dịch covid-19: Lan rộng, khó kiểm soát

Sẽ có thêm những ổ dịch không rõ nguồn?

TP - Chủ trì và phát biểu tại hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia và 63 tỉnh, thành phố về phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 7/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, không được để tình trạng một người chủ quan cả xã hội phải vất vả.
Bệnh viện K trở thành ổ dịch khi có 11 ca dương tính với COVID-19. Ảnh: M.T

Qua truy vết và phân tích nguồn lây, Ban Chỉ đạo Quốc gia xác định ổ dịch Hà Nam liên quan đến bệnh nhân 2899, ổ dịch Yên Bái, Vĩnh Phúc liên quan đến nhóm chuyên gia Ấn Độ và Trung Quốc, ổ dịch tại Bệnh viện K lây lan từ ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Tuy nhiên ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và một số ca bệnh ở Đà Nẵng, Hải Dương không rõ nguồn lây. Điều đó cho thấy, trong cộng đồng đã có mầm bệnh.

Trong các nguyên nhân dẫn đến đợt dịch thứ 4 bùng phát, có tình trạng quản lý người nhập cảnh không tốt, trong đó có đối tượng chuyên gia. Trong quý 1 có gần 20.000 chuyên gia và lao động nước ngoài nhập cảnh, phần lớn được cách ly ở khách sạn, nhưng cả quá trình cách ly tập trung và quá trình theo dõi y tế tại doanh nghiệp đều bị buông lỏng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp quyết liệt hơn, khởi động lại các hoạt động phản ứng nhanh, trong đó có hoạt động của tổ COVID cộng đồng. Muốn ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả, cần ngăn người nhập cảnh trái phép; điều quan trọng là dựa vào dân để phát hiện người có dấu hiệu vi phạm quy định về nhập cảnh, cách ly.

“Chúng ta đang đặt trong tình trạng báo động rất cao, đề nghị các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, coi như địa phương đang trong dịch, để khi xảy ra không bối rối, bỡ ngỡ”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

“Một số nơi cho chuyên gia vào không thực sự cần thiết. Bây giờ khép kín chu trình, từ đăng ký vào Việt Nam, lúc cách ly, hết cách ly, 21 ngày trong thời gian này là một chu kỳ khép kín. Tới đây sẽ cho nhập khẩu vòng đeo tay để quản lý chuyên gia nhập cảnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đợt dịch thứ 4 xảy ra có nguyên nhân cơ bản lơ là chủ quan mất cảnh giác của nhiều địa phương, cả với tổ chức đảng, chính quyền và người dân. Trong tình hình lúc này, chỉ cần một người lơ là, chủ quan là cả xã hội vất vả. “Tinh thần phải phân cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, ở đâu gương mẫu chấp hành chỉ đạo sát sao thì ở đó tình hình tốt. Người đứng đầu lơ là mất cảnh giác là ở đó xảy ra hậu quả. Chính phủ vừa rồi đã chỉ đạo xử lý một số trường hợp. Người nào làm chưa tốt, thiếu tinh thần trách nhiệm phải xử lý, không được nể nang, vuốt ve”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Yêu cầu chấn chỉnh sự chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các địa phương khi có dịch không nên mất bình tĩnh, cần đánh giá đúng tình hình để không đưa ra những biện pháp quá mức cần thiết, gây phương hại đến sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế. “Cần cân nhắc thực hiện phong tỏa, các ly xã hội toàn tỉnh. Khi quyết định cần báo cáo, xin ý kiến Ban chỉ đạo và các địa phương lân cận để không làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại, không ùn tắc hàng hóa…”, Thủ tướng lưu ý.

Dịch ngày càng khó kiểm soát

“Đợt dịch lần này phức tạp hơn, đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn các đợt dịch trước. Thời gian tới, việc đánh giá tình hình dịch, kiểm soát khó khăn hơn, có thể xuất hiện thêm ổ dịch chưa rõ nguồn lây, chưa kiểm soát được. Thực tế đã chứng minh điều này. Ở các nước tình hình lây nhiễm nhanh, phức tạp, khó kiểm soát. Vì thế các địa phương phải đặt trong trạng thái không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo.

Ông Long lưu ý, các văn bản của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo hay Bộ Y tế đều nhắc các địa phương phải nâng cao năng lực/công suất xét nghiệm, chủ động về mặt xét nghiệm, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng trong cộng đồng. “Trong các cuộc họp giao ban, chúng tôi luôn coi đây là điểm yếu của tất cả chứ không riêng địa phương nào. Vì thế, Bộ Y tế liên tục nhắc nhở các địa phương vấn đề này", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng khẳng định Việt Nam đảm bảo đủ sinh phẩm chẩn đoán, xét nghiệm cho tất cả các phương pháp. Về đối tượng sàng lọc, ông lưu ý mở rộng đối tượng nguy cơ cao, nơi có nguy cơ cao; tầm soát định kỳ, thường xuyên với khu vực nguy cơ cao. Với đối tượng xét nghiệm, các bệnh viện phải mở rộng, tầm soát những người có nguy cơ, các khu vực trọng yếu như cấp cứu, chạy thận nhân tạo… Nhân viên y tế khu vực này phải xét nghiệm định kỳ và thường xuyên. “Chỉ có bằng xét nghiệm mới phát hiện được ca bệnh COVID-19”, ông nhắc lại.

Nguy cơ dịch xâm nhập vào bệnh viện tuyến cuối rất cao

Về điều trị, Bộ trưởng khẳng định nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến trung ương (tuyến cuối) cao hơn rất nhiều vì bệnh viện trung ương là tổng hợp các bệnh nhân từ các địa phương chuyển lên. Bộ trưởng nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn ở các bệnh viện địa phương là trách nhiệm của các địa phương. "Nếu cơ sở không đáp ứng an toàn COVID-19, không tuân thủ phòng chống dịch lập tức cho dừng ngay hoạt động. Chúng ta phải liên tục trong trạng thái cảnh giác cao độ, phải làm hết sức, hết mình", GS.TS Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Về cách ly, Bộ trưởng quán triệt tinh thần là phải có chỉ đạo, giám sát. Những cơ sở nào đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế thì mới được phép nhận người cách ly, không đủ điều kiện phải cho dừng.

Bắc Ninh:

Một xã có 20 ca mắc COVID – 19

Tối 7/5, bà Tô Thị Mai Hoa – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh xác nhận, tỉnh này vừa ghi nhận thêm 14 ca mắc COVID – 19 mới tại xã Mão Điền, Thuận Thành. Các bệnh nhân này đều liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương 2. Trước đó, tại xã này có 6 ca mắc COVID – 19, cộng với 14 ca mắc mới, toàn xã Mão Điền có 20 ca.

Cũng theo bà Hoa, ngay trong đêm 7/5, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân xã Mão Điền (hơn 15.600 người) và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Nguyễn Thắng