Sai sót của tình báo Mỹ khiến hàng nghìn người chết oan

Tài liệu mới thu thập từ Lầu Năm Góc cho thấy nhiều thông tin tình báo các cuộc không chiến của Mỹ ở Trung Đông sai sót nghiêm trọng, dẫn đến cái chết của hàng nghìn dân thường.
Các vật dụng thuộc về 10 nạn nhân thiệt mạng sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Kabul vào ngày 29/8. Ảnh: AFP.

Các tài liệu do New York Times mới thu thập được từ Lầu Năm Góc bao gồm một kho thông tin mật, trong đó có hơn 1.300 báo cáo liên quan tới thương vong của dân thường. Các tài liệu cho thấy sự thiếu hụt trong cam kết về tính minh bạch hay trách nhiệm giải trình về những hồ sơ này.

"Không hồ sơ nào (trong số được cung cấp) có phát hiện ra hành vi sai trái hay bị kỷ luật", New York Times đưa tin, đồng thời cho biết bài báo hôm 18/12 là phần đầu tiên trong loạt bài gồm 2 phần.

Lỗ hổng giám sát

Báo cáo cho biết thất bại thường xảy tới do những lỗ hổng trong quá trình giám sát, gây ra nhiều cái chết cho dân thường.

Một trong số ba trường hợp được trích dẫn là vụ đánh bom ngày 19/7/2016 của lực lượng đặc biệt Mỹ vào nơi được cho là khu vực có sự hiện diện nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền Bắc Syria.

Báo cáo ban đầu cho biết 85 tay súng đã thiệt mạng, nhưng có tới 120 nông dân và nhiều dân làng khác cũng tử vong sau vụ đánh bom này.

Ví dụ khác là cuộc tấn công hồi tháng 11/2015 ở Ramadi, Iraq sau khi một người đàn ông kéo "vật nặng không xác định" vào khu vực của IS. "Đối tượng" là một đứa trẻ, và đã chết sau cuộc tấn công.

Gần đây nhất, Mỹ đã phải rút lại tuyên bố phương tiện bị máy bay không người lái phá hủy trên đường phố Kabul vào tháng 8 có chứa bom. Nạn nhân của cuộc tấn công hóa ra là 10 thành viên trong một gia đình, bao gồm cả trẻ em.

Báo cáo cho biết nhiều dân thường sống sót sau các cuộc tấn công của Mỹ đã bị tàn tật và cần chi rất nhiều tiền để điều trị, nhưng số lượng các khoản chi trả lại không đáng là bao.

Đại úy Bill Urban, phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, nói rằng "ngay cả khi sử dụng loại công nghệ tối tân nhất trên thế giới, những sai lầm vẫn xảy ra, dù dựa trên thông tin không đầy đủ hay hiểu sai thông tin có sẵn. Chúng tôi đang cố gắng học hỏi từ những sai lầm đó".

"Chúng tôi làm việc chăm chỉ để tránh những tổn hại tương tự. Chúng tôi điều tra từng trường hợp. Và chúng tôi lấy làm tiếc về mỗi cái chết của người vô tội", ông nói thêm.

Độ chính xác thấp hơn so với những gì công bố

Chiến dịch không kích của Mỹ ở Trung Đông phát triển nhanh chóng trong những năm cuối của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, khi sự ủng hộ của công chúng dành cho cuộc chiến trên bộ suy yếu.

Ông Obama cho biết cách tiếp cận mới, thường là điều khiển từ xa máy bay không người lái, đại diện cho "chiến dịch không quân chính xác nhất trong lịch sử" và có thể giảm thiểu thương vong cho dân thường.

Theo Lầu Năm Góc, công nghệ mới có thể phá hủy một phần ngôi nhà chứa đầy máy bay chiến đấu của đối phương trong khi vẫn giữ nguyên phần còn lại của công trình.

Nhưng trong khoảng thời gian 5 năm, lực lượng Mỹ đã thực hiện hơn 50.000 cuộc không kích vào Afghanistan, Iraq và Syria, với độ chính xác thấp hơn nhiều so với những gì họ tuyên bố.

Những đứa trẻ chơi đùa tại ngôi trường ở Đông Mosul, Iraq, nơi xảy ra vụ không kích hồi tháng 1/2017. Ảnh: New York Times.

Những đứa trẻ chơi đùa tại ngôi trường ở Đông Mosul, Iraq, nơi xảy ra vụ không kích hồi tháng 1/2017. Ảnh: New York Times.

Những đứa trẻ chơi đùa tại ngôi trường ở Đông Mosul, Iraq, nơi xảy ra vụ không kích hồi tháng 1/2017. Ảnh: New York Times.

Phóng viên của New York Times đến thăm hơn 100 địa điểm có thương vong và phỏng vấn rất nhiều người dân sống sót sau các vụ tấn công, cũng như các cựu quan chức và quan chức Mỹ đương nhiệm.

Trước khi tiến hành các cuộc không kích, quân đội Mỹ phải điều hướng những quy trình phức tạp để ước tính và giảm thiểu số lượng dân thường tử vong.

Tuy nhiên, đôi khi cơ quan tình báo có thể bị đánh lừa, dẫn đến những sai sót tai hại. Ví dụ, video quay từ trên không không thể hiện được hình ảnh người ở trong các tòa nhà, dưới tán lá hoặc tấm bạt.

Ngoài ra, dữ liệu sẵn có bị diễn giải sai lệch, ví dụ như khi có người chạy tới một địa điểm vừa mới bị đánh bom thường được cho là các tay súng chứ không phải là lực lượng cứu hộ.

Đôi khi, những người đàn ông đi xe máy di chuyển "theo đội hình", thường được coi là "dấu hiệu" sắp xảy xảy một cuộc tấn công. Nhưng thực chất đó chỉ là "những người đàn ông đi xe máy".

Đại úy Urban cho biết các nhà hoạch định những cuộc tấn công trên không đã làm mọi thứ có thể trong điều kiện cực kỳ khó khăn.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng trong nhiều tình huống chiến đấu, khi mà những người tấn công phải đối mặt với các luồng thông tin mang tính đe dọa đáng tin cậy và không có nhiều thời gian để suy nghĩ, điều này có thể dẫn đến các quyết định gây thiệt hại về mặt dân sự một cách thảm khốc.

Link bài gốc:

https://zingnews.vn/sai-sot-cua-tinh-bao-my-khien-hang-nghin-nguoi-chet-oan-o-trung-dong-post1284219.html

Theo Phương Linh/Báo Zing