Sau năm 2015: Đổi mới toàn diện môn lịch sử

TPO- Bộ GD&ĐT vừa có thông báo kết quả tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam.
Ảnh minh họa

> Vì sao học sinh không thích sử?

> 'Chém gió' với cô Dung

Ảnh minh họa.

Theo kết luận, sách giáo khoa môn lịch sử đã bám sát mục tiêu, nội dung chương trình, đảm bảo được chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình môn Lịch sử; bảo đảm tính chính xác, khoa học và cập nhật.

Sách giáo khoa đã tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học tích cực. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa đã tiến hành rà soát, tinh giảm nội dung sách giáo khoa môn lịch sử, một số sở GDĐT đã biên soạn tài liệu và chỉ đạo dạy học về lịch sử địa phương.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như: Nội dung những phần đồng tâm của chương trình chưa thể hiện rõ về mức độ khác nhau, yêu cầu cần đạt giữa các cấp, lớp khác nhau;

Cấu trúc chương trình chưa thật cân đối giữa nội dung giáo dục của các cấp học; giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới; giữa các nội dung về chính trị với kinh tế, xã hội, văn hóa; giữa lịch sử cổ trung với lịch sử hiện đại;

Nội dung sách giáo khoa nặng về lịch sử chiến tranh chống xâm lược, nội dung về tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa được lặp lại ở các cấp học. Nhiều thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử chưa được cập nhật. Một số bài trong sách giáo khoa, đặc biệt là phần lịch sử Việt Nam còn “nặng’’, mang tính hàn lâm, dung lượng bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Cách trình bày của sách giáo khoa còn ít kênh hình, tư liệu lịch sử...

Kết quả từ hội thảo cho thấy nhiều ý kiến đề nghị về định hướng và giải pháp đổi mới dạy học lịch sử như: nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của dạy học lịch sử ở trường phổ thông; về xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu dạy học lịch sử ở trường phổ thông sau năm 2015.

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa môn lịch sử phải tuân theo các nguyên tắc: Quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng; đảm bảo kế thừa những thành tựu của Việt Nam và vận dụng hợp lý kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông; đảm bảo tính thống nhất toàn quốc, linh hoạt vùng miền, phù hợp với đối tượng và tính khả thi của chương trình, sách giáo khoa; đảm bảo tính thống nhất giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và phương thức đánh giá kết quả học tập.

Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa môn lịch sử từ sau năm 2015 theo các định hướng cơ bản: Phát triển năng lực người học; đảm bảo tính hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp; cấu trúc, nội dung chương trình và sách giáo khoa đảm bảo tính chỉnh thể, linh hoạt, thống nhất; nội dung giáo dục cần mang tính chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế,...

Theo Viết