Sau Ý, đến lượt Tây Ban Nha vượt Trung Quốc về số người chết do COVID-19

TPO - Tây Ban Nha vừa ghi nhận 738 ca tử vong vì COVID-19 chỉ sau một đêm, nâng tổng số người chết vì căn bệnh này vượt qua cả Trung Quốc. 
Lực lượng chức năng tiến hành phun khử khuẩn tại một nhà dưỡng lão ở Madrid ngày 23/3. (Ảnh: Reuters)

Với tổng số 3.434 ca tử vong, Tây Ban Nha trở thành nước có nhiều người chết vì COVID-19 thứ hai thế giới. Ýđến nay có tổng số 6.820, còn Trung Quốc có hơn 3.200 người chết vì bệnh này. 

Lượng người chết tăng đột biến khiến thủ đô Madrid phải biến một sân trượt băng thành nhà xác tạm thời. Vài chục người qua đời trong các trại dưỡng lão quá tải trên khắp cả nước.

Trong bối cảnh số lượng y bác sĩ nhiễm COVID-19 lên đến hàng ngàn, nhiều nhân viên y tế Tây Ban Nha vừa nộp đơn kiện chính phủ vì tình trạng thiếu các đồ bảo hộ y tế như khẩu trang, nước diệt khuẩn và găng tay.

Quân đội Tây Ban Nha đã đề nghị NATO cung cấp máy thở, thiết bị bảo hộ và dụng cụ xét nghiệm, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Tây Ban Nha, ông Miguel Villarroya, cho biết ngày 25/3.

Tây Ban Nha đã bước sang ngày thứ 11 của đợt phong toả kéo dài 15 ngày, nhưng dự kiến sẽ kéo dài đến 30 ngày. Các trường học, quán bar, nhà hàng và hầu hết cửa hàng đã phải đóng cửa. Các sự kiện tập trung đông người bị cấm. Người dân bắt buộc phải ở trong nhà.

“Chúng ta đã làm được việc giảm gần như hoàn toàn tiếp xúc xã hội”, Trưởng ban chỉ đạo đối phó tình huống khẩn cấp y tế, ông Fernando Simon, khẳng định tại cuộc họp báo ngày 25/3. Ông cho rằng nước này đã sắp lên đến đỉnh dịch. 

Số ca nhiễm COVID-19 ở nước này tăng thêm 1/5 lên tổng số 47.610, tính đến ngày 25/3. 

Tại Madrid, giới chức bắt đầu tiến hành xét nghiệm diện rộng trong sân của một công viên.

Ngoài những thiệt hại về y tế, tình trạng phong toả đang giáng một đòn mạnh lên nền kinh tế Tây Ban Nha khi hàng chục ngàn người mất việc vì các ngành bán lẻ, du lịch và chế tạo đều đang dừng hoạt động.

Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha ngày 25/3 cho biết nền kinh tế nước này bị gián đoạn nghiêm trọng kể từ đầu tháng 3 vì suy giảm mạnh trong chi tiêu của người dân. 

Lãnh đạo 9 nước EU, trong đó có Tây Ban Nha, Pháp và Ý, vừa kêu gọi khối này đồng ý triển khai “công cụ nợ chung” để huy động quỹ hỗ trợ ngành y tế chống dịch, cũng như các nền kinh tế nói chung.

Theo Theo Reuters