Chia sẻ về Quỹ vắc xin COVID-19 vừa thành lập, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, Chính phủ giao Bộ Tài chính quản lý nguồn tài chính của quỹ này. Còn quyết định sử dụng khi nào và mỗi lần bao nhiêu, các cơ quan sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng quyết định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ xuất tiền từ quỹ để mua vắc xin.
Mới đây, có doanh nghiệp sau khi đóng góp tiền ủng hộ mua vắc xin COVID-19 đã đề nghị được ưu tiên tiêm cho người lao động, khách hàng của mình. Nội dung này, ông Hưng cho rằng, tới đây, Bộ Y tế là đầu mối tập trung duy nhất mua vắc xin COVID-19. Bộ Y tế cũng được Chính phủ giao xác định các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin trong thời gian đầu. Sau đó, khi chúng ta có lượng vắc xin đủ lớn, Bộ Y tế có thể sẽ đề xuất mở rộng các nhóm đối tượng được tiên.
“Ngoài 9 nhóm đối tượng ưu tiên đã được công bố, trong bối cảnh hiện nay, người lao động ở các khu công nghiệp tập trung có độ rủi ro cao về dịch bệnh cũng là đối tượng được ưu tiên vắc xin”, ông Hưng nói.
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến Việt Nam cần mua khoảng 150 triệu liều vắc xin COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, tổng kinh phí khoảng 25.200 tỷ đồng. Do đó, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, cần huy động thêm nguồn lực đóng góp tự nguyện từ xã hội, các tổ chức, cá nhân trong và người nước để cùng nhà nước mua đủ vắc xin tiêm kịp thời cho người dân.
Theo đại diện Bộ Tài chính, cơ quan này đang triển khai xây dựng quy chế hoạt động của quỹ, bộ máy quản lý, tài khoản quỹ được mở tại ngân hàng thương mại để thuận tiện cho việc ủng hộ từ cộng đồng. Dự kiến, chậm nhất tuần sau quy chế hoạt động của quỹ sẽ được ban hành. Hoạt động thu, chi quỹ sẽ được công khai trên cổng thông tin của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước; quỹ chịu thanh tra, kiểm toán...
“Với các khoản tiền doanh nghiệp đã ủng hộ Chính phủ, Bộ Y tế mua vắc xin, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế để chuyển vào quỹ”, ông Hưng nói.