> Phó GĐ Sở gây tai nạn kinh hoàng đột ngột nghỉ hưu
> Phó Giám đốc Sở có hơi men khi gây tai nạn chết người
Rượu vào, gây trọng án
Mới đây, dư luận bàng hoàng khi chứng kiến một vụ tai nạn giao thông liên hoàn ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, mà người gây tai nạn là Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng- ông Mai Nam Dương. Cảnh sát xác định ông Dương đã sử dụng bia, rượu quá mức cho phép nhiều lần.
Trước đó, chiều 22/5, vị Phó Giám đốc Sở gây ra vụ tai nạn liên hoàn khi điều khiển ô tô tại giao lộ Trần Phú - Lê Hồng Phong, TP Đà Lạt. Cú đâm kinh hoàng đã tước đi sinh mạng của anh Trương Văn H. (48 tuổi, ở đường 3/2, TP Đà Lạt) và khiến 3 người khác nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Cơ quan chức năng đang chờ kết quả giám định phương tiện để khởi tố vụ án.
Là một chức sắc nhỏ ở địa phương, nhưng sáng 21/5 vừa qua, Phó Trưởng Công an xã Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) – Hồ Văn Huynh đã gây ra một vụ trọng án khủng khiếp khi xách dao chém liên tiếp 3 người, làm một người tử vong tại chỗ.
Theo xác minh của cơ quan chức năng, chiều 20/5, trong lúc ăn nhậu với một số cán bộ cùng xã, Huynh đã cãi vã với những người trong bàn nhậu. Khi say xỉn, Phó Công an về nhà xách dao, chạy đến đâm thẳng vào cổ, mặt anh Hồ Văn Thà (SN 1987, cán bộ tuyên giáo xã), khiến anh này tử vong. Không dừng lại, Huynh còn chém trọng thương Chủ tịch Hội Nông dân xã và một người khác khi họ vào can ngăn.
Tiếp tục là một trọng án từ việc bia rượu, tháng 1/2013, TAND TP Hà Nội tuyên Nguyễn Trung Thành (SN 1980) án tử hình, Nguyễn Hà Trung (SN 1976, cùng ở quận Hoàn Kiếm) 20 năm tù về tội giết người.
Tài liệu truy tố thể hiện, ngày 23/7/2012, Thành và Trung rủ nhau đi uống bia ở khu vực đường Trần Phú, quận Ba Đình, va chạm với anh Trần Thế Mạnh (SN 1971). Thành về lấy 2 dao tông rồi cùng Trung chém liên tiếp 17 nhát vào khắp cơ thể anh Mạnh, làm anh này tử vong ngay sau đó.
Tăng nặng trách nhiệm hình sự
Theo luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), các đối tượng sử dụng bia rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác khi gây án, sẽ không được xem xét là tình tiết giảm nhẹ. Nội dung này được quy định trong Điều 14, Bộ luật Hình sự. Bà Hằng Nga giải thích thêm, tình trạng say rượu cũng như việc dùng các chất kích thích mạnh khác, người sử dụng có thể bị giảm hoặc mất hoàn toàn năng lực nhận thức cũng như năng lực hành vi trong khoảng thời gian nhất định.
Tuy vậy, pháp luật không coi đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bởi lẽ khi một người nào đó bị say, nghĩa là bản thân họ đã chủ động đặt mình vào tình trạng hạn chế, hoặc mất khả năng nhận thức. Như vậy, người say được xem là tự có lỗi với tình trạng say của mình, và họ cũng có lỗi khi say rồi thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị coi là tội phạm.
Đồng tình quan điểm này, luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội) bổ sung thêm, đồng ý việc khi say, khi sử dụng các chất kích thích mạnh nào đó, về mặt chủ quan, người say có thể không còn ý thức về hành vi của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là tình trạng tạm thời, có thể thay đổi sau một khoảng thời gian.
“Người trước khi say phải nhận thức được mình có thể không làm chủ được hành vi khi lạm dụng bia, rượu hoặc các chất kích thích. Hơn nữa, đây cũng là quy định mang tính giáo dục, phòng ngừa và răn đe đối với những người thường xuyên, hoặc có ý định lạm dụng bia rượu” – luật sư Hà Đăng nói.
Không những không được coi là tình tiết giảm nhẹ, theo thẩm phán Đông Bích (TAND TP Hà Nội), việc sử dụng rượu, bia, trong một số tội danh nhất định, còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ví dụ như các tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 BLHS); Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 208 BLHS);
Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 212 BLHS)… Theo lý giải của thẩm phán Đông Bích, đây là những tội danh có tính đặc thù, bởi người phạm tội có thể gây ra những thiệt hại vô cùng lớn. Do vậy, nếu chủ động uống bia, rượu mà phạm tội, bị cáo sẽ bị xem xét tăng nặng trách nhiệm.
Liên quan đến trách nhiệm hình sự khi sử dụng bia rượu, luật sư Hằng Nga cho biết thêm: “Chỉ duy nhất trường hợp say rượu do bệnh lý sẽ được xem xét loại trừ truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Theo luật sư, người say rượu do bệnh lý là một dạng ngộ độc rượu hiếm gặp, được xem xét như một dạng tâm thần, quy định tại Khoản 1, Điều 13 Bộ luật Hình sự. Đó là việc người phát bệnh mặc dù sử dụng một lượng bia rượu cực nhỏ (so với mức trung bình), nhưng lập tức rơi vào tình trạng rối loạn ý thức trầm trọng, mất định hướng, thường gây hoang mang, hoang tưởng, dễ tấn công những người xung quanh.
Điều 14 Bộ luật Hình sự. Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác: Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.