Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới:

Sách giáo khoa lớp 1 đang được thẩm định như thế nào?

TP - Sau một thời gian chuẩn bị, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông báo nhận các bản thảo SGK  thông qua nhà xuất bản từ 1 - 15/7. Kết thúc ngày 15/7 đã có 3 nhà xuất bản nộp bản thảo 5 bộ SGK lớp 1.
Ngày 15/7 đã có 3 nhà xuất bản nộp bản thảo 5 bộ SGK lớp 1. Ảnh: Hồng Vĩnh

Theo lộ trình, năm học 2020 – 2021 Bộ GD&ÐT chính thức thay sách giáo khoa (SGK) lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ÐT nói: Nghị quyết 88 của Quốc hội và gần đây Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới quy định những vấn đề cốt lõi nhất. SGK là một trong những tài liệu giáo dục rất quan trọng cụ thể hoá chương trình giáo dục phổ thông. Và theo chương trình mới này học sinh có thể học nhiều bộ SGK.

Sau một thời gian chuẩn bị, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông báo nhận các bản thảo SGK  thông qua nhà xuất bản từ 1 - 15/7. Kết thúc ngày 15/7 đã có 3 nhà xuất bản nộp bản thảo 5 bộ SGK lớp 1.

Việc thẩm định 5 bộ bản thảo SGK lớp 1 này diễn ra như thế nào, thưa ông?

Năm 2017, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 33, trong đó có nội dung liên quan việc thẩm định cũng như quy định đối với người biên soạn và xuất bản SGK. Đây  là văn bản pháp lý, là khung chuẩn nhất để đánh giá SGK  với 5 điều và 13 tiêu chuẩn.

Từ đó, Bộ GD&ĐT đã mời các nhà khoa học, giáo viên đang giảng dạy, các thành phần khác, nghiên cứu những nội dung được quy định trong Thông tư 33 và cụ thể hoá được 40 minh chứng cần đạt cho tất cả các bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12.

Bộ GD&ĐT cũng đã tập huấn cho tất cả lực lượng sau này có thể sẽ được mời thẩm định SGK lớp 1. Từ đó, thống nhất đưa  ra yếu tố đặc trưng bộ môn cần đạt  được, ví dụ môn Toán thế nào, tiếng Anh, Âm nhạc ra sao... Từ đó, những người viết sách sẽ cụ thể thành các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với bộ SGK lớp 1 để khi các thành viên hội đồng thẩm định, nhìn vào bộ minh chứng này  không có độ vênh nhau quá lớn. 

Ông Thái Văn Tài

Năm nay chúng ta viết sách cho lớp 1, năm sau sẽ viết cho từ lớp 2 đến lớp 6. Cho đến thời điểm này, việc chuẩn bị tài liệu, nhân sự cho đến thành lập các hội đồng thẩm định đã hoàn tất.  Ngày 15/7, bộ trưởng GD&ĐT đã ký quyết định thành lập 9 hội đồng thẩm định SGK lớp 1.

Thời điểm này các thành viên hội đồng thẩm định SGK lớp 1 đã tiếp cận bản thảo để đánh giá. Theo quy định, mỗi hội đồng có số thành viên lẻ và ít nhất 7 người. Trong số thành viên, có ít nhất 1/3 giáo viên đang giảng dạy trực tiếp tại các vùng miền từ trung tâm,  đến vùng sâu, vùng xa. Số thành viên hội đồng thẩm định còn lại là các giảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học…

Ba nhà xuất bản đã hoàn thành 5 bộ sách, những bộ sách này sẽ được các hội đồng đánh giá theo 3 mức: đạt, đạt nhưng phải sửa chữa, bổ sung và không đạt. Bộ sách nào đạt yêu cầu sẽ được công bố, các bộ sách còn lại, có quyền được đề nghị thẩm định lần 2, quy trình thẩm định lần hai có các bước thực hiện như thẩm định lần đầu.  

Các hội đồng sẽ công bố những bộ sách đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD&ĐT có lường trước được tình huống không có bộ sách nào trong 5 bộ SGK lớp 1 này đạt yêu cầu?

Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, SGK là sản phẩm có tính tự trọng, tự hào nghề nghiệp rất cao đối với người viết sách. Nhiều nhà khoa học tham gia viết SGK không phải vì lợi nhuận mà mang mục đích cống hiến cho xã hội, cho thế hệ sau những tri thức, tình cảm và tâm huyết của mình. Vì thế, có thể khẳng định, người viết sẽ làm bằng tất cả tâm huyết và tình cảm cá nhân. Những nhà xuất bản cũng tính toán trong việc đầu tư kinh phí, vì đây là công việc cần sự đầu tư lớn. Vậy nên đây là công việc nghiêm túc, có chiến lược chứ không thể hời hợt. Nên tôi tin không có tình huống như trên. Nhưng cũng không phải vì thế mà không có sự chuẩn bị. Vì  vậy Bộ GD&ĐT đã khẩn trương và xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, phù hợp để từ tháng 9 năm  nay tới  năm học sau vẫn còn đủ thời gian thực hiện các tình huống xảy ra theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Các địa phương lựa chọn SGK được quy định như thế nào, thưa ông?

Theo Luật Giáo dục 2019 (sửa đổi) vừa công bố thì  UBND các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ lựa chọn SGK. Bộ GD&ĐT cũng  đang xây dựng thông tư hướng dẫn các địa phương lựa chọn SGK. Hiện nay, đang trong quá trình soạn thảo thông tư. Dự kiến trong năm 2019 thông tư này sẽ được ban hành.

Các bộ SGK sẽ được tổ chức dạy thực nghiệm ra sao, thưa ông?

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tính  toán lộ trình làm việc. Cố gắng trong tháng 9, công bố kết quả  thẩm định 5 bộ SGK lớp 1. Bộ  SGK nào đạt thì công bố với dư luận rồi thực hiện bước tiếp theo, bộ SGK nào cần chỉnh sửa  thì cũng có thời gian sửa chữa. Bộ SGK nào không đạt thì vẫn còn thời gian tiếp thu ý kiến của hội đồng và vẫn còn thời gian để trình thẩm định lại lần thứ hai. 

Đối với dạy thực nghiệm, trong quá trình xây dựng chương trình, Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng ma trận thực nghiệm phân ra 6 vùng, mỗi vùng như thế có cắt lát cho các đối tượng cụ thể. Song song với việc thẩm định SGK, Bộ đang xây dựng tiếp một hướng dẫn  về thực nghiệm những bộ SGK đạt yêu cầu dựa trên chuẩn trước đây thực nghiệm chương trình. Để SGK trước khi đi vào giảng dạy thực tế có tính khoa học nhất.

Cảm ơn ông!