Sáp nhập đơn vị hành chính ở Hà Nội: Phải hoàn thành đề án trước 31/5

TP - Lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp cần thống kê, rà soát kỹ lưỡng các phương án bố trí cán bộ, công chức sau sắp xếp, bảo đảm phù hợp, ổn định theo đúng lộ trình đã quy định.
Phường Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính phường, giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: PV

Sáng 26/3, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý I/2024. Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh báo cáo một số nội dung liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Theo ông Cảnh, UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Phương án số 01 về tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố gửi Bộ Nội vụ; dự kiến tác động đến khoảng 156 xã, phường, thị trấn; giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Ngày 21/12/2023, Bộ Nội vụ đã có văn bản cơ bản thống nhất với phương án do UBND thành phố trình. Bộ Nội vụ yêu cầu, đến ngày 31/5/2024, thành phố Hà Nội phải hoàn thành đề án, gửi Bộ Nội vụ thẩm định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Ông Cảnh thông tin, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính thành phố yêu cầu, các công việc liên quan vấn đề này phải triển khai đúng trình tự, pháp luật, bài bản, kỹ lưỡng, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Sau khi các quận, huyện, thị xã hoàn chỉnh hồ sơ gửi về thành phố, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp xây dựng hồ sơ Đề án, báo cáo UBND thành phố trình xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy. Sau khi được đồng ý, UBND thành phố trình HĐND thành phố tổ chức kỳ họp ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/5. Theo quy định, sau khi HĐND thành phố ban hành nghị quyết, thành phố sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, gửi về Bộ Nội vụ và Ban Chỉ đạo Chính phủ để hoàn thành trước 31/5 theo tiến độ.

Về việc thúc đẩy triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 – 2025, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, sẽ lấy kết quả giải ngân để đánh giá xếp loại Đảng bộ cấp trên cơ sở và đánh giá cán bộ đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý. Bà Tuyến nêu thực tế, tỷ lệ giải ngân toàn thành phố còn thấp, nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm bố trí vốn đối ứng để hoàn thành các chương trình mục tiêu; nhiều dự án vướng mắc trong triển khai thực hiện…

Không để lãng phí tài sản công

Ban Chỉ đạo thành phố đề nghị Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm về tên gọi của đơn vị hành chính mới và việc sắp xếp các cán bộ, công chức. Về tên gọi, theo ông Cảnh, đây là vấn đề được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm. Trong quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị các đơn vị xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp, hoặc tên gọi được sử dụng trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị; đồng thời có phương án, cách làm phù hợp với thực tiễn tại cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất.

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị thống kê, rà soát kỹ lưỡng các phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức sau sắp xếp bảo đảm phù hợp, ổn định theo đúng lộ trình đã quy định. Về nguyên tắc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ nhập nguyên trạng đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị được sáp nhập, thực hiện giảm dần theo lộ trình 5 năm.

Ban Chỉ đạo thành phố đưa ra một số phương án xử lý như: Đối với cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu sẽ giải quyết nghỉ hưu theo chế độ; đối với cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, có nguyện vọng thôi việc sẽ giải quyết chế độ thôi việc, chế độ chính sách cho đối tượng này.

Thành phố cũng điều động, luân chuyển cán bộ, công chức ở những xã sắp xếp đến những xã, phường, thị trấn có số cán bộ, công chức còn thiếu để bảo đảm giải quyết hài hòa. Tuyển dụng lên cấp huyện đối với cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn. Đối với cán bộ chuyên trách, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì tuyển dụng làm công chức, số còn lại không giải quyết được thì gộp nguyên trạng.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, quá trình thực hiện nhiệm vụ này, các địa phương phải sáp nhập cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; sau sáp nhập, bố trí hợp lý việc sử dụng tài sản công để tránh thất thoát, lãng phí.