Trao đổi với Tiền Phong Online, TS Trần Đình Châu cho biết:
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008 - 2013, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát động ngày 15 - 5 - 2008 tại trường THCS Vạn Phúc - Hà Đông - Hà Nội.
Ngay sau Lễ phát động, Ban Chỉ đạo phong trào, từ trung ương đến địa phương, đã tích cực triển khai các hoạt động cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Các ban ngành phối hợp đã triển khai những hoạt động thiết thực.
Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch tổ chức Ngày di sản văn hoá Việt Nam, Ngày về nguồn; Trung ương Đoàn TNCS HCM có các chương trình Thắp sáng ước mơ, Giúp đỡ bạn đến trường, đưa dân ca, trò chơi vào trường học, đến với các làng nghề, thi sáng tác vì mái trường thân thiện, xây dựng và cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…
Bộ GD&ĐT đã xác định phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực là nội dung của chủ đề năm học 2008 - 2009, là một trong 15 tiêu chí thi đua của các Sở GD&ĐT. Hàng loạt các văn bản chỉ đạo cùng Sổ tay hướng dẫn được xây dựng và ban hành kịp thời.
Dù mới phát động một năm nay nhưng phong trào đã có sức sống mãnh liệt ở các cơ sở. Tính đến nay, 37.011 trường đăng ký tham gia phong trào, trong đó, 5.440 trường được chọn làm đơn vị chỉ đạo điểm cấp tỉnh.
Sau một năm triển khai, ông nhận thấy phong trào mang lại những lợi ích như thế nào đối với học sinh?
Trong quá trình kiểm tra ở các cơ sở, điều chúng tôi dễ nhận thấy nhất là quang cảnh nhà trường xanh - sạch - đẹp – an toàn hơn trước. Hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh được cải thiện rõ rệt, cảnh quan môi trường sạch sẽ hơn. Hầu hết các tỉnh đều dự kiến, trong năm 2010, đều có công trình vệ sinh nước sạch đảm bảo ở mức tối thiểu.
Nhà trường đã chú trọng rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh. Một số tỉnh, thành phố đã triển khai tới cả các trung tâm GDTX. Chính quyền địa phương các cấp tích cực tham gia chỉ đạo phong trào, nhiều địa phương cấp đất bổ sung, mở rộng khuôn viên các trường học và đầu tư tăng cường cơ sở vật chất để trường học đạt chuẩn quốc gia.
Đi vào chiều sâu, chúng tôi nhận thấy, việc dạy và học trong nhà trường có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng CNTT. Cùng với việc nghiên cứu các tài liệu về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, các văn bản chỉ đạo của ngành giáo dục và đào tạo, nhiều tài liệu tổng hợp từ thực tiễn được thầy cô giáo vận dụng vào bài giảng cho thêm phần phong phú, hấp dẫn.
Trong giờ học, học sinh được khuyến khích phát biểu, trình bày ý kiến với thầy cô tạo không khí sôi động, cởi mở. Trong môi trường trường học thân thiện, học sinh sẽ cảm thấy sự thoải mái khi việc học của các em không chỉ gắn với những kiến thức trong sách giáo khoa mà còn được học thông qua các trò chơi, qua sự trải nghiệm của chính các em khi tham gia các hoạt động ngoại khoá.
Học sinh chủ động và tích cực hơn trong học tập nên ở nhiều địa phương tỉ lệ học sinh bỏ học giảm hơn so với trước, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng lên.
Được biết, một trong những nội dung quan trọng của phong trào là giáo dục học sinh nhận thức và yêu mến các giá trị truyền thống của dân tộc?
Đúng vậy. Với chủ trương tạo môi trường vui chơi lành mạnh bổ ích cho học sinh, các trò chơi dân gian, tiếng hát dân ca, khi đưa vào các trường, đã được các em hưởng ứng tích cực. Hình thức chăm sóc, hỗ trợ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá, cách mạng được thể hiện phong phú ở hầu hết các nơi.
Tuỳ theo lứa tuổi, học sinh tham gia chăm sóc và bảo vệ những khu di tích lịch sử gần nơi trường đóng. Nhiều địa phương chỉ đạo chăm sóc một số di tích lịch sử văn hoá trọng điểm và có kết quả tốt. Nhiều trường đưa lên trang web nhà trường các tư liệu về văn hoá, lịch sử, giá trị của các di tích…
Theo ông, để đạt được những thành công bước đầu như đã nêu là nhờ đâu?
Phong trào đã được sự hưởng ứng của dư luận, sự đồng thuận của cán bộ, giáo viên, học sinh trong các nhà trường, bậc phụ huynh, ban ngành ở Trung ương và chính quyền các cấp. Đặc biệt, phong trào có sức lan tỏa nhanh nhờ sự thông tin kịp thời của các phương tiện thông tin đại chúng về những mô hình triển khai tốt ở các địa phương.
Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất là sức sáng tạo dồi dào của các cán bộ quản lý, thầy cô giáo, các em học sinh trong các cơ sở giáo dục. Một số chủ trương đúng mà chúng ta đã thực hiện cũng là tác nhân khích lệ sự sáng tạo phát triển.
Cuộc thi sáng tạo giáo dục ở cấp tiểu học và THCS, cuộc thi giải toán trên mạng Internet… đã khơi dậy việc phát huy sáng kiến, góp phần hỗ trợ tích cực tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”.
Qua một năm thực hiện đã có hàng trăm sáng kiến xuất hiện, nhiều sáng kiến đã thực sự trở thành điểm nhấn trong phong trào.
Cảm ơn ông!