Từ khi Bác Hồ chọn Cao Bằng làm căn cứ địa để xây dựng phong trào cách mạng, nơi đây đã xuất hiện rất nhiều nhân tài kiệt xuất, đóng góp nhiều công lao cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Liệt sĩ Hoàng Đình Giong là một trong số những người xuất sắc như thế.
Vang mãi chiến công
|
|
Thế hệ trẻ ghi nhớ, học tập tấm gương Hoàng Đình Giong Ảnh: CB |
|
Thế hệ trẻ ghi nhớ, học tập tấm gương Hoàng Đình Giong Ảnh: CB |
Tôi nhớ mãi kỷ niệm, gần trưa ngày 27/1/1984 gia đình tôi được đón tiếp một vị khách đặc biệt, đó là Trung tướng Đàm Quang Trung- Tư lệnh Quân khu 1. Qua sử sách, chúng tôi ngưỡng mộ ông bởi vị tướng này là một trong 34 chiến sỹ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân- tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tướng Trung thăm gia đình vì tôi là một cộng tác viên nhí của lực lượng vũ trang Quân khu cũng như các báo, đài trong và ngoài nước, đồng thời cũng góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa thiếu nhi Lạng Sơn với bạn bè quốc tế…
Trong câu chuyện của mình, thi thoảng ông nhắc đến tấm gương của anh Kim Đồng, nhà cách mạng tiền bối Hoàng Đình Giong…những con người bình dị, kiên trung của quê hương ông. Những lúc ấy, mạch nguồn cách mạng lại dâng trào trong tôi và mọi người.
Hoàng Đình Giong, người dân tộc Tày, sinh ngày 1/6/1904, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, về sau chuyển sang Nà Toản, xã Xuân Phách (nay là phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng). Từ một người thanh niên học sinh yêu nước, Hoàng Đình Giong đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1926, được kết nạp vào Đảng cùng với đồng chí Hoàng Văn Thụ từ năm 1929 và được bầu làm Bí thư Chi bộ hải ngoại Long Châu. Dưới sự chỉ đạo của Hoàng Đình Giong, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập, trở thành một trong những chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sớm tại khu vực miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc.
Đồng chí Giong đã có công trong việc chỉ đạo tổ chức gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn, gây dựng củng cố lại tổ chức Đảng và quần chúng ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Năm 1935, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ I của Đảng ở Ma Cao (Trung Quốc) và được phân công phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ. Đồng chí bị địch bắt cầm tù từ tháng 2/1936 cho đến tháng 10/1944.
Dù phải chịu cực hình qua nhiều nhà tù của địch ở trong nước và ngoài nước, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, khôn khéo đấu tranh để ra tù về nước tiếp tục hoạt động. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được gặp Bác Hồ, vinh dự được Bác đặt tên mới là Võ Văn Đức và giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào Nam bộ đánh thực dân Pháp xâm lược.
Đồng chí đã trải qua các cương vị: Chủ nhiệm chính trị Bộ (Chính uỷ) Quân Giải phóng Nam bộ, Khu bộ trưởng (Tư lệnh) đầu tiên của Khu 9, Khu bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 6. Năm 1947, đồng chí hy sinh tại Khu VI (Ninh Thuận). Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong gắn liền với những chiến công hiển hách của đất nước và quê hương cách mạng Cao Bằng.
Ghi nhận những cống hiến và công lao đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, năm 1998 Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong huân chương cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh; năm 2009 được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và năm 2018 được Đảng và Nhà nước công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam..
“Cao Bằng vinh dự và tự hào là quê hương cách mạng, là quê hương sinh ra đồng chí Hoàng Đình Giong - người chiến sĩ cộng sản trung kiên, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Trần Hồng Minh- Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng
Sau này, khi lên Cao Bằng công tác tôi có dịp trò chuyện với bà Hoàng Thị Bi, cháu gái ruột của Hoàng Đình Giong. Bà Bi kể lại: “Ngày chú Giong hoạt động cách mạng, gia đình tôi là một “địa chỉ đỏ” nên các nghĩa quân thường họp bàn vào ban đêm trên gác nhà tôi. Mỗi lần như thế, tôi được cử ra đầu làng để canh gác, cảnh giới.
Lớn hơn chút nữa, tôi được giao nhiệm vụ thu gom thóc gạo để chuyển cho cách mạng. Tôi thường giấu thóc trong những cái chum ở bụi tre gần bờ sông. Vào đêm khuya, chúng tôi mang thóc đổ vào chum, xong việc dùng cành cây lấp thật kín. Những năm sau đó, chú Giong bận việc nhiều hơn, lâu lâu mới về thăm nhà một lần. Lần cuối cùng về, chú xoa đầu tôi và bảo, cố gắng học chữ để đi làm cách mạng...”
Truyền lửa cách mạng
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh liệt sĩ Hoàng Đình Giong, chúng tôi trở lại thăm non nước Cao Bằng. Mảnh đất, căn nhà Hoàng Đình Giong ở năm xưa vẫn còn đây, giờ đã được tôn tạo, mảnh vườn được trồng cây trái xanh tươi.
Năm 1988, Di tích địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2009, ngôi nhà của gia đình đồng chí được phục dựng lại ngay chính địa điểm nền nhà cũ của gia đình tại làng Nà Toàn nay là tổ 8, phường Đề Thám, cách trung tâm thành phố chừng 6km.
Anh Hà Ngọc Huy, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Cao Bằng chia sẻ: Ngày 24/5 vừa qua, giới trẻ địa phương tổ chức “Hành trình về với địa chỉ đỏ” và sinh hoạt câu lạc bộ Lý luận trẻ với chủ đề “Sáng mãi chủ nghĩa anh hùng cách mạng” nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong. Trong dịp này, các tổ chức Đoàn- Hội- Đội trong toàn tỉnh tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về thân thế, sự nghiệp đồng chí Hoàng Đình Giong và tổ chức các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh cho biết: Kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng, học tập tấm gương đồng chí Hoàng Đình Giong, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng không ngừng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đề ra qua các nhiệm kỳ Đại hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.
Trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, Đảng bộ Cao Bằng đã không ngừng vận dụng sáng tạo và cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước giành được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.