bài báo trong Nam ngoài Bắc về đủ các lĩnh vực : tư tưởng, văn học, triết học, sử học, ngôn ngữ, xã hội... Vậy, ngoài những gì đã được công bố, cụ còn phần di cảo nào không?
...Trong tình cảnh như tôi vừa nói, hiện tại tôi chỉ còn giữ một số tài liệu viết tay hoặc đánh máy của ông trên giấy thủ công làm bằng bột tre nứa, nhiều tài liệu bị mối xông, may mà còn đọc được. Đó là vài bản kiểm thảo trong các kỳ chỉnh huấn trên Việt Bắc, những tờ giấy, cuốn sổ tay ghi chép bất chợt về ca dao, tục ngữ, về các tập tục địa phương, về ngôn ngữ, về lịch sử, một số bản dịch tác phẩm của Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, M. Gorki…
Lần giở các bản viết của ông, tôi kinh ngạc nhận thấy có tài liệu ông viết trong năm 1958, là thời kỳ hậu Nhân văn - Giai phẩm, là lúc ông đã thật sự mệt mỏi và mọi thứ quyền lợi đã rời bỏ ông, trừ cái quyền ông tiếp tục viết, cống hiến cho nền học thuật nước nhà.
Mười sáu trang viết tay, bài “Những con số không nhất định trong từ ngữ”, với nét chữ vẫn rất cứng cỏi , thẳng hàng thẳng lối, không hề có gạch, xóa, chứng tỏ trong tình trạng đó, sức nghĩ, sức viết nơi ông vẫn rất cường tráng.
Anh sẽ làm gì với di cảo của người cha để lại, cho dù anh nói là nó rất ít ỏi, nhưng tôi nghĩ vì ít mà nó trở nên quý?
Hết làm việc nhà nước rồi, tôi mới có điều kiện gần gũi với các di cảo của cha mình. Tôi đang trù liệu việc phải sử dụng công nghệ tiên tiến để bảo tồn lâu dài nguyên bản các bản viết còn lại của ông. Tức là phải giữ dược nguyên tờ giấy, dù nó có rách nát; giữ được nguyên nét chữ của ông; tức là các di cảo này này trở thành thứ hiện vật độc bản duy nhất. Còn hiện tại thì tôi đang gõ lại toàn bộ trên máy vi tính để mọi thứ trở nên sáng sủa, sẽ phải tra cứu để hiệu đính, chú giải, chỗ nào không làm được thì nhờ, mong có được một cái gì đó hoàn chỉnh.
Tôi tin là những gì ông để lại trong các bản viết này cũng có giá trị như các trước tác đã công bố. Và, vì thế, nếu có điều kiện thì tôi sẽ xin ý kiến mẹ tôi, các anh chị tôi để công bố một khi nhận thấy sự công bố đó là thật sự có ích. Với tên tuổi, với sức làm việc khổng lồ như ông, thì việc con cái chỉ lưu giữ được một ít những gì còn lại như tôi đã kể trên đây là một thiệt thòi lớn. Mỗi khi lần giở di cảo của ông, là tôi lại cảm thấy cái lỗi của mình lớn quá…
Từ năm 1992 bắt đầu có các bài viết trở lại về cụ. Mấy năm gần đây có một số công trình dày dặn về cụ, nhiều ngàn trang sách là các tác phẩm đăng báo của cụ lần lượt được xuất bản. Anh có nhận xét gì về việc này?
Nhiều người gặp tôi cứ chúc mừng về việc ấy. Mẹ tôi, các anh chị tôi cũng mừng. Tôi mừng thì đã đành, còn cảm thấy cha mình như đang ở đâu đây. Nhà biên khảo Vu Gia, các nhà nghiên cứu: Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thuý và một số khác nữa kỳ khu phục dựng một chân dung đã thật sự lùi vào quá khứ. Anh Lại Nguyên Ân đã dày công sưu tầm, tra cứu, biên soạn, chú giải để cùng NXB Đà Nẵng, NXB Hội Nhà văn lần lượt ấn hành từng tập của bộ sách “Phan Khôi- tác phẩm đăng báo”.
Bốn tập thuộc bộ sách này của các năm: 1928, 1929, 1930 , 1931 với khoảng 4000 trang đã ra mắt bạn đọc. Rồi cuốn “Phan Khôi viết và dịch về Lỗ Tấn” cũng vừa mới ra.
Trao đổi với các anh ấy, tôi tỏ lòng tri ân, thấy hết nỗi khó nhọc, thậm chí cả mồ hôi, nước mắt, tiền của đã bỏ ra. Các anh ấy đã đi tiên phong trong việc khai thác các giá trị văn hóa của tiền nhân, chứ không hẳn là chỉ làm một việc gì đó cho tác giả Phan Khôi. Và theo tôi biết, ở nước mình còn nhiều tác giả khác nữa cũng cần phải được hậu thế đối xử như vậy.
Được biết những năm tháng cuối đời của cụ rất khó khăn và lặng lẽ. Đúng lúc đó anh lại được sống với cụ 3 tháng. Anh nhận thấy tâm trạng của cụ bấy giờ thế nào?
Năm 1955, kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cha tôi từ Việt Bắc trở về Hà Nội. Đại gia đình của ông tập kết ra Bắc và đoàn tụ tại Hà Nội hòa cùng vận hội của đất nước, thật là không còn nỗi vui nào bằng. Nhưng Nguyễn Du cũng đã nói từ mấy trăm năm trước “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Đó cũng là thời kỳ nhạy cảm, những khúc mắc giữa quan hệ sáng tác với các quan hệ khác trong giới văn nghệ, trước đây im lặng trong tiếng súng kháng chiến, thì nay không im lặng nữa trong thời bình.
Đó là năm 1956, cùng với những diễn biến khác, làm nên sự kiện Nhân văn- Giai phẩm. Lúc đó, tôi chỉ là một đứa bé đang học tiểu học ở Trung Quốc nên chẳng biết gì. Năm 1957, cha tôi sang Trung Quốc dự kỷ niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn, còn ghé vào khu học xá Trung ương thăm tôi và đứa cháu ngoại của ông đang học ở đó, ông rất ân cần với chúng tôi, các vị lãnh đạo Khu học xá đón tiếp ông rất trọng thị.
Kỳ nghỉ hè năm 1957 - 1958, tôi được ở cùng ông tại Hà Nội, mới cảm thấy hết sự cô độc mà ông phải chịu đựng. Lúc này ông đã ngoài 70, sức khoẻ giảm sút sau cú mổ dạ dày trên Việt Bắc, lại phải chịu áp lực từ nhiều phía, nhưng suốt ngày ông vẫn đọc, vẫn viết, như tôi đã nói ở trên.
Có hai việc tôi còn nhớ rất rõ: một buổi tối ông chống ba-toong dẫn tôi đi dạo phố, ông chỉ vào vết đạn đại bác vừa to vừa sâu trên thành Cửa Bắc, giảng giải cho tôi hồi lâu về cuộc công phá thành Hà Nội của thực dân Pháp, về việc ông cố ngoại tôi là Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết trong thành. Lần khác là dịp 2/9/1958, ông nằm đọc một tờ báo, bất thình lình đập mạnh tờ báo xuống giường, giận dữ quát to: “Bậy, bậy quá, cờ đỏ sao vàng mà in đen thủi đen thui!”.
Tôi ngồi đó im thin thít, lúc khác cầm tờ báo lên xem, quả thật các nếp lượn của lá cờ đang bay trong gió toàn một màu đen, lá cờ không còn là màu đỏ nữa. Hồi đó in Ti-pô, thường gặp những lỗi như vậy. Ngay sau đó tôi tựu trường và chỉ ít tháng sau đã phải quay về Hà Nội chịu tang ông...
Nguyên Trường
Thực hiện