Rưng rưng nước mắt trong tranh

Thầy giáo-họa sĩ Lê Sa Long vẽ hàng trăm bức tranh về đại dịch COVID-19. Nhiều tác phẩm trong số đó tái hiện, khắc họa những hy sinh, mất mát bởi dịch bệnh gây xúc động lòng người.
Họa sĩ Lê Sa Long đang tác nghiệp trong xưởng vẽ

Mỗi bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long đều gắn liền với sự kiện, nhân vật và câu chuyện cụ thể ngoài đời sống nên rất đỗi chân thực khiến người xem không khỏi rưng rưng. Người họa sĩ chia sẻ, nhiều câu chuyện thương tâm đã ám ảnh, khiến anh rơi nước mắt khi cầm cọ.

Lê Sa Long cho biết, bộ tranh Sài Gòn trong những ngày giãn cách của anh với gần 80 bức sắp được ra mắt công chúng trong những ngày gần đây. “Khi xem lại các bức tranh, như nhật ký, tôi vẫn không thôi xúc động vì đôi mắt những người trong hình thao thiết lắm; cứ như muốn gửi gắm lại cho tôi và nhiều thế hệ sau nữa, những câu chuyện bi thương mà nghĩa tình trong những ngày cơn bão COVID-19 tràn qua thành phố. Tôi bần thần khá lâu trước những tranh vẽ, những câu chuyện về người mẹ và những em bé…”.

Những bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long

Kỷ vật của mẹ là một trong những bức tranh khiến người họa sĩ bần thần. Ngày 23/9, gần 500 túi đồ của bệnh nhân mất vì COVID-19 đã được các nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 16 trao lại cho người thân. Bức tranh tái hiện khung cảnh trao nhận kỷ vật trên nền câu chuyện của người thân các nạn nhân đã mất vì COVID-19. Ngày 21/8 vợ anh Trương qua đời. Anh Trương (quận 1) ôm con thơ đến nhận lại kỷ vật của vợ và nghẹn ngào: “Tôi không nghĩ vợ mình sẽ mất. Đêm hôm trước bà xã gọi điện về cho tôi, hôm sau bệnh viện báo vợ tôi đã mất. Trong tất cả đồ đạc bà xã để lại, cái quý giá nhất là chiếc điện thoại, bởi trong đó có rất nhiều hình ảnh gia đình”. Anh L (ở quận 10) là một thanh niên đã úp mặt vào túi xách của người cha để lại, nức nở: “Tôi đã làm ba tôi khổ nhiều, muốn nói lời xin lỗi ông mà chần chừ mãi không dám nói, giờ ông ra đi đột ngột và tôi đã bỏ lỡ cơ hội…”.

Họa sĩ Lê Sa Long hiện là giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM. Anh chia sẻ, từng là người lính và chứng kiến đồng đội qua đời, nhưng chưa bao giờ anh thấy người mất nhiều như thời gian qua. Sáng dậy mở facebook là thấy tin báo người thân quen qua đời, nhà anh lại rất gần bệnh viện nên luôn thấy xe cứu thương và những điều đó gây cho anh nỗi ám ảnh.

Một khung cảnh trao-nhận khác cũng khiến người xem tranh Lê Sa Long không khỏi rơi lệ. Bức tranh Đón Ngoại về nhà được hình thành từ câu chuyện về gia đình có 4 người của một nữ nhà giáo tại TPHCM. Cuối tháng 7/2021, nữ nhà giáo và người mẹ dương tính với SARS-CoV-2 và được đưa vào bệnh viện. Do tuổi cao, sức yếu, cụ bà-người mẹ của nữ nhà giáo-đã không qua khỏi. Thi hài của cụ được đưa đi hỏa táng và sau đó tro cốt được các anh bộ đội đưa về gia đình. Hai chị em Hoàng Hoa đã đón bà ngoại trở về trong buồn đau vô tận và nước mắt không ngừng tuôn rơi. Hoàng Hoa vừa tròn 18 tuổi và bước vào ngưỡng cửa của một trường đại học y khoa. Cô tân sinh viên hứa trước vong linh Ngoại: “Con sẽ ráng học để trở thành bác sĩ giỏi như tâm nguyện của ngoại, để chữa lành hết vết thương cho bà con mình!”.

Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm!

Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm!

Dịch COVID-19 thời gian qua làm cho trên 1.500 trẻ em ở TPHCM mồ côi, mất cha hoặc mẹ, thậm chí mất cả hai khiến đau thương và khó khăn chồng chất trên đường đời. Những bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long về tuổi thơ vì thế cứ rưng rưng. Họa sĩ Lê Sa Long kể về câu chuyện của người học trò cũ, hiện là giáo viên Mỹ thuật ở Bà Rịa. Một ngày, người học trò báo tin vợ mất trong tiếng khóc nức nở: “Vợ em đi nhanh quá thầy ơi! Chỉ vào viện mới có 2 ngày. Tin nhắn cuối cùng của vợ “Anh ơi, nuôi con dùm em”, rồi ra đi... Giờ em phải làm sao khi hai con em còn nhỏ dại. Ước gì em đi thay cô ấy…”

“Tôi lặng người, khi nghĩ về sự khốc liệt của dịch bệnh”, họa sĩ Lê Sa Long bày tỏ. Anh cho biết, hai đứa con gái của người học trò rất xinh và ngoan. Một cháu học lớp 2, một mẫu giáo. Năm ngoái, vợ chồng em đưa hai cháu lên Sài Gòn dự lễ Vu lan ở chùa Pháp Hoa cùng vợ chồng anh. Nhìn những thiện nam tín nữ đi lễ Phật trên áo có đeo hoa hồng, cháu bé luôn miệng hỏi: “Mẹ ơi sao có cô đeo hoa hồng đỏ, có cô đeo hoa hồng trắng, hay màu hồng vậy?”. Mẹ bé từ tốn giải thích cho con hiểu và dạy con phải biết trân quý dành tình cảm nhiều hơn nữa đối với các đấng sinh thành.

Cơn bão COVID-19 đã kéo mẹ của bé ra khỏi hơi ấm gia đình, vĩnh viễn rời xa ba cha con. Những sắc màu hạnh phúc của gia đình người học trò trở nên tím tái. Trên ngực cả hai bé, mùa Vu Làn này cài cánh hoa màu hồng và những giọt nước mắt sẽ lăn xuống đôi má bầu bĩnh, và em sẽ nhớ nhiều, rất nhiều về người mẹ đã khuất. Và bức tranh Mẹ ơi, con nhớ mẹ nhiều lắm ra đời trong nỗi đau ấy.