Chuyện sách miễn phí đáng tiếc và đáng buồn. Còn chuyện “sách rởm” đang gây chú ý, cũng đáng nghĩ không kém. Gần đây, “giang hồ mạng” có nick name Huấn “hoa hồng” bất ngờ rao (qua hình thức livestream) bán hai cuốn sách “Đệ nhất kiếm tiền” và “Bí kíp kinh doanh online”. Cục Xuất bản In và Phát hành đã khẳng định hai cuốn này không nằm trong danh mục đăng ký xuất bản, danh mục sách lưu chiểu.
Trong hệ thống các nhà xuất bản được cấp phép cũng không có nhà nào mang tên “SG” như trên bìa sách Huấn “hoa hồng” quảng cáo. Sách của Huấn “hoa hồng” chẳng qua là dạng tài liệu in và phát tán trái phép. Vậy nhưng Huấn “hoa hồng” chào bán với giá siêu cao, 799 ngàn đồng/2 cuốn. Người tương tác kêu sách quá cao, “giang hồ mạng” nói: Anh ta bán trí tuệ, viết trong 100 ngày mới xong.
Đã thế, Huấn “hoa hồng” còn mang sách của mình so với sách của những người có chuyên môn: “Tôi viết về cuộc đời của tôi, cách làm kinh tế, cách bán hàng, cách livestream, cách đăng bài, ảnh… Tôi thành công rồi mới nói được. Các ông thày chỉ dạy mồm làm sao biết được”.
Đáng nói, một cuốn sách đầy lỗi chính tả, được viết bởi “giang hồ mạng” từng dương tính với ma túy, từng phải đi cai nghiện bắt buộc lại khá đắt hàng. Theo lời anh ta, tất cả số tiền thu được từ bán sách sẽ dùng để làm từ thiện, giúp trẻ em nghèo hiếu học vùng cao. Ai đó mua sách vì Huấn “hoa hồng” hay chỉ vì muốn làm từ thiện? Nếu muốn làm từ thiện thì thiếu gì cách thiết thực, trong sáng hơn, tại sao lại chọn cách bắt tay với “giang hồ mạng”?
Người Việt lười đọc sách là tổng kết không còn mới. Theo một khảo sát cách đây vài năm có đến 26% dân số Việt Nam chẳng bao giờ đọc sách; 44% thỉnh thoảng mới đọc và tỷ lệ đọc thường xuyên chỉ đạt 30%. Những thành phần gây mất trật tự ở ATM sách miễn phí hay bỏ tiền mua sách “rởm” chắc chắn không nằm trong tỷ lệ 30% đọc sách thường xuyên. Bởi người đọc sách thường xuyên không có kiểu ứng xử như vậy.
Chuyện ATM sách miễn phí phải đóng cửa và chuyện Huấn “hoa hồng” rao bán sách “rởm” càng khiến bức tranh về văn hóa đọc ở ta xám xịt hơn. Không những thế còn báo động về sự “lệch chuẩn” trong tâm lí, nhận thức của một bộ phận người Việt.