Tận dụng rau củ quả bỏ đi
Trước lượng lớn các loại rau củ quả hư hỏng bị vứt bỏ mỗi ngày ở các chợ, siêu thị và nông trại, Trần Nhân Kiệt (sinh viên ngành Khoa học y sinh, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, ĐH Đà Nẵng), luôn đau đáu tìm cách tận dụng, tái chế. Kiệt rủ nhóm bạn, gồm: Lê Ngọc Anh Phương, Lê Văn Minh Tuấn, Phạm Như Uyên Nhi (sinh viên ngành Quản trị và Kinh doanh quốc tế) và Nguyễn Hoàng Thanh Trâm (sinh viên ngành Khoa học máy tính) cùng nghiên cứu, tìm lời giải cho bài toán khó này.
“Sau khi tìm hiểu, nhóm phát hiện ra rằng các hợp chất anthocyanin trong rau củ quả có thể dùng để sản xuất mực, màu vẽ thân thiện với môi trường. Ở Việt Nam, đây là một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ, chưa ai thực hiện. Nếu thành công, nhóm có thể giải quyết bài toán ô nhiễm, tận dụng triệt để các loại rác thực vật”, Kiệt kể.
Có ý tưởng, nhóm bạn chia nhau đi các chợ trên địa bàn để xin rác thực vật, lục tìm trong các khu tập kết rác, liên hệ với các cô chú tiểu thương xin rau củ quả hư hỏng. Có nguồn nguyên liệu ổn định, nhóm bắt tay nghiên cứu. “Trong quá trình nghiên cứu, nhóm gặp khá nhiều thách thức, đặc biệt là về mặt kỹ thuật để tối ưu hóa quy trình trích ly và ổn định màu sắc. Chúng em phải liên tục tìm kiếm và thử nghiệm để có thể lựa chọn được các nguồn nguyên liệu phù hợp”, Kiệt chia sẻ.
Với sự nỗ lực cao độ của các thành viên, nhóm mất khoảng 6 tháng kể từ khi nhen nhóm ý tưởng đến lúc mẫu mực vẽ đầu tiên ra đời với cái tên Botanical Inks. Sau đó, Kiệt cùng các bạn tiếp tục điều chỉnh, cải tiến quy trình sản xuất để hoàn thiện sản phẩm, đảm bảo chất lượng và tính an toàn. Toàn bộ quá trình biến rau củ quả bỏ đi thành mực thực vật mất khoảng 1 năm. Sản phẩm có nhiều ưu điểm so với các loại màu vẽ thông thường trên thị trường như: tốc độ khô nhanh gấp 6 lần, độ bền màu cao gấp 3 lần, không chứa bất kỳ các loại hóa chất độc hại nào và an toàn cho người sử dụng.
Ấp ủ khởi nghiệp, biến rác thành… tiền
Để chào hàng, nhóm tìm đến một số lớp vẽ trên địa bàn giới thiệu, mời dùng thử sản phẩm. Nhóm đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Riêng tại Đà Nẵng, hơn 100 sản phẩm đã được bán ra trong giai đoạn từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024. Về giá cả, sản phẩm mực thực vật Botanical Inks rẻ hơn 20% so với các sản phẩm tương tự trên thị trường.
Trước khi tham gia Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2024, nhóm dự án Botanical Inks đã mang ý tưởng này tham gia và giành giải thưởng tại nhiều cuộc thi khác như: Cuộc thi Sáng tạo Ý tưởng Khởi nghiệp do ĐH Đà Nẵng tổ chức, Cuộc thi khởi nghiệp Start-up Wheel 2024… “Chính những trải nghiệm này đã giúp chúng em tự tin hơn, nhận được những đóng góp, gợi ý của các chuyên gia để ngày càng hoàn thiện sản phẩm”, bạn Trần Nhân Kiệt - Trưởng nhóm dự án mực thực vật Botanical Inks, nói.
“Cùng với nguồn gốc xanh, thân thiện với môi trường, không chứa các chất độc hại, mực thực vật có nhiều lợi thế để cạnh tranh và thay thế các loại mực và màu truyền thống. Dù chỉ là bước khởi đầu nhưng đây là sự động viên để nhóm tiếp tục nỗ lực và ấp ủ ước mơ thương mại hóa sản phẩm”, Kiệt nói.
Giữa tháng 5 vừa qua, dự án “BINKS - Mực thực vật - Hướng đi mới cho Nông nghiệp xanh” của nhóm xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV - STARTUP) lần thứ VI - năm 2024” do Bộ GD&ĐT phối hợp với T.Ư Đoàn tổ chức. Sau khi giành được giải thưởng, nhóm quyết tâm tiếp tục phát triển và thương mại hóa sản phẩm Botanical Inks. Trong giai đoạn sau, nhóm hướng đến nghiên cứu và phát triển sản phẩm mực in, màu nhuộm vải từ rác thực vật và phế phẩm nông nghiệp.
“Nhóm ấp ủ xây dựng một doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng này, mở rộng thị trường và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Bởi rất nhiều phụ huynh quan tâm đến tính an toàn của mực viết và màu vẽ mà con cái họ sử dụng hằng ngày. Đồng thời, chúng em mong muốn góp phần thúc đẩy phong trào tiêu dùng xanh và nâng cao nhận thức của người dùng về sản phẩm thân thiện với môi trường”, Kiệt chia sẻ thêm.