Sắp ra mắt “Từ thiên đường đi về phía Bắc 3 km”

Đây là một vở kịch của Nhật Bản, kể về câu chuyện tình yêu của đôi trai gái. Nàng hiếu thắng và hay ghen. Họ cãi nhau chỉ vì món cà-ri có nấm hay không, và rồi nàng ngã lăn quay xuống... một cái hố.

Nàng qua đời, linh hồn bay lên thiên đường và gặp một thiên thần (bản sao của Vân Vy) ở dưới hạ giới. Nàng không tin mình đã chết, nhưng thiên thần đó đã dẫn Vân Vy trở lại trần gian để chứng minh sự không tồn tại của cô.

Trở lại trần gian, Vân Vy dõi theo cuộc sống đang chảy trước mắt, những người thân của cô, bạn bè, Phong (bạn trai) vẫn đang tiếp tục sống mà không có cô bên cạnh.

Vở kịch là lời gửi gắm hãy biết trân trọng, nâng niu những gì chúng ta đang có, hãy sống ý nghĩa từng ngày, để mai sau lên thiên đường cũng sẽ thanh thản!...

Rạp buổi sáng vắng người, sân khấu dựng dang dở với những tấm voan trắng vương vất, chiếc đu quay treo lơ lửng giữa không gian, NSND Lê Khanh “rủ” hoạ sĩ Hoàng Hà Tùng ngồi lên thử “độ” an toàn. Lê Khanh nói về vở kịch đầu tay của chị.

Chị sẽ xử lý sân khấu như thế nào để làm nổi bật lên nội dung của vở?

Hoạ sĩ làm với tôi trong vở này là Hoàng Hà Tùng. Tôi và anh Tùng đã bàn với nhau rất kỹ về yếu tố dàn dựng sân khấu. Cánh gà được kéo lên cao (tức là sân khấu không có cánh gà) sân khấu được mở rộng hơn, diễn viên ra mặt là phải diễn ngay, anh em còn đùa diễn viên phải diễn từ phòng hoá trang!

Thực sự, chúng tôi có nhiều ý tưởng nhưng trong điều kiện sân khấu hiện nay của chúng ta, không phải ý tưởng nào cũng có thể thực hiện được. Chúng tôi sẽ dàn dựng một sân khấu gợi để khán giả cảm chứ không làm sân khấu theo lối tả thực. Tôi cũng không muốn nói nhiều về những ý tưởng, sân khấu, dàn dựng… Điều đó để khán giả đến xem và đánh giá!

Hình như chị có vẻ… dè dặt khi giới thiệu về vở kịch đầu tay của mình?

Đúng là cần phải quảng cáo, cần phải giới thiệu để khán giả được biết, nhưng tôi nghĩ yếu tố cần thiết hơn, quan trọng hơn vẫn là chất lượng bên trong. Quảng cáo rầm rộ, khán giả sẽ có sự tưởng tượng nhiều hơn giống như khi chúng ta đọc một tác phẩm văn học, chúng ta tưởng tượng ra một bộ phim của riêng mình, đến khi xem phim của đạo diễn làm thì thấy… khác quá chẳng hạn!

Người ta lại nói rằng chị không tự tin?

Không sao cả. Tôi còn đang học năm thứ hai khoa đạo diễn, tự ti là phải! Đây là vở kịch tôi cùng anh Chí Trung, Sỹ Tiến (đều đang học đạo diễn) rủ nhau cùng làm (tôi phụ trách chính), coi như một vở thực tập. Chúng tôi vừa học vừa làm. Tranh thủ những buổi rạp không bận, anh em lôi nhau ra tập. Khi dựng vở này, chúng tôi phải kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả bạn bè thân thiết. Nếu thất bại chúng tôi cùng chịu. Còn nếu kịch của tôi hay, tự nó sẽ nhân thành công lên!

Chị đánh giá như thế nào về sự cộng hưởng các yếu tố trên trong vở kịch của mình?

“Từ thiên đường đi về phía Bắc 3 km”, theo đánh giá chủ quan của tôi là một vở kịch sẽ đáp ứng được nhu cầu của khán giả, vừa có tính chất trí tuệ nhưng lại không giáo huấn, khó hiểu, vừa pha lẫn chất hài hước, vừa lãng mạn vừa chân thực, vừa ảo nhưng lại rất gần với cuộc sống thực ngay bên cạnh bạn…

Ánh sáng là một yếu tố được nhấn mạnh trong vở này để gợi ra không gian của hai thế giới. Phụ trách phần âm nhạc cho vở kịch là nhạc sĩ Tuấn Khanh - người có nhiều sáng tác về tình yêu cho giới trẻ hiện nay và được đánh giá cao.

Ngay phần âm nhạc cho kịch, tôi cũng muốn thu hút được khán giả. “Từ thiên đường đi về phía Bắc 3 km” ngoài phần âm nhạc, còn có khoảng 2-3 ca khúc, những ca khúc được sáng tác riêng cho vở kịch, nhưng đồng thời là một phần độc lập với kịch.

Khi khán giả bước ra khỏi rạp sẽ mang theo những ca khúc này, và tôi hy vọng đó sẽ là những ca khúc được yêu thích trong nay mai (cười).

Bạn bè, đồng nghiệp bảo nhau rằng chị Lê Khanh hiền nên dựng kịch... hiền quá!

Tôi nghĩ, hiền hay không hiền phải dựa vào kịch bản, phải phù hợp với kịch bản chứ! “Từ thiên đường đi về phía Bắc 3 km” sẽ có gam màu riêng của tôi: đẹp và lãng mạn. Tôi không muốn cố gắng những gì mà mình không có.

Với vở này, phần kịch bản văn học đã rất chắc. Nên tôi sẽ dựng theo cách bám sát vào ý tưởng văn học và chú trọng kỹ phần diễn xuất của diễn viên (toàn thể diễn viên Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ).

Tôi không có thủ thuật dàn dựng nào cả. Tôi mong muốn có thể chinh phục được khán giả bằng cảm xúc. Nếu vở thành công, tôi phải cảm ơn tác giả văn học và các diễn viên.

Theo học khoa đạo diễn năm thứ 2, chị nghĩ sao về ý định chuyển nghề?

Tôi chỉ muốn học để nâng cao trình độ lý luận, để có một cái nhìn rộng hơn với nghề, để khen chê đúng hơn. Nghề chính của tôi vẫn là một diễn viên.

Nếu trong tương lai, có một kịch bản mà tôi thấy có cảm xúc, thấy hay, hợp với mình thì có thể sẽ… thêm một cơ hội làm đạo diễn. Làm đạo diễn như thế này, tôi thèm diễn lắm! Sắp tới, tôi sẽ tham gia diễn vở “Ngôi nhà búp bê” của đạo diễn - NSƯT Lê Hùng.